Chuẩn bị thai kỳ (Phần 1): Thay đổi thói quen
Bản tin #HC2203: Nếu bạn đang có kế hoạch sinh con, hãy bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen được nêu ra trong bản tin này.
Sau khi đọc bản tin trước về “Độ tuổi phù hợp để mang thai”, có thể bạn quyết định sẽ lên kế hoạch có con trong thời gian sắp tới. Nếu vậy, hãy đọc những gì tôi chia sẻ trong hai số bản tin này nhé.
Cùng là phụ nữ, tôi thường có nhiều chủ đề để trò chuyện với bạn bè, người thân xung quanh khi họ mang bầu. Một trong những câu hỏi phố biến mà tôi nhận được khi ai đó ở giai đoạn đầu thai kỳ là “Chị/em/mình mới có tin vui, cần chuẩn bị những gì bây giờ nhỉ?”, hay “Có lời khuyên nào cho việc ăn uống, ngủ nghỉ trong 9 tháng 10 ngày sắp tới không?”, hoặc “Bây giờ nên bắt đầu uống loại vitamine hay thực phẩm chức năng nào?”. Nhu cầu thông tin này của mẹ bầu là hoàn toàn chính đáng, nhưng bạn có biết thực ra nên đặt những câu hỏi như vậy sớm hơn, ngay từ khi có kế hoạch sinh con không?
Vậy phụ nữ cần lưu ý những gì để chuẩn bị cho hành trình mang thai phía trước? Chuẩn bị về tài chính hay nắm vững cách tính ngày để quan hệ đã được coi là đủ trong kế hoạch có con của bạn? Hãy cùng tôi xem xét 8 khía cạnh sau nhé!
1- Dinh dưỡng và chế độ ăn uống
Để có một sức khỏe tốt chuẩn bị cho thai kỳ phía trước, chắn hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng thế nào được coi là lành mạnh, bạn hãy ghi nhớ vài điểm sau nhé:
Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng: bạn sẽ cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất từ tinh bột, đạm, chất béo, vitamine và muối khoáng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thai kỳ là một giai đoạn đặc biệt nên bạn cần bổ sung nhiều hơn các nhóm chất vi lượng như vitamine và muối khoáng đặc biệt là folate, sắt, canxi, vitamine D… Do đó, hãy ăn nhiều rau, hoa quả, ưu tiên ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt, dùng thêm các chế phẩm từ sữa, ăn các thực phẩm giàu protein.
Cắt giảm thức ăn và đồ uống có hại ra khỏi thực đơn hàng ngày như đồ ngọt (bánh kẹo, đường, nước ngọt…), các thực phẩm chiên rán nhiều giàu mỡ không có lợi cho sức khỏe, các loại thịt, cá tẩm ướp nhiều phụ gia khi chế biến… Về cơ bản, các loại thực phẩm này không có lợi cho cả mẹ bầu và thai nhi, dễ khiến mẹ bầu bị tăng cân, béo phí và gặp các bệnh lý kèm theo.
Lượng thức ăn hàng ngày cần được điều chỉnh hoặc duy trì để bạn có được cân nặng bình thường trước khi mang thai (cân nặng được coi là bình thường khi chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5-24,9).
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế giun, sán, vi khuẩn, virus gây bệnh qua đường tiêu hóa. Đây cũng là một thói quen bạn nhất định phải duy trì trong suốt thai kỳ.
Ăn đủ bữa: ăn ít nhất 3 bữa/ngày vào sáng, trưa và tối, không nên bỏ bữa hay ăn uống qua loa. Nếu có thể, hãy tập thói quen ăn 5 bữa/ngày bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều. Việc chia nhỏ bữa ăn như vậy sẽ giúp cơ thể hấp thu đầy đủ dưỡng chất, giảm bớt trường hợp bị ợ hơi, khó tiêu do ăn quá nhiều vào một bữa, đặc biệt trong thai kỳ khi bạn cần ăn nhiều hơn bình thường một chút, vì thế sẽ rất tốt nếu bạn bắt đầu thói quen này từ trước khi mang thai.
Tuyệt đối không uống rượu, bia nếu bạn không chắc mình có thể mang thai từ lúc nào, cắt giảm lượng cafein có trong cà phê, trà.
Uống đủ nước thay vì chờ đến khi khát mới uống. Thói quen uống nước cực kỳ quan trọng với mẹ bầu để giảm nguy cơ mất nước thai kỳ, vì thế bạn nên tập thói quen này từ sớm.
