Xét nghiệm máu trong thai kỳ
Bản tin #HC2325: Các xét nghiệm cần làm và một số thông tin lưu ý khi thử máu.
Chào bạn,
Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 3 rồi. Thời gian trôi đi thật nhanh đúng không? Bạn và tôi, chúng ta đã đi cùng nhau được 4 tháng. Bạn đang ở trong giai đoạn nào của thai kỳ rồi? Tôi mong bạn luôn khỏe và bình yên trên hành trình làm mẹ của mình.
Trong bài viết về các loại vitamine và thực phẩm chức năng, một độc giả đã hỏi rằng “Làm cách nào để biết cơ thể thiếu chất gì mà bổ sung?”, tôi đã trả lời rằng “Bác sĩ có thể cho thử máu để kiểm tra lượng chất có trong cơ thể bạn”. Từ đó, bạn cũng thấy rằng thử máu là vô cùng quan trọng để theo dõi thai kỳ. Nhưng bạn có biết rằng các xét nghiệm máu còn được tiến hành trong những trường hợp nào nữa không? Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ cung cấp cho bạn thông tin về một số xét nghiệm bắt buộc hoặc nên làm nhé!
Các xét nghiệm máu cần làm trong thai kỳ
Để theo dõi sức khỏe thai kỳ, ngoài việc thăm khám bình thường, mẹ bầu còn được siêu âm, thử máu và thử nước tiểu. Trong đó, xét nghiệm máu sẽ mang đến rất nhiều thông tin về thể chất của cả mẹ bầu và thai nhi. Nhiều xét nghiệm là bắt buộc cho tất cả mẹ bầu trong khi một số được khuyến khích hoặc dành cho những mẹ thuộc nhóm đối tượng có rủi ro cao. Về cơ bản, các xét nghiệm được phân thành các nhóm chính sau:
Xét nghiệm chẩn đoán mang thai
Xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm công thức máu và bất thường về máu
Xét nghiệm nhóm bệnh truyền nhiễm
Xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi
Xét nghiệm phát hiện rủi ro, bệnh lý thai kỳ
Xét nghiệm định lượng dưỡng chất trong cơ thể mẹ
Bây giờ, chúng ta sẽ lần lượt xem qua từng nhóm xét nghiệm để hiểu hơn về mục đích và mức độ cần thiết của mỗi nhóm nhé.
1- Xét nghiệm chẩn đoán mang thai
Như đã được đề cập trong bản tin “Ba cách kiểm tra để xác nhận việc mang thai”, bên cạnh thử nước tiểu và siêu âm, thử máu để kiểm tra nồng độ hormon beta-hCG cũng được sử dụng để chắc chắn việc bạn đã có thai hay chưa. Do có độ nhạy cao, đây là cách cho bạn kết quả sớm nhất và chính xác nhất, có thể tiến hành trong khoảng từ 8-11 ngày sau khi thụ thai, trước cả khi bạn có các dấu hiệu mang thai như trễ kinh, căng tức ngực, ốm nghén…
Xét nghiệm kiểm tra hCG trong máu có tính chất định lượng, nên dựa vào kết quả, bác sĩ có thể dự đoán được thai kỳ của bạn đang ở trong khoảng tuần thứ bao nhiêu. Thông tin này khá hữu ích trong trường hợp bạn không nhớ được ngày quan hệ hay ngày đầu của chu kỳ kinh cuối. Thông tin về tuổi thai lúc này có tính chất tương đối nhưng sẽ giúp bác sĩ định hướng cho các thăm khám tiếp theo, đặc biệt là thời điểm diễn ra mốc siêu âm 12 tuần (Mốc siêu âm đưa ra ngày dự sinh lý thuyết).
Ngoài ra, lượng hCG trong máu có thể cung cấp thông tin bổ sung cho phép bác sĩ dự đoán về việc mang thai đôi, sảy thai, mang thai ngoài tử cung trước khi các thông tin này có thể được xác nhận bằng siêu âm.