3 cách kiểm tra để xác nhận việc mang thai
Bản tin #HC2208: Liệu bạn đã đưa ra lựa chọn kiểm tra phù hợp nhất khi nghĩ rằng mình mang thai?
Chào các bạn, cuối tuần vừa rồi, chúng ta đã nói về những dấu hiệu mang thai đầu tiên, nhưng làm sao để chắc chắn bạn có thai hay chưa?
Cách tốt nhất là kiểm tra bằng các phương pháp phù hợp. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn 3 cách mà mọi người thường làm cùng trường hợp áp dụng để bạn có thể đưa ra lựa chọn cho mình.
1) Bộ kit thử thai tại nhà
Kiểm tra nước tiểu bằng bộ kit thử thai (hay còn gọi là que thử) được bán ở hiệu thuốc là cách làm phổ biến nhất mà các chị em phụ nữ áp dụng khi nghĩ rằng mình mang bầu. Cách này vừa nhanh, vừa rẻ lại thuận tiện, nên có thể thử nhiều lần tại nhà. Nhưng bạn có tự hỏi tại sao một que thử bé tí lại có thể phát hiện ra được việc bạn mang bầu hay chưa? Liệu kết quả có chính xác không?
Nguyên tắc phát hiện việc mang thai
Que thử thai phát hiện việc bạn mang bầu dựa trên nồng độ hormone beta-hCG có trong nước tiểu. Hormone này được tiết ra bởi phôi thai ngay từ rất sớm, vào khoảng ngày thứ 6 sau khi thụ thai và sẽ tăng cao nhanh chóng trong tam cá nguyệt thứ nhất, đạt đỉnh trong khoảng tuần thai thứ 8-11. Hormone này xuất hiện trong cả máu và nước tiểu. Khi bạn thấy mình trễ kinh đồng nghĩa với việc hormone hCG đã được sản xuất ra trong cơ thể và phát hiện được trong nước tiểu.
Lưu ý khi sử dụng que thử
Que thử thai chỉ mang tính chất định tính nhưng lại có độ nhạy tương đối cao với độ chính xác từ 97% đến 99% nếu bạn làm đúng theo hướng dẫn. Kết quả dương tính vì thế khá đáng tin cậy nhưng với âm tính, đôi khi là kết quả âm tính giả do thử quá sớm trong thai kỳ hoặc chưa thực hiện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Để hạn chế trường hợp này, bạn cần lưu ý mấy điểm sau:
Chỉ sử dụng que thử thai còn hạn sử dụng và làm theo từng bước được nhà sản xuất hướng dẫn;
Tùy loại que thử nhưng đa phần đều cho kết quả chính xác nếu bạn bắt đầu trễ kinh khoảng 1 ngày, vì thế không nên thử quá sớm mà hãy chờ đến ngày đầu tiên bị chậm kinh;
Nên thử vào buổi sáng ở lần đi vệ sinh đầu tiên để nước điểu có lượng hCG đậm đặc nhất, không nên uống nhiều nước trước khi thử vì có thể làm loãng nước tiểu, nồng độ hCG giảm khiến que thử không phát hiện được;
Nên sử dụng đồng hồ bấm giờ để đo thời gian đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất tránh việc để quá lâu khiến kết quả không chính xác;
Nếu que thử hiện hai vạch, dù là vạch mờ cũng có nghĩa là dương tính. Nếu kết quả âm tính nhưng bạn tin rằng mình có thai, có thể thử lại sau đó 1-2 ngày vì nhiều khi bạn tính nhầm ngày trễ kinh.
2) Thử máu
Việc thử máu để phát hiện có thai dựa trên cùng nguyên tắc giống như thử nước tiểu, là đo nồng độ hormone hCG có trong máu của bạn. Đây là phương pháp định lượng nên cho biết chính xác nồng độ hCG trong máu, có thể giúp ước lượng tuổi thai. Phương pháp này có độ nhạy cao hơn so với que thử nước tiểu, cho phép phát hiện lượng hormone rất nhỏ nên có thể xác định sớm việc mang thai, trước cả khi bạn thấy trễ kinh. Tuy nhiên, thao tác phức tạp lại cần đo bằng máy nên phương pháp này chỉ được tiến hành tại trung tâm xét nghiệm hoặc bệnh viện, với chi phí cao hơn và mất nhiều thời gian hơn so với que thử tại nhà.
Vậy đo hCG trong máu cần thiết trong trường hợp nào?
Thông thường, việc kiểm tra máu là không cần thiết nếu thử nước tiểu đã cho kết quả dương tính rõ ràng, nhưng bác sĩ vẫn có thể chỉ định xét nghiệm này trong các trường hợp:
Xác nhận sớm việc mang thai hoặc khi thử bằng que cho kết quả không rõ ràng;
Nghi ngờ sảy thai (có biểu hiện chảy máu, đau bụng dưới): Nồng độ hCG trong máu giảm đáng kể sau hai lần kiểm tra liên tiếp cách nhau 48-72 giờ cho thấy quá trình sảy thai đang diễn ra, và khi nồng độ hCG tụt xuống dưới 5 IU/L (hoặc mIU/mL), thai kỳ được coi như chấm dứt.
