Có nên đi khám răng khi mang thai?
Bản tin #HC2481: Những điều cần lưu ý khi chăm sóc răng miệng trong thai kỳ
Chào bạn,
Sau hơn một tháng nghỉ Tết, chúng ta cùng quay trở lại với bản tin ngày hôm nay nhé.
Vừa ra Tết, bạn tôi đã nhắn tin than thở: “Mấy hôm nay tôi đau răng quá. Không biết có phải do đợt Tết ăn nhiều bánh trái quá không mà giờ cứ thấy nhức nhức. Mới đầu năm chẳng lẽ đã đi khám răng. Chưa kể, tôi nghe mọi người nói rằng tốt nhất không nên làm gì động đến răng miệng trong thời gian mang thai. Liệu có nên đi khám không nhỉ?”
Tôi khá ngạc nhiên khi nghe bạn kể về việc này, bởi ở Pháp, mẹ bầu được khuyên đi kiểm tra răng và mắt vì hai bộ phận này bị ảnh hưởng khá nhiều trong quá trình mang thai. Vậy đâu mới là lời khuyên đúng?
Thực tế, mẹ bầu có thể gặp phải một số vấn đề về răng miệng trong thai kỳ. Nguyên nhân xuất phát từ việc thay đổi hormone khi mang thai, làm ảnh hưởng đến cách nướu phản ứng với mảng bám, mảng dính tích tụ trên răng. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có xu hướng thay đổi thói quen ăn uống như thèm đồ ăn có đường hoặc hay ăn chua, làm tăng nguy cơ sâu răng hoặc các bệnh khác về răng. Một số mẹ bầu còn gặp phải tình trạng acid dạ dày trào ngược, làm ảnh hưởng đến men răng. Kết quả là mẹ bầu có thể gặp phải một số vấn đề răng miệng trong thời gian mang thai.
1- Các bệnh lý răng miệng thường gặp trong thai kỳ
Viêm nướu: 60-70% phụ nữ có thai bị viêm nướu vì khi mang thai, cơ thể sản xuất nhiều hormone progesterone làm tăng lượng máu cung cấp cho miệng, khiến nướu trở nên nhạy cảm hơn với vi khuẩn. Nướu bị viêm có triệu chứng sưng tấy, đỏ và mềm, có thể chảy máu khi đánh răng. Thông thường, bệnh này sẽ hết khi em bé chào đời.
Bệnh nha chu: viêm nướu không được điều trị có thể dẫn đến bệnh nha chu, gây nhiễm trùng nướu và răng nghiêm trọng khiến xương răng bị ảnh hưởng, răng có thể bị lung lay, xô lệch. Viêm nha chu rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến nhiễm trùng máu nên cần được điều trị ngay lập tức.
Sâu răng: Mẹ bầu ăn nhiều tinh bột, đường hơn bình thường trong quá trình mang thai sẽ giúp cung cấp nguyên liệu để vi khuẩn gây sâu răng hoạt động. Mẹ bầu bị sâu răng có thể truyền vi khuẩn gây sâu răng trong quá trình mang thai và sau sinh.
Khối u ở nướu: đây là dạng sưng tấy thường xuất hiện trên nướu, giữa các răng nhưng không phải ung thư. Chúng có màu đỏ, dễ chảy máu và thường biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các khối u này cần được loại bỏ sớm.
Răng lung lay, rụng răng: nồng độ hormone progesterone và estrogen cao có thể làm lỏng các mô và xương giúp giữ răng ở đúng vị trí. Vì thế, răng dễ bị lung lay và rụng hơn bình thường.
Răng bị ăn mòn, nhạy cảm: khi mang thai, acid dạ dày có thể trào ngược, gây ăn mòn răng khiến chúng trở nên nhạy cảm, buốt khi ăn đồ nóng hoặc lạnh.
Một số bệnh lý hoặc vấn đề trên có thể tự hết khi sinh con trong khi một số khác lại trở nên trầm trọng hơn và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Do đó, nếu thấy có các biểu hiện bất thường như hơi thở hôi, răng lung lay, loét miệng, vón cục trên nướu, nướu bị tụt, nướu đỏ, sưng tấy, dễ chảy máu, đau răng…, bạn nên đến phòng khám nha khoa để được khám cẩn thận và điều trị kịp thời nếu cần thiết.
2- Các biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng trong thai kỳ
Để tránh gặp phải các vấn đề như trên, bạn nên chăm sóc răng miệng một cách kỹ càng khi mang thai.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Bạn cần đánh răng hai lần/ngày trong 2 phút với kem đánh răng chứa flour. Bạn có thể cần vệ sinh răng nhiều lần hơn khi mang thai.
Bạn nên sử dụng bàn chải lông mềm, thay thường xuyên sau 3-4 tháng sử dụng, khi thấy lông bàn chải bị sờn, và tuyệt đối không dùng chung bàn chải với người khác.
Bạn có thể dùng thêm chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng sau khi ăn xong.
Uống nhiều nước lọc giữa các bữa ăn.
Có thể dùng nước súc miệng chống lại vi khuẩn hoặc súc miệng bằng một thìa baking soda pha với nước để làm sạch acid dư thừa trong khoang miệng.
Khám răng định kỳ
Dù mang thai, bạn vẫn nên đi khám răng định kỳ nếu lần khám trước cách 6 tháng. Khi đi khám, bạn nhớ thông báo rằng mình đang mang thai để nha sĩ đưa ra những lời khuyên phù hợp về việc chăm sóc răng miệng hoặc điều chỉnh việc điều trị nếu trước đó bạn đang phải xử lý các vấn đề về răng miệng.
Nếu có bất cứ biểu hiện, triệu chứng nào khác thường liên quan đến răng, nướu, bạn cũng nên đi khám nha sĩ ngay lập tức.
Duy trì lối sống lành mạnh
Đảm bảo chế độ ăn của bạn cân bằng và lành mạnh, hạn chế đồ ngọt để giảm thiểu nguy cơ sâu răng.
Uống nước thường xuyên và đầy đủ
Đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ canxi và vitamin D (giúp hấp thu canxi vào cơ thể): do nhu cầu canxi của cơ thể tăng lên khi bạn mang thai. Cả hai thành phần này có thể được đáp ứng thông qua chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng bổ sung cho mẹ bầu.
Tuyệt đối không hút thuốc.
Bạn thân mến, việc chăm sóc răng miệng trong thai kỳ là vô cùng cần thiết vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bạn và thai nhi trong bụng, do đó đừng bỏ qua điều này nhé. Trong trường hợp bạn gặp phải vấn đề răng miệng nào đó, đừng lo lắng quá bởi nha sĩ sẽ tìm được hướng điều trị phù hợp với phụ nữ có thai.
Hãy chăm sóc răng miệng thật tốt nhé!
------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.mouthhealthy.org/life-stages/pregnancy/pregnancy-dental-concerns
https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/dental-health-during-pregnancy
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/Looking-after-your-teeth-during-pregnancy
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-and-teeth