Sinh thường hay sinh mổ?
Bản tin #HC2341: Những thông tin cần biết để lên kế hoạch sinh con theo mong muốn của mẹ bầu.
Bạn thân mến,
Ngày thứ 7 của bạn nhiều nắng hay mát trời? Bạn vẫn khỏe chứ?
Mấy ngày qua, sau bản tin của tôi, bạn có suy nghĩ nhiều về kế hoạch sinh con không? Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong xem bạn muốn sinh con ở đâu, bằng hình thức nào, ai sẽ ở cùng bạn… Trong các vấn đề được cân nhắc khi lên kế hoạch sinh, việc sinh thường hay sinh mổ có vẻ là chủ đề được quan tâm nhiều nhất. Ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, xu hướng sinh mổ chủ động có vẻ tăng cao vì nhiều mẹ cho rằng sẽ không đau và ít rủi ro hơn. Nhưng quan niệm đấy có thật sự đúng?
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin quan trọng về hai hình thức sinh này để bạn cân nhắc nhé.
1- Sinh thường qua âm đạo
Trong quá trình sinh thường, em bé sẽ chui ra ngoài qua đường âm đạo. Đây là phương pháp sinh phổ biến nhất hiện giờ, chiếm 80% số ca sinh trên toàn cầu. Sinh thường qua âm đạo được các chuyên gia y tế khuyến khích nếu tình trạng sức khỏe của mẹ và bé cho phép, tư thế của bé thuận lợi. Việc sinh qua âm đạo thường diễn ra trong khoảng từ 37 đến 42 tuần của thai kỳ.
Quá trình này thường diễn ra qua 3 giai đoạn: chuyển dạ, sinh con và đẩy nhau thai ra ngoài. Trong quá trình sinh, tử cung của người mẹ sẽ co bóp liên tục, đồng thời cổ tử cung được mở rộng để đẩy em bé ra.
Có 3 loại hình sinh thường là sinh tự nhiên khi đến cơn chuyển dạ, sinh thường do kích đẻ (bằng thuốc hoặc các kỹ thuật đặc biệt) và sinh thường có hỗ trợ bằng dụng cụ như kẹp hay hút.