Sinh mổ chủ động cần chuẩn bị những gì?
Bản tin #HC2482: Những điều cần biết để yên tâm vào phòng mổ
- Bà ơi, tôi bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ bảo em bé hơi to, có nguy cơ bị mắc vai nếu sinh thường nên hỏi tôi có muốn mổ chủ động không?
- Cảm giác của bà ở thời điểm này thế nào? Đâu là điều bà mong muốn nhất?
- Tôi thì vẫn thích đẻ thường nhưng nghe bác sĩ nói thế tôi lại thấy lo. Tôi muốn làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho con bà ạ? Nên chắc tôi sẽ đẻ mổ. Có điều tôi vẫn băn khoăn lắm.
- Điều gì khiến bà lo lắng như vậy?
- Dù sao cũng là một cuộc phẫu thuật mà, chưa biết thế nào. Còn phục hồi sau đó nữa?
- Vậy mình cùng xem có thể chuẩn bị gì khi quyết định mổ chủ động nhé.
Đa phần mẹ bầu đều muốn sinh con qua ngả âm đạo vì biết rằng đây là hình thức sinh tốt nhất cho cả mẹ và bé ở giai đoạn sau sinh. Tuy nhiên, vì lý do y tế, hình thức này đôi khi không phù hợp hoặc trở nên khó khăn, gây nhiều rủi ro cho em bé. Vì thế, bác sĩ sẽ gợi ý cho mẹ về việc mổ chủ động, nghĩa là giúp em bé chào đời bằng hình thức sinh mổ, có kế hoạch, ngày hẹn trước. Một số lý do phổ biến để bác sĩ đưa ra lời khuyên này bao gồm:
Bạn từng sinh mổ ở thai kỳ trước đó;
Vị trí của em bé ở những tuần cuối không phù hợp để đẻ thường như nằm ngang hay chân ở phía dưới nhưng khó có khả năng quay đầu thêm được;
Nhau tiền đạo;
Mang thai đôi trong đó em bé ra trước ở vị trí không thuận lợi cho việc sinh thường;
Mang đa thai từ 3 thai trở lên;
Em bé quá to, có nguy cơ bị mắc vai khi sinh qua âm đạo.
Việc chọn mổ chủ động trong những trường hợp này ngoài lý do y tế còn giúp mẹ bầu yên tâm hơn, bớt lo lắng, hồi hộp, căng thẳng khi gần đến ngày dự sinh. Tuy nhiên, để loại bỏ những lấn cấn liên quan đến việc sinh mổ cũng như thời gian phục hồi sau đó, mẹ bầu nên có sự chuẩn bị kĩ càng cho việc này bằng cách tạo một bản kế hoạch sinh mổ.
Bản kế hoạch sinh trong trường hợp mổ chủ động
1- Chọn bệnh viện nơi bạn sẽ sinh
Bạn có thể đã nghĩ đến điều này từ trước, khi muốn sinh thường, nhưng trong trường hợp sinh mổ, bạn sẽ muốn tìm hiểu kĩ hơn về quy trình sinh mổ của bệnh viện vì mỗi nơi sẽ có một chính sách khác nhau:
có cho em bé được da tiếp da với mẹ ngay sau khi chào đời không,
có ai được vào trong phòng hậu phẫu không,
có phòng riêng để hồi phục sau mổ không,
quy trình cho trẻ sơ sinh bú tại thời điểm mới chào đời,
thời gian lưu trú tại bệnh viện tối thiểu là bao nhiêu,
bữa ăn ở bệnh viện có được đánh giá cao không;
có điều dưỡng, nữ hộ sinh riêng để hỗ trợ bạn sau mổ không.
2- Thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc được sử dụng trong quá trình mổ
Mọi người thường cho rằng đây là việc của bác sĩ nên bỏ qua. Nhưng trên thực tế, bạn cần phải trao đổi rất kĩ càng vì đẻ mổ khác với đẻ thường ở chỗ chắc chắn sẽ phải dùng một số loại thuốc nhất định như thuốc gây tê, thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc chống đông máu… Thông tin quan trọng nhất mà bạn cần cung cấp cho bác sĩ là bạn có tiền sử dị ứng với thuốc nào không (kháng sinh, paracetamol…), đã từng sử dụng thuốc gây tê bao giờ chưa và có đáp ứng tốt không…
Tốt nhất là bạn nên có một buổi gặp riêng với bác sĩ phụ trách mổ từ 1-2 tuần trước ngày mổ dự tính để trao đổi về chủ đề này.
3- Chọn người hỗ trợ trong và sau mổ
Hãy nhớ rằng thời gian phục hồi sau sinh mổ thường lâu hơn sau sinh thường, với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy đến hơn. Vì thế, bạn sẽ cần nghỉ ngơi nhiều hơn để hạn chế các rủi ro. Do đó, bạn sẽ cần đặt ra các câu hỏi xem ai sẽ hỗ trợ bạn trong khoảng thời gian này, từ việc chăm sóc em bé, làm việc nhà, hỗ trợ bạn tập đi và phục hồi. Những người này có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, nhưng cũng có thể bao gồm cả chuyên gia y tế.
4- Tìm hiểu về quy trình sinh mổ
Đễ dễ dàng đặt câu hỏi cho bác sĩ, bạn nên tự tìm hiểu về quy trình sinh mổ nói chung. Thông thường, quy trình này sẽ gồm các bước cơ bản như sau:
Gây tê nửa dưới bằng hình thức gây tê màng cứng hoặc gây tê tủy sống hoặc kết hợp cả hai. Thông thường gây tê tủy sống sẽ được ưu tiên hơn vì tác dụng thuốc khá nhanh. Việc gây mê toàn thân rất hiếm khi được lựa chọn trong quá trình mổ chủ động.
Đặt ống xông dẫn nước tiểu ra ngoài. Ống này sẽ được tháo ra vào ngày hôm sau của ca mổ.
Em bé được đưa ra ngoài trong khoảng 10 phút đầu tiên kể từ khi bắt đầu mổ. Bạn cần quan tâm xem khi em bé chào đời, có được da tiếp da với mẹ không hay sẽ được mang đi kiểm tra sức khỏe luôn rồi mới đưa lại cho người nhà.
Khâu vết mổ.
Mẹ được đưa vào phòng hồi sức sau mổ.
5- Lập bản kế hoạch phục hồi sau mổ
Sau sinh mổ, bạn sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để vết mổ liền lại, phục hồi thể chất cũng như tinh thần. Vì thế, bạn cần chuẩn bị một bản kế hoạch phục hồi cho mẹ sau sinh, đặc biệt là với trường hợp sinh mổ, ở các khía cạnh:
Chế độ dinh dưỡng;
Thời điểm tập luyện để phục hồi;
Vật dụng hỗ trợ;
Hình thức nuôi con;
Người hỗ trợ sau sinh.
Để giúp bạn hình dung rõ hơn về việc phục hồi sau sinh mổ, tôi có tổ chức một buổi Webinar (miễn phí) trong cộng đồng Mom Village vào sáng thứ 4 tới, ngày 3/4/2024. Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, hãy đăng ký ngay hôm nay nhé.
Tôi hi vọng với những thông tin phía trên, bạn sẽ có được sự chuẩn bị kỹ càng khi quyết định mổ chủ động nhé.
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ.
------------
Tài liệu tham khảo:
1. Caesarean birth: planned & unplanned | Raising Children Network
2. Creating Your C-Section Birth Plan | WonderBaby.org
4. Writing a caesarean birth plan | BabyCentre
5. https://www.babycentre.co.uk/a539020/recovery-after-a-caesarean-birth