Làm thế nào để bảo vệ mẹ bầu khỏi nhiễm bệnh?
Bản tin HC#2319: Các giải pháp giúp tăng cường sức đề kháng ở phụ nữ có thai.
Xin chào bạn,
Hôm nay chúng ta đã bước sang ngày đầu tiên của tháng 2 dương lịch, bạn có thấy thời gian trôi thật nhanh không? Bạn đang ở đâu trên hành trình làm mẹ?
Mấy hôm nay thời tiết ở chỗ bạn thế nào? Tháng 2, cũng là tháng giêng những ngày sau Tết, là giai đoạn chuyển giao sang mùa xuân, nên cây cối đang đâm chồi nảy lộc. Thế nhưng, tầm giao mùa này lại dễ khiến bạn mắc bệnh, nhất là nếu bạn đang mang thai, hệ thống miễn dịch thay đổi nhiều nên cũng dễ ốm và mệt mỏi. Vì vậy, trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn về việc tăng cường sức đề kháng ở mẹ bầu nhé.
Ảnh hưởng của thai kỳ đến hệ miễn dịch ở phụ nữ
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch trong cơ thể người mẹ diễn ra rất phức tạp để vừa tránh đào thải thai nhi lại vừa giúp bảo vệ cả mẹ và con chống lại các tác động từ môi trường bên ngoài như virus, vi khuẩn… Theo các nhà khoa học, quá trình kích hoạt miễn dịch tăng cao trong ba tháng đầu, bình ổn ở ba tháng giữa và hoạt động mạnh mẽ vào ba tháng cuối, đặc biệt là ở thời điểm sắp sinh.
Vì cơ chế hoạt động phức tạp này nên ngày nay, các chuyên gia không kết luận rằng hệ thống miễn dịch của phụ nữ bị suy giảm khi mang thai nữa. Nhưng vẫn có một điều chắc chắn là hệ thống này phải làm việc nhiều hơn bình thường trong suốt thai kỳ. Các phản ứng của cơ thể khi người mẹ mắc bệnh nhiễm trùng cũng trở nên mạnh mẽ hơn so với những phụ nữ khác không mang thai.
Chính vì vậy, điều cốt lõi để bảo vệ mẹ bầu và thai nhi khỏi bị bệnh nặng trong thai kỳ vẫn là phải tăng cường sức đề kháng thông qua nhiều cách khác nhau.
Các phương pháp giúp mẹ bầu tăng cường sức đề kháng
1) Chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh
Điều này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài viết về sức khỏe nhưng việc duy trì một chế độ ăn uống như vậy là cần thiết, trong suốt cuộc đời, đặc biệt là ở giai đoạn mang thai của người phụ nữ. Chế độ ăn uống lành mạnh hướng đến 3 nguyên tắc: đa dạng, cân bằng và gần với thiên nhiên. Chế độ ăn này sẽ cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì hệ thống miễn dịch như: kẽm, sắt, vitamine C, vitamine D.
Một số loại thức ăn tốt cho hệ miễn dịch là:
Cá béo: như cá hồi, cá trích… Các loại cá này giảu Omega 3, giúp duy trì hệ miễn dịch, chống lại các phản ứng viêm.
Thịt gà: nguồn cung cấp đạm, vitamine và muối khoáng, đặc biệt các vitamine nhóm B, giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Các loại quả có múi: như cam, chanh, bưởi… Các quả này rất giàu vitamine C, loại vitamine giúp ngăn chặn hoặc giảm bớt nhiễm trùng thông qua việc hỗ trợ chức năng của tế bào miễn dịch.
Tỏi, gừng, nghệ: bạn có thể thêm các loại rau gia vị này vào trong món ăn hàng ngày của mình với lượng vừa phải để tăng cường khả năng chống viêm, chống virus.
Bông cải xanh, ớt chuông, rau chân vịt: các loại rau này chứa nhiều vitamine A, C, E, rất tốt để tăng cường sức đề kháng.