2- Thuốc và thực phẩm chức năng
Về cơ bản, nếu bạn duy trì được chế độ dinh dưỡng lành mạnh từ trước thai kỳ đến sau sinh, việc bổ sung thực phẩm chức năng hay vitamine tổng hợp là không cần thiết, ngoại trừ trường hợp của acid folic, hay còn được gọi là vitamine B9.
Acid folic giúp hình thành ống thần kinh ở thai nhi, và do đó ngăn ngừa đến 70% một số dị tật bẩm sinh của trẻ liên quan đến não và cột sống. Vì quá trình hình thành ống thần kinh thường diễn ra rất sớm trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, ngay cả trước khi bạn nhận ra là mình đang mang thai nên acid folic được khuyên dùng ngay từ khi có kế hoạch sinh con, tốt nhất là 3 tháng trước khi bắt đầu thả để có em bé, đến ít nhất 3 tháng đầu của thai kỳ. 400 micrograms (hay 0,4 mg)/ngày là lượng acid folic cần bổ sung vào cơ thể để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống bổ sung vitamin tổng hợp loại dành cho bà bầu để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ.
Tuy nhiên, bạn cần thận trọng với tất cả các thuốc sử dụng trong quá trình chuẩn bị mang thai vì nhiều loại thuốc có khả năng gây dị tật cho thai nhi nhưng lại có thời gian đào thải kéo dài lên đến vài tháng. Cách tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có thêm thông tin cần thiết.
3- Lối sống
Ngoài chế độ ăn uống, vận động, tập luyện thể dục thể thao đều đặn cũng là một thói quen tốt mà bạn nên duy trì sớm trước khi mang thai. Việc này cải thiện tuần hoàn máu và giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn để tránh bị thừa cân, béo phì. Nếu bạn không chắc mình mang thai lúc nào và sợ rằng các môn thể thao mà mình chơi có thể gây sảy thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh cường độ tập luyện hoặc cân nhắc chuyển sang các môn khác nhẹ nhàng hơn như Yoga, bơi lội, đi bộ…
Ngủ đủ giấc cũng là thói quen bạn cần bắt đầu từ sớm để cơ thể không bị căng thăng, mệt mỏi, tăng khả năng thụ thai.
Thêm vào đó, hãy cân nhắc loại bỏ các yếu tố độc lại đến từ môi trường xung quanh như khói thuốc, hóa chất tẩy rửa mạnh vì chúng có thể tác động lên em bé trong bụng khi bạn mang thai.
4- Kiểm tra sức khỏe
Khám tiền sản là một trong những khía cạnh quan trọng của kế hoạch mang thai nhưng lại dễ dàng bị bỏ qua. Đó là điều tôi quan sát được từ bạn bè xung quanh ở Việt Nam khi họ có ý định sinh con.
Việc thăm khám trước khi mang bầu sẽ giúp bác sỹ nắm được tình trạng sức khỏe của bạn hiện tại, tiền sử bệnh của bản thân bạn và gia đình, tình trạng vaccin của bạn… để từ đó đưa ra những lời khuyên cần thiết cho thai kỳ sắp tới. Việc này nên được thực hiện càng sớm càng tốt để bác sĩ phát hiện những bệnh lý hoặc nguy cơ bị bệnh hiện tại, từ đó đưa ra phương án điều trị hay phòng ngừa trước khi bạn mang thai. Một số loại vaccin cũng cần được tiêm tối thiểu 3 tháng trước ngày thụ thai, do đó bạn cũng cần lưu ý điều này. Các can thiệp liên quan đến răng như nhổ răng khôn, điều trị sâu răng… cũng được khuyên nên làm trước khi có thai.
Trên đây là bốn khía cạnh đầu tiên cần cân nhắc trong kế hoạch sinh con. Trong bản tin của tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ cho bạn biết thêm 4 khía cạnh còn lại, vì thế hãy đón đọc nhé.
Gần đây, cùng với các cộng sự có chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe, chúng tôi đã thành lập cộng đồng “Sổ tay làm mẹ” để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ lúc em bé còn trong bụng mẹ. Nếu muốn gặp gỡ, trò chuyện với Chi nhiều hơn hay muốn có thêm kiến thức về chăm con, hãy tham gia cộng đồng này cùng chúng tôi nhé.
Cảm ơn bạn vì đã luôn theo dõi. Chúc bạn nhiều niềm vui!
Cảm ơn bài viết của chị Chi, đọc tới đoạn đi khám tiền thai kỳ như kiểu nhắc em đi khám sức khỏe đi ấ, vì em định đi khám sức khỏe trước hôn nhân nhưng cứ lần khân, lười biếng chưa đi.