Hành trình mang thai trải qua những giai đoạn nào?
Bản tin #HC2210: Bản tóm tắt 3 kỳ tam cá nguyệt của thai kỳ.
Hello,
Bạn đã chọn được cách thử thai phù hợp sau gợi ý của tôi tuần trước chưa? Nếu kết quả dương tính, liệu bạn đã sẵn sàng cho hành trình mang thai phía trước? Bạn có biết thai kỳ của mình sẽ kéo dài bao lâu và trải qua những giai đoạn nào không?
Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ đưa cho bạn vài thông tin cơ bản liên quan đến hành trình mang thai. Dù là tóm tắt, nhưng nội dung vẫn khá dài nên bạn cứ đọc từ từ nhé.
Thai kỳ kéo dài bao lâu?
Theo lý thuyết, một thai kỳ kéo dài khoảng 280 ngày tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng hoặc khoảng 266 ngày tính từ ngày thụ thai. 266 ngày này, tương ứng với 38 tuần hay khoảng 9 tháng, chính là tuổi thực của em bé.
Cần lưu ý rằng số tuần thai hay ngày thai nói ở trên chỉ là lý thuyết. Thực tế, em bé có thể ra đời sớm hơn một vài tuần hay chậm hơn một vài ngày so với ngày dự sinh.
Thông thường, để thuận tiện cho việc theo dõi thai kỳ, tuổi thai được tính theo tuần. Có 2 cách tính sau:
Số tuần vô kinh: số tuần tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng;
Số tuần thai thực: số tuần tính từ ngày thụ thai, thường rơi vào khoảng từ tuần vô kinh thứ 3.
=> Số tuần thai thực = Số tuần vô kinh – 2 tuần.
Cả 2 cách tính thời gian mang thai này đều được chấp nhận và sử dụng, nhưng “Tuần vô kinh” được chọn để ghi hồ sơ thai kỳ theo quy chuẩn quốc tế vì mốc thời gian này dễ nhớ hơn là biết được chính xác thời điểm thụ thai. Do đó, nếu bạn nghe các y bác sĩ nói về tuần thai khi đi khám, trao đổi thông tin, nên hiểu rằng đó là số “tuần vô kinh”. Tôi cũng sẽ chọn cách tính này trong các bài viết chia sẻ thông tin về thai kỳ.
Thai kỳ trải qua những giai đoạn nào?
Phụ nữ mang thai sẽ trải qua 3 kỳ tam cá nguyệt cho đến ngày dự sinh, mỗi kỳ kéo dài khoảng 3 tháng. Tam cá nguyệt thứ 4 chính là quãng thời gian ở cữ sau sinh (sẽ được tôi mô tả trong một bản tin khác).
1) Tam cá nguyệt thứ nhất
Giai đoạn đầu thai kỳ kéo dài từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 12 tính từ ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng (ngày đèn đỏ số 1), nghĩa là trước cả quá trình thụ thai cho đến khi thai nhi được 10 tuần thai thực.
a- Về mẹ
Đây là giai đoạn cơ thể mẹ diễn ra sự thay đổi mạnh mẽ với rất nhiều dấu hiệu của việc mang thai dù bụng có thể chưa thấy rõ. Điều này xuất phát từ việc các hormone, đặc biệt là estrogene và progesterone, tăng nhanh chóng trong thai kỳ, giúp thai nhi làm tổ trong tử cung. Hormone hCG cũng bắt đầu tăng cao trong máu và nước tiểu giúp phát hiện việc mang thai nhờ kit thử tại nhà hoặc thử máu tại bệnh viên/trung tâm xét nghiệm. Những dấu hiệu đầu tiên có thể xuất hiện từ tuần thứ 4 như mệt mỏi, ngực căng cứng, chảy máu nhẹ, buồn nôn, nôn…
Các triệu chứng sẽ ngày càng trở nên rõ rệt hơn trong tam cá nguyệt thứ nhất và thường biến mất sau tuần thứ 12. Chuyển hóa cơ thể mẹ cũng được đẩy nhanh, phổi làm việc nhiều hơn, hệ hô hấp sẽ thích nghi dần cho nhu cầu cao của thai kỳ. Thể tích máu cũng tăng lên trong khi các mạch máu lại giãn ra, dẫn đến việc tụt huyết áp do đó mẹ bầu không nên đứng quá lâu.
Ngực của mẹ ngày càng to hơn, trở nên căng cứng, núm vú cũng sậm dần để chuẩn bị cho con bú trong tương lai. Một nút nhầy cũng hình thành ở cổ tử cung để bảo vệ em bé của bạn khỏi bị nhiễm khuẩn.
Tử cung cũng bắt đầu to dần lên, tạo áp lực lên bàng quang trong khi lượng nước tiểu cũng tăng lên khiến bạn có xu hướng đi tiểu nhiều hơn.
Đến tuần thứ 12, lượng hormone hCG giảm dần khiến bạn thấy đỡ buồn nôn, nhưng với một số người, triệu chứng này có thể kéo dài đến tận tuần thứ 20 của thai kỳ.
b- Về con
Sau khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau, quá trình thụ thai diễn ra, phôi thai sẽ bắt đầu làm tổ trong tử cung. Vào khoảng tuần thứ 3, nhau thai cũng được hình thành ở nơi phôi thai làm tổ và túi thai phát triển giúp nuôi dưỡng phôi thai trong giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối giai đoạn này, nhau thai phát triển tương đối hoàn thiện và sẵn sàng tiếp quản việc nuôi dưỡng thai nhi.
Sang tuần thứ 4, hệ thống tuần hoàn của thai bắt đầu được thiết lập. Não và thần kinh cũng được hình thành từ rất sớm, trước cả khi bạn nhận ra mình đang mang thai, do đó việc bố sung acid folic từ trước thời điểm quan hệ là cần thiết để giảm thiểu dị tật ống thần kinh. Đầu và não sẽ phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong giai đoạn này, chiếm tỷ lệ lớn trên cơ thể thai nhi.
Vào cuối tuần thứ 5 đến tuần thứ 6, tim phát triển khá nhanh và bắt đầu có phản ứng co bóp, tạo ra những nhịp đập đầu tiên. Khoảng tuần thứ 7, tim thai đập 90-110 nhịp/phút, và tăng dần lên 140-170 nhịp/phút vào tuần thứ 8-9. Tuần thứ 10, tim thai phát triển tương đối hoàn thiện. Nhịp tim của thai nhi có thể tiếp tục tăng tốc lên 170-200 nhịp/phút sau đó giảm dần xuống còn 120-160 nhịp/phút vào giữa thai kỳ và giữ ổn định đến lúc sinh.
Các cơ quan nội tạng cũng bắt đầu hình thành vào tuần thứ 7, đặc biệt là ruột và phổi. Mắt và tai cũng xuất hiện. Tứ chi của thai nhi phát triển nhanh chóng, và có thể cử động từ tuần thứ 10 dù bạn có thể chưa cảm nhận được.
Đến tuần thứ 12, em bé của bạn có thể dài 7,4 cm với cân nặng khoảng 23 g.
2) Tam cá nguyệt thứ hai
Giai đoạn giữa thai kỳ diễn ra từ tuần 12 đến tuần 25.
a- Về mẹ
Sang giai đoạn này, các triệu chứng khó chịu đầu thai kỳ đă bắt đầu giảm bớt hoặc biến mất. Tuy nhiên, cơ thể mẹ vẫn có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là vẻ bề ngoài. Một số vấn đề mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn như táo bón, rối loạn tiêu hóa.
Tử cung lúc này to nhanh hơn để chứa thai nhi đang ngày càng lớn dần, tăng khoảng 1 cm mỗi tuần. Do đó, bụng của bạn cũng to lên trông thấy. Vòng bụng phát triển nhanh đột ngột cũng có thể khiến bạn bị rạn da. Trong khi đó, tử cung cũng bắt đầu chèn ép các cơ quan nội tạng như dạ dày, ruột, bàng quang.
Thể tích máu cũng tăng nhanh chóng để nuôi dưỡng các cơ quan vì chúng phải hoạt động vất vả hơn để nuôi dưỡng cả mẹ và thai nhi. Đến cuối giai đoạn này, thể tích máu của bạn có thể lên tới tầm 6 lít. Tim phải hoạt động tích cực gấp đôi để bơm máu đi khắp cơ thể.