Sữa chua: sản phẩm từ sữa này giống như men vi sinh, giàu vitamine D, giúp giảm thiểu các bệnh nhiễm trùng và tăng cường hệ miễn dịch.
Hạt hạnh nhân, hạt hướng dương: giàu vitamine E, một chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể, giúp chống lại sự nhiễm trùng.
Bên cạnh việc ăn, mẹ bầu cũng cần uống đủ nước vì khi cơ thể bị mất nước, hệ thống miễn dịch sẽ gặp khó khăn để duy trì hoạt động. Việc uống nước cần trở thành một thói quen, diễn ra thường xuyên và đều đặn, không cần chờ đến khi khát mới uống.
2) Thực phẩm chức năng
Về cơ bản, nếu bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh, việc uống thêm vitamine hay thực phẩm chức năng trong thai kỳ là không cần thiết, ngoại trừ acid folic. Tuy nhiên, nếu cảm thấy chế độ ăn của mình chưa đủ cân bằng, bạn có thể gặp bác sĩ để xin lời khuyên.
Một trong những loại vitamine được đánh giá là quan trọng đối với sức đề kháng là vitamine D. Nếu bạn sống ở nơi ít ánh nắng mặt trời, việc bổ sung vitamine D trong những tháng thai kỳ là cần thiết. Nhưng nếu bạn sống ở nơi quanh năm ngập tràn ánh nắng, bạn không nhất thiết phải bổ sung thêm vitamine D nữa.
3) Vận động
Tập thể dục thể thao giúp cải thiện hệ thống miễn dịch. Trong thai kỳ, việc tập thể dục cho phép cơ thể bạn vận động, cải thiện tâm trạng và lưu thông máu. Bên cạnh đó, vận động đều đặn sẽ giúp mẹ bầu tránh được việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ vì béo phì được cho là có tác động không tốt đến hệ miễn dịch.
Bạn chỉ cần chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội… Với cường độ phù hợp, các bài tập này sẽ không gây nguy hại gì cho em bé trong bụng cả.
4) Nghỉ ngơi
Thiếu ngủ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch nên việc có một giấc ngủ ngon, ngủ đủ giấc là cần thiết. Khi có thai, sẽ rất khó để bạn có thể ngủ trọn vẹn 8 tiếng, đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ. Vi thế, bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn vào ban ngày, khi có thể để cơ thể không bị mệt mỏi. Bạn có thể xem lại các cách cải thiện giấc ngủ cho mẹ bầu trong bản tin của tuần trước nhé.
5) Vệ sinh cá nhân
Từ khi có đại dịch COVID-19, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng, không sử dụng chung cốc uống nước hay đồ dùng ăn uống cá nhân với người khác. Thực tế, đây là những thói quen cần được duy trì ngay cả khi đại dịch đã chấm dứt, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, để tránh nhiễm virus, vi khuẩn từ các nguồn khác nhau.
6) Tiêm phòng
Tiêm phòng trước và trong thai kỳ (nếu có thể) là rất quan trọng để có được hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, giúp bảo vệ mẹ bầu và thai nhi, tránh các tình trạng nặng nếu không may mắc bệnh.
Hai loại vaccin được đánh giá là an toàn, có thể và nên tiêm trong thai kỳ là vaccin cúm và vaccin phòng COVID-19. Vaccin cúm chỉ cần tiêm 1 liều/năm trong khi vaccin phòng COVID-19 sẽ cần tiêm nhiều mũi hơn tùy loại vaccin. Ngoài ra, vaccin Tdap (3 trong 1) phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà cũng khá an toàn cho mẹ bầu và thai nhi nên bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vaccine này trong thai kỳ
Trong bản tin này, tôi đã đưa ra cho bạn những cách phổ biến giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, và đặc biệt cần lưu ý với mẹ bầu. Hi vọng rằng khi đã áp dụng đủ các nguyên tắc trên, bạn sẽ trải qua một thai kỳ êm đềm, ít mắc bệnh nhất có thể.
Chúc bạn có một tháng 2 thật đẹp!
--------------------------
Tài liệu tham khảo: