Siêu âm thai kỳ - Những điều bạn cần biết
Bản tin #HC2323: Đừng bỏ lỡ 3 mốc siêu âm quan trọng ở tuần 12, 22 và 32 của thai kỳ.
Xin chào,
Hôm nay bạn cảm thấy thế nào, có mệt mỏi nhiều không hay tràn đầy năng lượng? Bạn đang ở đâu trên hành trình làm mẹ? Nếu đang mang thai, sức khỏe thai kỳ của bạn vẫn ổn chứ?
Đừng quên rằng để có một thai kỳ an yên, việc thăm khám định kỳ là cần thiết, nhất là 3 mốc siêu âm quan trọng. Thế nhưng, bạn đã hiểu rõ mục đích của các lần siêu âm này chưa? Việc hiểu tầm quan trọng của các lần siêu âm sẽ khiến bạn ghi nhớ hơn và chọn nơi siêu âm uy tín để không bỏ lỡ những thời điểm vàng trong việc tầm soát thai kỳ.
Siêu âm thai là gì?
Siêu âm là kĩ thuật sử dụng sóng âm thanh tần số cao để ghi lại hình ảnh của thai nhi ở trong tử cung của người mẹ. Trong quá trình siêu âm, đầu dò của máy sẽ được đặt trên da và một lớp gel sẽ được thoa lên bụng để đảm bảo đầu dò và da tiếp xúc tốt. Khi đầu dò di chuyển trên bụng mẹ bầu, hình ảnh của em bé sẽ xuất hiện trên màn hình siêu âm.
Ngoài siêu âm thành bụng, bác sĩ/kĩ thuật viên có thể sử dụng phương pháp siêu âm qua âm đạo, bằng cách sử dụng đầu dò có kích thước nhỏ, bọc một lớp vỏ nhựa hoặc bao cao su, rồi đưa vào âm đạo của người mẹ. Phương pháp này cho hình ảnh sắc nét hơn và thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi thai nhi còn rất nhỏ.
Hiện nay, có một số loại siêu âm khác nhau, phổ biến nhất là siêu âm hai chiều (2D) vì máy móc rẻ. Kĩ thuật này cho ra hình ảnh phẳng. Tiếp đến là siêu âm 3D – cung cấp hình ảnh ba chiều, cho phép nhìn thấy chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của hình ảnh. Công nghệ mới nhất là siêu âm 4D, cho phép nhìn thấy hình ảnh ba chiều của thai nhi đang di chuyển, cử động trực tiếp.
Trong bài viết về “Ba cách kiểm tra để xác nhận việc mang thai”, tôi có đề cập đến việc siêu âm được nhiều mẹ bầu sử dụng để biết mình có thai bên cạnh thử máu và nước tiểu, tuy nhiên đây không phải là mục đích chính của siêu âm bởi kết quả siêu âm có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích hơn thế. Mục đích chính của siêu âm là giúp sàng lọc, theo dõi sự phát triển của thai nhi để từ đó đánh giá sức khỏe thai kỳ. Vậy mẹ bầu cần siêu âm vào thời điểm nào?
Ba mốc siêu âm quan trọng
Trong thực tế, nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng, bất an về em bé trong bụng nên đi siêu âm thường xuyên 1-2 lần/tháng hay thậm chí 1 lần/tuần. Trong khi đó, có những mẹ bầu lại không nhớ rõ được các mốc siêu âm nên chỉ đi siêu âm 1-2 lần ngẫu nhiên trong cả thai kỳ. Số ít hơn lo sợ việc siêu âm gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi nên cả thai kỳ không đi siêu âm lần nào. Tuy nhiên, bạn có biết là việc siêu âm cẩn thận vào 3 mốc quan trọng là 12, 22, 32 tuần có thể giúp các bác sĩ sàng lọc, phát hiện sớm các vấn đề để có thể can thiệp kịp thời hoặc đưa ra lộ trình phù hợp cho mẹ bầu, giúp giảm thiểu những tổn thương ở cả mẹ và bé ở giai đoạn sau sinh.
1- Mốc đầu thai kỳ - tuần 12
Mốc siêu âm này thường diễn ra trong khoảng từ tuần 10 đến 14 của thai kỳ, giúp xác định ngày dự sinh. Căn cứ vào cân nặng, kích thước của thai nhi, bác sĩ sẽ đưa ra dự đoán sát nhất về tuổi thai và ngày dự sinh lý thuyết. Một số thông tin khác cũng được đưa ra như:
- Số lượng thai nhi và cấu trúc nhau thai;
- Thai nhi đã làm tổ ổn định trong tử cung chưa;
- Sự phát triển của em bé trong bụng;
- Phát hiện những bất thường của thai nhi như dị tật ống thần kinh (Spina bifida).
Cũng trong lần siêu âm này, bạn có thể yêu cầu sàng lọc hội chứng Down thông qua double-test. Việc sàng lọc này bao gồm xét nghiệm máu và đo độ mờ da gáy của thai nhi trên hình ảnh siêu âm. Việc đo độ mờ da gáy sẽ cho kết quả chính xác nhất trong khoảng từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, nhưng thường được thực hiện khi thai được 12 tuần.
2- Mốc giữa thai kỳ - tuần 22
Mốc này thường diễn ra trong khoảng từ tuần 18 đến 22 của thai kỳ, với mục đích phát hiện các dị tật về hình thái. Các hình ảnh siêu âm có thể cho thấy những bất thường liên quan đến cơ quan chức năng như tim, thận, bụng, não, ống thần kinh, mặt, xương. Nếu muốn biết giới tính của thai nhi, bác sĩ/kĩ thuật viên cũng có thể quan sát rõ trong lần siêu âm này.
Ngoài ra, ở mốc này, siêu âm cũng giúp kiểm tra lượng nước ối, cấu trúc nhau thai, lưu lượng máu, chiều dài cổ tử cung…
3- Mốc cuối thai kỳ - tuần 32
Mốc siêu âm này giúp xác định vị trí của thai nhi và bánh nhau, xem em bé đang ở vị trí nào, đã quay đầu chưa. Các bác sĩ/kĩ thuật viên sẽ vẫn tiếp tục kiểm tra lượng nước ối, đánh giá nhau thai, cổ tử cung để đưa ra những tiên lượng về việc sinh nở sắp diễn ra.
Một số lưu ý liên quan đến việc siêu âm
Hiểu được mục đích chính của từng lần siêu âm, mẹ bầu sẽ thấy không nên bỏ qua mốc nào trong 3 mốc phía trên cả. Bạn cũng không cần phải lo nhiều về tác động của siêu âm vì theo Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), chưa tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy siêu âm gây hại cho em bé trong bụng.
Tác dụng không mong muốn sẽ chủ yếu là cảm giác của mẹ khi siêu âm như áp lực khi di đầu dò trên bụng có thể khiến mẹ bầu hơi khó chịu hoặc việc sử dụng đầu dò qua âm đạo có thể khiến mẹ bầu đau và không thoải mái. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn cơ sở uy tín để đảm bảo đầu dò luôn được khử trùng và vệ sinh sạch sẽ; nhất là trong trường hợp siêu âm qua âm đạo, đầu dò phải được bọc bao cao su mới để tránh lây nhiễm các bệnh qua đường âm đạo.
Ngoài ra, việc chọn cơ sở uy tín cũng sẽ đảm bảo việc bạn được siêu âm bởi những bác sĩ, kĩ thuật viên có kinh nghiệm bởi kĩ thuật viên chưa được đào tạo có thể đưa ra những chẩn đoán hay dự báo sai lầm về tình trạng sức khỏe của em bé hoặc bỏ sót một bất thường nào đó. Chuyên gia có kinh nghiệm có thể giải thích chính xác các hình ảnh bất thường được nhìn thấy qua siêu âm và đưa ra những khuyến cáo cụ thể.
Bạn nên hỏi thêm về việc có cần uống nhiều nước trước khi siêu âm để hình ảnh hiện lên rõ nét hơn không. Bạn cũng cần lưu ý không nên bôi nhiều kem dưỡng da, chống rạn lên vùng bụng trước khi siêu âm 2-3 ngày vì lớp kem còn lưu giữ lại dưới da có thể cản trở hình ảnh siêu âm.
Cuối cùng, bạn nên hiểu rằng việc siêu âm giúp bạn thấy em bé đang phát triển bình thường nhưng cũng đồng thời có thể cho thấy những bất thường, nhất là nguy cơ dị tật và hội chứng Down. Vì thế, bạn có thể nghĩ xem mình sẽ đón nhận những kết quả không tốt theo cách nào, bạn muốn thảo luận thêm với ai sau đấy về các bước tiếp theo (xét nghiệm máu, chọc ối, đình chỉ thai kỳ...). Hãy nhớ rằng các bác sĩ, chuyên gia y tế và người thân luôn sẵn sàng ở bên để giúp bạn đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bạn cũng như em bé trong bụng.
------------
Tài liệu tham khảo: