Thai kỳ của bạn có thuộc 5 trường hợp có rủi ro cao?
Bản tin #HC2209: Nhớ đến gặp bác sĩ ngay khi có thai để được theo dõi sát sao nếu bạn thuộc 1 trong 5 nhóm này.
Sau khi kiểm tra theo gợi ý của tôi, bạn phát hiện ra mình có thai. Đây là đứa trẻ mà bạn và gia đình đã chờ đợi từ lâu nên bạn hạnh phúc vô cùng. Thế nhưng, việc từng chứng kiến vài người xung quanh trải qua thai kỳ khó khăn khiến bạn lo lắng rằng liệu quá trình mang thai của bản thân có diễn ra suôn sẻ tốt đẹp. Bên cạnh việc ăn uống, nghỉ ngơi cùng thăm khám ở những mốc quan trọng, bạn tự hỏi có cần theo dõi gì đặc biệt không? Nếu thấy mình thuộc một trong những trường hợp sau, bạn nên đến gặp bác sỹ để được tư vấn và theo dõi kỹ hơn.
1) Mẹ bầu cao tuổi hoặc quá trẻ
Về mặt sinh học, độ tuổi lý tưởng để mang thai nằm trong khoảng từ 20 đến 35 tuổi. Đây là thời điểm cơ thể người phụ nữ đáp ứng đầy đủ về mặt thể chất để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Trước 20 tuổi, đặc biệt là ở lứa tuổi teen khi cơ thể mới trong giai đoạn dậy thì, chưa phát triển toàn diện, việc mang thai có thể dẫn đến những rủi ro khó lường cho cả mẹ và con như mẹ dễ bị hậu sản, thiếu máu, tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non hoặc gặp các tình trạng sơ sinh hiếm gặp.
Sau 35 tuổi, bên cạnh những rủi ro tương tự như nhóm tuổi vị thành niên, mẹ bầu phải đối mặt với những nguy cơ bệnh lý liên quan đến thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp dẫn đến quá trình sinh nở khó khăn. Đặc biệt ở nhóm tuổi ngoài 35, người ta thấy xuất hiện nhiều hơn ở thai nhi những dị tật liên quan đến nhiễm sắc thể, thai chết lưu hay bong nhau thai.
2) Mẹ bầu quá gầy hoặc quá béo
Cân nặng của người mẹ cũng là một vấn đề cần lưu ý trong quá trình mang thai. Mẹ quá gầy có thể khiến trẻ sinh ra có chiều cao khiêm tốn và nhẹ cân.
Ngược lại, nếu mẹ thừa cân, thậm chí béo phì có thể tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ ở mẹ, thai lưu, dị tật ống thần kinh ở thai nhi… Theo Viện quốc gia về Sức khỏe Hòa Kỳ, các nhà nghiên cứu thấy rằng mẹ bị béo phì sẽ làm tăng nguy cơ trẻ gặp các vấn đề tim mạch lên đến 15%. Ngoài ra, việc mẹ thừa cân béo phì thường dẫn đến thai kỳ kéo dài (42 tuần), đẻ khó, phải đẻ mổ do trẻ quá to.
3) Điều kiện sức khỏe của mẹ hiện tại có vấn đề
Sức khỏe của mẹ là yếu tố tiên quyết đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu mẹ gặp phải một trong những bệnh lý sau, cần gặp ngay bác sĩ để được tư vấn và theo dõi thai kỳ sát sao:
Bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao truyền sang cho thai nhi trước khi sinh: HIV hay AIDS, viêm gan B, các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục khác…;
Các bệnh lý mãn tính: Thận mãn tính, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh tim…;
Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, thấp khớp…;
Bệnh về máu như rối loại tế bào máu, rối loạn đông máu…;
Ung thư;
Bệnh lý về tâm thần như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu.
Trong trường hợp bạn có tiền sử bệnh nhưng không chắc liệu bệnh lý mình mắc phải có thuộc nhóm bệnh nguy cơ cao cần theo dõi, hãy mạnh dạn trao đổi với bác sỹ để được tư vấn cụ thể hơn về trường hợp của mình.
