Nguyên tắc vận động trong thai kỳ
Bản tin #HC2359: Bạn đã vận động đủ và đúng chưa?
Mấy hôm nay ở Việt Nam đang vào dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, bạn có đi chơi đâu không hay ở nhà nghỉ ngơi? Nếu ở nhà, bạn thường làm gì trong những ngày này? Ăn vài món ngon, chăm sóc da mặt, đọc vài cuốn sách hay tập Yoga chẳng hạn.
Tập Yoga là một việc bạn có thể làm ở nhà đấy, nếu có giáo viên hướng dẫn là tốt nhất, bởi đây cũng là một môn giúp bạn vận động trong thai kỳ, bên cạnh việc đi bộ. Bạn có biết được vai trò và nguyên tắc vận động trong thai kỳ là gì không?
1- Vai trò của vận động trong thai kỳ
Vận động trong thai kỳ đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ bầu, ví dụ như:
Giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh, giàu sức sống, giúp bạn cảm thấy có năng lượng trong thai kỳ;
Giúp kiểm soát việc tăng cân trong thai kỳ bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh;
Giảm thiểu một số khó chịu khi mang thai như táo bón, đau lưng, phù chân;
Giúp giảm các rủi ro, biến chứng phức tạp trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật;
Cải thiện tâm trạng trong thai kỳ, giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn;
Khiến các cơ và khớp nối chắc chắn, linh hoạt hơn, từ đó giúp mẹ bầu chịu được cân nặng và bụng bầu trong suốt thai kỳ;
Giúp cơ thể chuẩn bị cho việc sinh nở, giảm nguy cơ đẻ mổ và giúp phục hồi nhanh chóng sau sinh.
2- Nguyên tắc vận động trong thai kỳ
Vận động được đánh giá là tốt và an toàn đối với thai kỳ nếu bạn nắm được các nguyên tắc của vận động. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp mẹ bầu được khuyên giảm bớt hoặc không nên vận động như:
Chảy máu âm đạo;
Đau vùng bụng;
Cơn co thắt xuất hiện thường xuyên;
Rỉ ối;
Đau đầu, đau ngực, mệt mỏi;
Cổ tử cung yếu, có dấu hiệu mở sớm;
Mang đa thai có nguy cơ sinh non;
Bong nhau thai.
Để chắc chắn, tốt nhất là bạn nói chuyện với bác sĩ và xin lời khuyên cụ thể vì mỗi người sẽ có một thai kỳ khác nhau, một vấn đề khác nhau. Nhưng về cơ bản, bạn có thể áp dụng một số nguyên tắc mà tôi đưa ra dưới đây.
Vận động bao nhiêu là đủ?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (viết tắt: CDC) khuyến khích phụ nữ mang thai nên vận động thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần, tương đương với 5 buổi tập 30 phút ở cường độ trung bình. Nếu không có thời gian để tập liền 30 phút một lần, bạn có thể chia thành các bài tập nhỏ tầm 10-15 phút và tập 2-3 lần mỗi ngày.
Lưu ý cường độ vừa phải là các bài tập khiến bạn tăng nhịp tim, bắt đầu đổ mồ hôi, nhưng vẫn có thể nói chuyện được bình thường, nhưng không thể hát. Trong khi đó, các hoạt động cường độ mạnh là hoạt động khó có thể nói chuyện mà không dừng lại để thở.
Nên làm gì?
Khi lựa chọn môn thể thao, mẹ bầu nên ưu tiên những môn thể thao ít tác động đến các khớp như đi bộ, chạy nhẹ nhàng, bơi, yoga, pilates. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý vài điểm sau:
Nếu không phải là người chăm thể dục thể thao trước khi mang thai, mẹ bầu nên bắt đầu tập luyện từ từ rồi tăng dần lên khi cơ thể đã quen;
Khi bắt đầu tập luyện, luôn làm ấm cơ thể trước, và để nhiệt độ cơ thể về ổn định trước khi đi tắm sau tập luyện;
Lắng nghe cơ thể để tránh luyện tập quá sức;
Ngừng tập nếu cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, khó thở, chảy máu âm đạo;
Uống đủ nước;
Mặc quần áo thoải mái, phù hợp với vận động, nhất là những loại áo ngực dành cho mẹ bầu;
Đảm bảo giáo viên hướng dẫn bạn có chứng chỉ dạy môn thể dục, thể thao mà bạn tham gia;
Trao đổi với bác sĩ về các bài tập vận động, đặc biệt trong trường hợp có những bất thường hay bệnh lý trong thai kỳ.
Không nên làm gì?
Để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, bạn cần tránh một số thứ sau:
Tham gia những môn thể thao đòi hỏi việc nhảy, chuyển hướng đột ngột, dễ khiến mẹ bầu bị ngã hay có va chạm trực tiếp như bóng rổ, các môn võ, lặn…;
Tập luyện ở nơi quá cao so với mực nước biển (>1800m), không khí loãng trừ khi đấy là nơi bạn sinh sống hàng ngày;
Tập luyện ở nhiệt độ cao như tập ngoài trời nắng nóng, trong phòng xông hơi như “Hot yoga”, “Hot pilates”;
Thực hiện các bài tập khiến nhiệt độ cơ thể bạn tăng nhanh.
Tôi hi vọng rằng với những thông tin phía trên, bạn đã nắm được các nguyên tắc cơ bản liên quan đến vận động trong thai kỳ để việc vận động vừa an toàn, vừa dễ dàng lại giúp bạn có được những lợi ích sức khỏe nhất định. Điều quan trọng nhất cần nhớ là trước khi bắt đầu quá trình vận động lúc mang thai hay khi thấy cơ thể có vấn đề gì bất thường, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ nhé.
Mong bạn có những ngày nghỉ lễ bình yên và vui vẻ!
------------
Tài liệu tham khảo: