3 vấn đề tiêu hóa thường gặp ở mẹ bầu
Bản tin #HC2336: Hướng dẫn giải quyết các khó chịu liên quan đến hệ tiêu hóa khi mang thai
Bạn thân mến,
Trước khi bắt đầu nội dung bản tin hôm nay, tôi có một lời nhắc nhỏ liên quan đến buổi workshop miễn phí với chủ đề Dinh dưỡng và Vận động trong thai kỳ, diễn ra vào thứ 7 tuần này, ngày 22 tháng 4, từ 9h30 đến 11h30 bởi hạn đăng ký là 12h đêm mai ngày 20/04. Với buổi workshop này, tôi muốn truyền tải đến bạn 3 thông điệp chính:
Chăm sóc sức khỏe từ gốc
Làm đúng và đủ
Nuôi dưỡng kết nối mẹ - con.
Ba thông điệp nghe có vẻ lớn lao này sẽ được tóm gọn lại theo cách dễ hiểu nhất trong buổi workshop. Ngoài ra, dù là workshop online, nhưng bạn sẽ không ngồi yên một chỗ trước màn hình máy tính mà sẽ có cơ hội được vận động nhẹ nhàng nhờ các động tác đơn giản được hướng dẫn bởi một Huấn luyện viên Yoga chuyên nghiệp, có 7 năm kinh nghiệm dạy Yoga cho phụ nữ có thai và sau sinh. Tôi hi vọng, bạn sẽ mang về được nhiều điều giá trị từ buổi workshop miễn phí này nhé.
Quay lại với bản tin hôm nay, chúng ta sẽ nói về 3 vấn đề tiêu hóa thường gặp ở mẹ bầu là táo bón, tiêu chảy và ợ hơi. Về cơ bản, chìa khóa liên quan đến ăn uống giúp cải thiện cả 3 vấn đề này đều nằm ở chế độ ăn uống lành mạnh sẽ được tôi chia sẻ nhiều hơn trong buổi workshop vào thứ 7 này. Các thông tin cụ thể hơn, bạn có thể đọc trong nội dung dưới đây nhé!
1- Táo bón
Tại sao mẹ bầu lại gặp táo bón?
Táo bón là tình trạng khó đi đại tiện, đi ít (dưới 3 lần/tuần), phân cứng, căng nên sẽ cần nhiều lực đẩy ra ngoài, cảm giác tắc nghẽn ở hậu môn và trực tràng (đi ngoài không hết, không có lực để đẩy phân ra). Tình trạng này khá phổ biến ở phụ nữ có thai, chiếm từ 11% – 38%.
Một số nguyên nhân gây ra táo bón ở phụ nữ có thai như sau:
Thay đổi hormone: dẫn đến làm giảm hoạt động của cơ quan tiêu hóa (dạ dày – ruột), ức chế cơ trơn của dạ dày và ống tiêu hóa, giảm nhu động ruột;
Đến cuối thai kỳ, khi bụng bầu lớn, tử cung của mẹ to dần và chèn ép hệ thống tiêu hóa việc đi đại tiện khó khăn hơn;
Chế độ ăn thiếu chất xơ;
Một số thực phẩm bổ sung như sắt, canxi… có tác dụng phụ gây táo bón;
Vận động giảm trong thai kỳ.
Tình trạng táo bón có thể tiếp tục cả sau sinh, đặc biệt ở những phụ nữ sinh mổ hoặc có vết rạch/rách lớn ở tầng sinh môn do việc ngại đi đại tiện vì sợ ảnh hưởng đến chỗ khâu.
Làm cách nào để cải thiện tình trạng táo bón ở mẹ bầu?
Cách đầu tiên và cũng phổ biến nhất là thay đổi thói quen ăn uống và lối sống. Bạn nên làm một số điều như sau:
Uống nhiều nước hoặc bổ sung các chất lỏng khác vào cơ thể (nước hoa quả, nước rau ép, sữa…);
Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn như ăn các loại thực phẩm toàn phần, ngũ cốc nguyên cám, ăn nhiều rau củ, trái cây;
Một số loại thực phẩm được cho là có tác dụng nhuận tràng như mận khô, củ dền, rau chân vịt, bắp cải, kiwi, sữa chua… Bạn có thể thêm chúng vào trong khẩu phần ăn hàng ngày;
Ăn chậm, nhai kĩ, chia làm nhiều bữa nhỏ để giảm tải cho hệ thống tiêu hóa;
Vận động đều đặn hàng ngày vì việc này sẽ giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường nhu động ruột.
Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón là do dùng sắt, bạn có thể giảm lượng sắt đưa vào cơ thể hàng ngày như thay vì uống một viên/ngày, bạn có thể giảm xuống còn 2 ngày 1 viên. Tuy nhiên, để chắc chắn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm liều sắt nếu bạn bị chẩn đoán là thiếu máu, thiếu sắt. Một chế độ ăn đa dạng, đầy đủ cũng sẽ giúp cung cấp nhiều sắt cho cơ thể, giảm lượng sắt phải uống mỗi ngày.
Cuối cùng, nếu đã thử nhiều cách mà tình trạng táo bón không được cải thiện, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc nhuận tràng. Lưu ý là các loại dầu khoáng và một số thuốc nhuận tràng không phù hợp với phụ nữ có thai nên bạn cần thận trọng và không được tự ý dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.