Hiểu biết cơ bản về tiểu đường thai kỳ
Bản tin #HC2328: Cung cấp kiến thức về định nghĩa, ảnh hưởng của tiểu đường lên thai kỳ, cách kiểm tra và điều trị cơ bản.
Bạn thân mến,
Tháng 3 đã qua đi một nửa còn bạn đang ở giai đoạn nào của thai kỳ rồi? Nếu đang ở tam cá nguyệt thứ 2, bạn sẽ có lần siêu âm quan trọng vào tuần 22 để kiểm tra các bộ phận, cơ quan của em bé, xét nghiệm công thức máu, hàm lượng sắt và đo đường huyết vào khoảng tháng thứ 6 nên hãy ghi nhớ lịch trình khám và làm xét nghiệm để không bị bỏ qua nhé.
Trong bản tin ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn về một bệnh lý phổ biến trong thai kỳ. Ở một lần đặt câu hỏi về trải nghiệm ăn uống trong thời gian bầu bí từ những người mẹ xung quanh mình, tôi nhận về được 5 trên 17 phản hồi nói rằng họ từng phải ăn kiêng trong thời gian mang bầu vì bị mắc hay có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ. Dù số lượng này rất nhỏ và không đại diện cho một bức tranh tổng quát về vấn đề mẹ bầu mắc phải khi mang thai, nhưng cũng cho thấy phần nào mức độ cảnh báo về bệnh lý đang có xu hướng gia tăng trong nhiều năm trở lại đây là “Tiểu đường thai kỳ”.
1- Tiểu đường thai kỳ và các yếu tố nguy cơ
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin (loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu) hoặc các tế bào cơ thể không đáp ứng với insulin, đường glucose trong máu không vào được bên trong tế bào, khiến đường huyết tăng cao quá mức và đào thải ra bên ngoài qua nước tiểu. Tình trạng bất thường này được gọi là tiểu đường.
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý tiểu đường được phát hiện lần đầu trong thời gian mang thai. Nguyên nhân đến từ việc cơ thể của mẹ bầu sản xuất không đủ insulin. Tiểu đường thai kỳ thường hết sau khi sinh con nhưng ở một số phụ nữ, bệnh lý này có thể quay lại trong giai đoạn về sau của cuộc đời.
Tiểu đường có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ nhưng thường có xu hướng phát triển nhiều hơn vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Thông thường, bạn sẽ không có triệu chứng gì đặc biệt khi mắc bệnh lý này. Tuy nhiên, nếu tình trạng nặng hơn, bạn có thể gặp phải một số biểu hiện như khát nhiều, thường xuyên đi tiểu, mệt mỏi, nhiễm khuẩn ruột, da hoặc âm đạo, buồn nôn, mắt mờ…
Tỷ lệ mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ ngày càng tăng. Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 2-10% phụ nữ có thai mắc tiểu đường thai kỳ. Ở Pháp, tỷ lệ mắc bệnh lý này cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 2010 – 2019) lên 13,6%.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất cứ mẹ bầu nào, kể cả khi không có yếu tố nguy cơ nhưng nhìn chung những phụ nữ thuộc các nhóm dưới đây có nguy cơ mắc cao hơn:
Bị thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 trở lên);
Ít vận động thể dục thể thao;
Từng mắc tiểu đường hoặc có em bé quá lớn trong thai kỳ trước đó;
Có tiền sử bị bệnh tim hay cao huyết áp;
Mắc hội chứng Buồng trứng đa nang;
Gia đình (bố mẹ, anh chị em) bị mắc tiểu đường.
2- Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến mẹ bầu và em bé
Phụ nữ có thai mắc tiểu đường sẽ làm cho lượng đường từ cơ thể mẹ truyền sang cho thai nhi nhiều hơn nhu cầu của con, khiến em bé tăng cân một cách nhanh chóng, gây ra nhiều tác động không tốt đến cả mẹ và con.
Ảnh hưởng đến mẹ
Em bé quá to sẽ dẫn đến một số tình huống phức tạp trong thai kỳ như sinh khó, đẻ mổ, chảy nhiều máu sau sinh, âm đạo hay tầng sinh môn bị rách, và tệ hơn là “tình trạng sinh khó do kẹt vai” (vai bị mắc lại trong khung xương chậu trong khi đầu đã đi qua âm đạo – tai biến này được xếp vào một trong những tình huống nguy hiểm nhất).
Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ cũng đối mặt với nguy cơ bị tăng huyết áp và tiền sản giật. Mẹ bầu cũng có thể bị đa ối (nhiều nước ối hơn bình thường), dẫn đến sinh non.
Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị mắc lại bệnh này trong tương lai, ở lần sinh sau hoặc bị mắc tiểu đường type II (khi tế bào không đáp ứng được với insulin có trong máu). Tiểu đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về thận và tim mạch ở người mẹ về sau này.
Ảnh hưởng đến em bé
Những em bé to và nặng cân có nguy cơ bị thai lưu hoặc phải trải qua những vấn đề nguy hiểm lúc sinh như tổn thương vai (nếu sinh qua đường âm đạo).
Em bé có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ thường gặp phải một số vấn đề sau khi chào đời như vấn đề về thở, vàng da, đường huyết thấp ở thời điểm sinh (cần phải được theo dõi ở bộ phận chăm sóc tích cực dành cho trẻ sơ sinh).
Các em bé này cũng đối mặt với nguy cơ bị mắc tiểu đường, béo phì hay các bệnh lý tim mạch trong tương lai.