Cân nặng cũng bắt đầu tăng. Từ tuần 19, cân nặng sẽ tăng trong khoảng từ 0,5-1 kg mỗi tuần. Ở giai đoạn 2, trong số cân nặng tăng lên, trọng lượng của em bé chỉ chiếm một phần nhỏ, phần còn lại là do thể tích máu tăng, nước ối và lượng mỡ dự trữ.
Hormone thay đổi cùng với việc tăng sản xuất melanin cũng khiến da bạn thay đổi, dễ bị sậm hơn ở trán, má, môi và cổ. Tóc cũng dày hơn, ít bị rụng trong khi móng thì đẹp và cứng hơn.
Các khớp và dây chằng quanh vùng xương chậu bắt đầu nới lỏng, khiến bạn dễ bị đau lưng và đau háng. Cơ thể cũng tăng giữ nước khiến bàn tay, bàn chân, mắt cá chân bạn to ra.
b- Về con
Kích thước cơ thể em bé đã phát triển nhanh, và to hơn bánh nhau trong khi kích thước đầu tăng chậm khiến tỷ lệ cơ thể trở nên cân đối hơn. Chiều dài chân giờ đã lớn hơn cánh tay. Xương bắt đầu hình thành, các ngón tay, ngón chân trở nên rõ ràng hơn.
Dây rốn trở nên dày và dài hơn để giúp vận chuyển lượng lớn máu chứa oxy và các chất dinh dưỡng truyền qua nhau thai. Thận bắt đầu lọc máu và thải ra các chất cặn bã từ cơ thể em bé.
Vào tuần thứ 14, cơ quan sinh dục ngoài cũng trở nên dễ nhìn hơn và có thể phát hiện được qua siêu âm. Với bé gái, buồng trứng được hình thành và bắt đầu tạo ra trứng.
Các đường nét khuôn mặt cũng ngày càng rõ nét. Vào tuần 21, các dây thần kinh và xương nhỏ ở tai phát triển hơn giúp em bé bắt đầu nghe được. Não thai nhi cũng trở nên phức tạp và em bé bắt đầu có những ghi nhớ đầu tiên.
Cử động của em bé cũng mạnh hơn khiến mẹ có thể cảm nhận những cú đạp một cách rõ rệt.
Đến cuối tuần 25, em bé của bạn có thể dài khoảng 35,6 cm và nặng 760 g.
3) Tam cá nguyệt thứ ba
Giai đoạn cuối kéo dài từ tuần 26 đến lúc em bé ra đời, thường rơi vào khoảng tuần thứ 40 của thai kỳ.
a- Về mẹ
Bước sang tam cá nguyệt thứ 3, bụng của bạn đã lớn hơn rất nhiều nên bạn cảm thấy nặng nề hơn. Áp lực từ bụng có thể khiến bạn gặp phải tình trạng phình tĩnh mạch ở chân. Lúc này, các dây chằng và khớp nối cũng trở nên lỏng lẻo, khiến bạn có dáng đi lắc lư và thiếu vững chắc, dễ mất thăng bằng và bị ngã nên hãy tránh những nơi trơn trượt hoặc gồ ghề.
Khả năng hoạt động của phổi tăng lên. Tim cũng hoạt động nhiều hơn 50% so với bình thường, với nhịp tim tăng thêm 10-15 nhịp/phút nên đôi khi bạn có thể cảm giác tim đập thình thịch. Các cơ quan nội tạng tiếp tục bị chèn ép nhiều hơn gây ra một số vấn đề như táo bón, ợ hơi, đánh trống ngực.
Đến tuần thứ 34-35, thai nhi thường quay đầu và chúc xuống dưới, đè lên bàng quang khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường. Các cơn đau ở vùng hông, xương chậu cũng trở nên rõ hơn ở thời điểm này.
Ngực của bạn trở nên to trông thấy với núm vú sậm. Vào đầu giai đoạn này, các tuyến sữa trong ngực bắt đầu sản xuất sữa nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn thấy vài giọt sữa chảy ra ở đầu ti, chính là sữa non.
Thể tích máu trong cơ thể đã tăng đến mức tối đa trong khi số lượng hồng cầu giữ nguyên, khiến máu trở nên loãng hơn và bạn có nguy cơ bị thiếu sắt trong giai đoạn này.
Từ tuần thứ 30, bạn có thể cảm thấy những cơn co thắt nhỏ dù chưa đến thời điểm sinh, do tử cung đã bắt đầu chuẩn bị cho quá trình vượt cạn. Những cơn co thắt này sẽ tăng tần suất về cuối thai kỳ nhưng chúng vẫn chỉ là co thắt giả, thường biến mất khi bạn nghỉ ngơi.