4) Mang đa thai (có từ 2 thai nhi trở lên)
Phụ nữ mang đa thai thường gặp biến chứng thai kỳ nhiều hơn những trường hợp mang thai đơn. Một số biến chứng có thể kể dưới đây:
Chuyển dạ và sinh non: Phần lớn trẻ sinh đôi và sinh ba được sinh ra trước 37 tuần thai. Số lượng thai nhi càng nhiều thì nguy cơ sinh non càng cao. Trẻ sinh non thường có các cơ quan chưa phát triển đầy đủ, nhẹ cân, dễ bị tổn thương. Chúng cần được hỗ trợ từ bên ngoài để thở, ăn uống, giữ ấm…;
Tăng huyết áp thai kỳ: thường gặp sớm hơn và nghiêm trọng hơn so với phụ nữ mang thai đơn, làm tăng nguy cơ bong nhau non;
Thiếu máu;
Dị tật bẩm sinh: dị tật ống thần kinh, dị tật tim bẩm sinh, dị tật tiêu hóa…;
Sảy thai: thường gặp nhất là hội chứng song sinh biến mất trong đó có một thai nhi bị sảy trong ba tháng đầu thai kỳ;
Hội chứng truyền máu song thai: xảy ra ở những cặp song sinh cùng trứng có chung một bánh nhau dẫn đến máu được truyền từ thai nhi này sang thai nhi khác. Thai nhi nhận được quá nhiều máu làm hệ thống tim mạch quá tải, thừa nước ối trong khi thai nhi còn lại nhỏ hơn, bị thiếu ối.
Tăng nguy cơ sinh mổ;
Xuất huyết sau sinh: do diện tích nhau thai lớn và tử cung căng quá mức khiến người mẹ có nguy cơ chảy máu sau sinh.
5) Thai kỳ trước đó gặp nhiều vấn đề, khó khăn
Nếu trong lần mang thai trước, mẹ từng trải qua một thai kỳ khó khăn thì nên thông báo cho bác sĩ theo dõi chu kỳ thai lần này. Một số trường hợp thai kỳ khó khăn có thể kể đến như:
Sảy thai nhiều lần liên tiếp;
Sinh non, sinh trẻ nhẹ cân hoặc thừa cân;
Trẻ sinh ra trước đó gặp dị tật bẩm sinh, chết trước hoặc ngay sau khi sinh ra;
Sinh mổ;
Mẹ bị tiền sản giật, chảy máu nghiêm trọng trong lần sinh trước…
Những vấn đề được nêu trên đây chỉ là những nguy cơ điển hình hay gặp ở phụ nữ mang thai, có thể tồn tại những yếu tố nguy cơ khác mà bạn không chắc. Vì thế, đừng ngần ngại trao đổi kĩ với bác sĩ về vấn đề của mình trong lần khám thai đầu tiên. Tuy nhiên, nếu ở trong nhóm có nguy cơ cao đối với thai kỳ, bạn cũng không cần lo lắng quá. Nếu được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc kỹ lưỡng cũng như có can thiệp y tế kịp thời, bạn vẫn có thể trải qua một thai kỳ khỏe mạnh, em bé đẻ ra vẫn phát triển bình thường như nhiều đứa trẻ khác.
Ngoài ra, một số rủi ro của thai kỳ có thể được hạn chế nếu bạn có kế hoạch tiền sản tốt. Nếu chưa có thai và đang có ý định sinh con trong thời gian tới, hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch đầy đủ. Hai bản tin với tiêu đề “Chuẩn bị thai kỳ” có thể mang tới cho bạn chút định hướng nên hãy tìm đọc lại nhé.
Chúc bạn cuối tuần an yên!
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.nichd.nih.gov/health/topics/pregnancy/conditioninfo/high-risk#f3
https://www.pregnancyinfo.ca/before-you-conceive/fertility/age-and-fertility/
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/adolescent-pregnancy
Nếu muốn gặp gỡ, trò chuyện với Chi nhiều hơn, bạn có thể tham gia cộng đồng “Sổ tay làm mẹ”. Cộng đồng này được thành lập để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ lúc em bé còn trong bụng mẹ.