Nghi ngờ mang thai ngoài tử cung: nồng độ hCG thấp, không tăng lên sau hai lần kiểm tra liên tiếp (cách nhau 48-72h), có thể kèm theo đau bụng dưới và chảy máu. Bác sĩ thường sẽ cho siêu âm để xác nhận lại.
Sàng lọc nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể 21 (Hội chứng Down): thường kết hợp với các kiểm tra khác.
Chẩn đoán và theo dõi các vấn đề sức khỏe không liên quan đến thai kỳ: ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, nồng độ hormone hCG cao hơn bình thường cũng cho thấy khả năng mang đa thai nên bác sĩ có thể cho bạn tiến hành siêu âm đồng thời để xác nhận.
3) Siêu âm
Khi lướt qua nhiều diễn đàn, hội nhóm mang thai, mình gặp được vài câu hỏi khá phổ biến từ các chị em phụ nữ như “Em bị trễ kinh mấy ngày, có nên đi siêu âm không?” hay “Sao em thử que lên 2 vạch mà siêu âm không thấy gì?”.
Theo bạn, liệu có nên lựa chọn biện pháp này ở đầu thai kỳ?
Siêu âm là phương pháp được nhiều mẹ lựa chọn ngay khi thấy que thử thai hiện hai vạch. Tuy nhiên, ở những tuần đầu tiên, phương pháp này chưa hẳn là lựa chọn đúng đắn vì vừa tốn kém, lại có thể khiến bạn lo lắng nếu không quan sát được gì.
Nguyên nhân là ở những tuần đầu, thai nhi chưa làm tổ trong tử cung hoặc còn rất nhỏ, phôi thai chỉ có kích thước bằng hạt tiêu (khoảng 2 mm) nên khó quan sát được qua siêu âm màng bụng, nhất là khi nồng độ hCG chưa vượt ngưỡng 2000 IU/L. Bác sĩ có thể cho bạn tiến hành siêu âm đầu dò qua âm đạo của người mẹ nhưng siêu âm lúc này chỉ cho phép nhìn thấy túi thai chứ chưa đưa lại hình ảnh thai nhi rõ ràng.
Khoảng từ tuần thứ 6, việc siêu âm đầu dò cũng có thể giúp bác sĩ nghe tim thai của em bé nhưng nếu chưa nghe thấy gì, bạn cũng không nên căng thẳng, vì việc nghe thấy tim thai có thể muộn hơn. Từ 6,5-7 tuần, tim thai có thể nghe được rõ hơn với nhịp tim là 90-110 nhịp/phút. Một khi nhịp tim được phát hiện, khả năng tiếp tục thai kỳ sẽ vào khoảng 70%. Từ 8-9 tuần, tim thai đập mạnh và rõ ràng hơn, dễ phát hiện qua siêu âm, với nhịp đập nằm trong khoảng 140-170 nhịp/phút.
Vì lo lắng và mong ngóng con, nhiều mẹ muốn siêu âm sớm và liên tục nhưng điều này là không cần thiết và khá tốn kém nếu bạn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì lạ, do chi phí siêu âm đầu dò thường cao. Mốc siêu âm quan trọng đầu tiên rơi vào tuần thứ 12 cho phép bác sĩ xác định tuổi thai, ngày dự sinh và một số dị tật thai nhi nên bạn cần ghi nhớ thời điểm này để đi siêu âm cho kết quả chính xác.
Trên đây là 3 cách xác nhận việc mang bầu ở những tuần đầu tiên của thai kỳ, trong đó phương pháp thử thai tại nhà bằng que thử vẫn được khuyến khích nhất. Với phương pháp thử máu và siêu âm, bạn chỉ nên tiến hành khi có chỉ định của bác sĩ để tránh việc mất tiền, mất thời gian hay có những lo lắng không cần thiết.
Nếu que thử đã hiện lên hai vạch, xin chúc mừng bạn nhé 😊. Nếu không có vấn đề đặc biệt nào về sức khỏe, việc bạn cần làm chỉ là nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm thế bước vào hành trình thai kỳ trong 9 tháng trước mặt. Đừng quên, trong hành trình đó, tôi luôn sẵn sàng đồng hành với bạn bất cứ khi nào bạn cần.
-----------
Tài liệu tham khảo:
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9703-pregnancy-tests
https://www.cerballiance.fr/fr/blog/grossesse/beta-hcg-le-test-de-grossesse
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/fetal-ultrasound/about/pac-20394149
https://www.webmd.com/parenting/baby/features/first-pregnancy-ultrasound
Nếu muốn gặp gỡ, trò chuyện với Chi nhiều hơn, bạn có thể tham gia cộng đồng “Sổ tay làm mẹ”. Cộng đồng này được thành lập để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ lúc em bé còn trong bụng mẹ.
Không liên quan nhưng đúng là tôi chưa bao giờ nghĩ việc mang thai và sức khỏe chị em phụ nữ có ti tỉ thứ cần quan tâm bà ạ. Cho tới khi đọc các nội dung bản tin mà bà viết. Thấy có lỗi với cơ thể "nhỏ bé" này ghê.