Trong tam cá nguyệt thứ 3, tâm trạng trồi sụt liên tục, bạn trở nên nhạy cảm và đôi khi thấy lo lắng, sợ hãi về sự kiện sinh con đang chờ đợi phía trước. Chính những cảm xúc này kèm theo các cơn đau và sự khó chịu vào cuối thai kỳ khiến bạn dễ bị mất ngủ.
Đến cuối giai đoạn này, bạn thường cảm thấy nặng nề, di chuyển chậm, mệt mỏi nên chỉ muốn nghỉ ngơi. Đến tuần 40, sẽ có khoảng 45% phụ nữ vẫn chưa chuyển dạ nhưng phần lớn trong số này sẽ sinh con vào tuần 41. Chỉ có khoảng 15% phụ nữ sinh con sau 41 tuần.
b- Về con
Kích thước và trọng lượng cơ thể tăng nhanh chóng. Thai nhi cũng bắt đầu hình thành các cơ và tích mỡ cho cơ thể. Các chuyển động của bé trở nên mạnh, rõ rệt với độ chính xác cao. Bạn cũng có thể nhận thấy thói quen đạp của bé theo giờ.
Các cơ quan của thai nhi phát triển và hoàn thiện dần. Thận sẽ đạt đến độ cần thiết khoảng tuần thứ 26, giúp thai nhi bài tiết nhiều hơn qua nước tiểu. Trong khi đó, phải đến tuần 36, phổi mới phát triển hoàn toàn và em bé có thể tự thở. Vì thế, trẻ sinh non trước 36 tuần thường phải dùng máy để hỗ trợ hô hấp.
Não trẻ ngày càng trở nên phức tạp với hàng triệu tế bào thần kinh và các nếp nhăn. Trên khuôn mặt, con ngươi của mắt cũng dần hoàn thiện khiến bé nhạy cảm với ánh sáng. Các chân răng cũng được hình thành.
Đến tuần 34-35, thai nhi đã vào tư thế để chuẩn bị chào đời, đầu thường chúc xuống dưới. Lớp lông mao bao phủ cũng biến mất dần. Thai nhi bắt đầu tạo ra phân xu. Vào những tuần cuối, em bé to hơn, chiếm chỗ trong tử cung nên khó cử động.
Đến tuần 38, vỏ não trước trán, chất xám đã rất phát triển. Kết nối giữa các tế bào cũng được thiết lập khiến cử động trở nên sắc nét hơn. Nhờ kháng thể được truyển từ máu mẹ, thai nhi có sức đề kháng ban đầu để chống lại nhiễm trùng.
Tuần 39, lông mi, lông mày và móng cũng xuất hiện đầy đủ, các cơ quan, nội tạng đều hoạt động tốt. Thời điểm này, em bé dài trung bình 51,2 cm và nặng 3,5 kg, đã sẵn sàng để chào đời.
Chúng ta đã cùng điểm qua sự thay đổi cơ thể mẹ và sự phát triển của thai nhi trong suốt 9 tháng thai kỳ. Bản tin hôm nay hơi dài vì chứa nhiều thông tin nhưng hi vọng nó mang cho bạn cái nhìn đầu tiên về hành trình của mình phía trước. Sẽ là một hành trình dài và chông gai nhưng tôi tin bạn sẽ vượt qua một cách bình yên. Nếu có gặp khó khăn gì, đừng ngại chia sẻ với tôi nhé.
-----------
Tài liệu tham khảo:
Biswas, C. (2017). L’encyclopédie Larousse de la grossesse. Larousse.
Photo: Canva
-----------
Note: Ảnh minh họa và thông tin (các mốc thời gian, chiều dài, cân nặng) chỉ mang tính tương đối vì mỗi phụ nữ sẽ trải qua một thai kỳ khác nhau và mỗi em bé là một cá thể riêng biệt.
Nếu muốn gặp gỡ, trò chuyện với Chi nhiều hơn, bạn có thể tham gia cộng đồng “Sổ tay làm mẹ”. Cộng đồng này được thành lập để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ lúc em bé còn trong bụng mẹ.
bài này chia sẻ chi tiết quá cô dược sỹ.