Canxi và những điều cần biết đối với thai kỳ
Bản tin #HC2352: Liệu có nhất thiết phải uống bổ sung canxi khi mang thai?
Bạn thân mến,
Chúng ta đã đi rất nhanh đến những ngày giữa tháng 7. Bạn có đi nghỉ hè ở đâu không? Nếu có, đừng quên ghi hoặc chụp lại những khoảnh khắc tuyệt vời này nhé. Đây chắc hẳn là một kỉ niệm đáng nhớ trên hành trình mang thai của bạn đấy.
Quay trở lại với chủ đề chăm sóc sức khỏe thai kỳ, gần đây tôi nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc bổ sung canxi khi mang thai. Một số bạn chỉ mới chuẩn bị “thả” cũng đã quan tâm đến vấn đề này rồi. Nhiều bạn lo sợ nếu không bổ sung canxi đầy đủ thì con sẽ còi và mẹ dễ bị loãng xương. Vậy mẹ bầu có nhất thiết phải uống bổ sung thực phẩm chức năng chứa canxi không?
Vai trò của canxi với thai kỳ
Canxi tham gia vào việc hình thành xương và răng của thai nhi từ trong bụng mẹ. Với mẹ bầu, việc đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ bị cao huyết áp, tiền sản giật, sinh non, loãng xương và băng huyết sau sinh.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo lượng canxi trong cơ thể, hạn chế tiền sản giật, mẹ bầu cần ít nhất 1000 mg/ngày từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu đặc hiệu nào chứng minh tác dụng này khi phụ nữ bổ sung canxi sớm (trước khi có thai đến trước 20 tuần của thai kỳ). Vì thế, không nhất thiết phải uống viên canxi từ tam cá nguyệt thứ nhất mà chỉ cần duy trì lượng canxi trong cơ thể thông qua các thực phẩm giàu canxi trong khoảng thời gian trước 20 tuần thai.
Nguồn canxi trong tự nhiên
Canxi có thể được bổ sung đầy đủ thông qua con đường ăn uống. Canxi thường được lấy qua các sản phẩm từ sữa như sữa uống, phô mai, sữa chua… Canxi cũng được tìm thấy trong một số loại rau (rau chân vịt, cải kale…), hoa quả họ cam, các loại hạt (hạnh nhân, đậu nành, yến mạch…), tôm, cá trích, cá hồi… nhưng việc hấp thu canxi từ các thực phẩm này khó hơn từ các sản phẩm sữa. Do đó, mẹ bầu vẫn được khuyến khích bổ sung các sản phẩm từ sữa vào cơ thể hàng ngày để đảm bảo đủ lượng canxi cần thiết.
Ngoài ra, để tăng cường hấp thu canxi, cơ thể bạn cũng cần được cung cấp đủ vitamin D trong suốt thai kỳ.
Mẹ bầu thường thiếu canxi trong trường hợp nào?
Bạn dễ bị thiếu canxi nếu:
Bạn có chế độ ăn thuần chay hoặc không ăn chay nhưng không có thói quen hay điều kiện để bổ sung các sản phẩm từ sữa vào cơ thể hàng ngày;
Bạn không dung nạp lactose và các sản phẩm từ sữa;
Tiêu thụ lượng lớn đạm và natri (trong muối) khiến cơ thể bài tiết nhiều canxi ra ngoài;
Có tiền sử mắc một số bệnh đường ruột hoặc tiêu hóa làm giảm khả năng hấp thu canxi;
Sử dụng một số thuốc làm cản trở hấp thu canxi.
Với các trường hợp này, việc bổ sung thực phẩm chức năng chứa canxi trong thai kỳ có thể là cần thiết. Tuy nhiên, để chắc chắn, mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ để được cho thử máu xem có bị thiếu canxi thật không, tránh việc tự ý bổ sung khiến cơ thể phải dung nạp lượng canxi quá lớn. Lượng canxi tối đa có thể chấp nhận được là 2500 mg/ngày. Quá lượng này, mẹ bầu có thể gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn đến từ việc thừa canxi như giảm hấp thu sắt và kẽm vào cơ thể, tăng canxi máu, tăng canxi trong nước tiểu dẫn đến buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, tiểu nhiều, rối loạn nhịp tim.
Lựa chọn thực phẩm chức năng chứa canxi cho mẹ bầu
Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được kê cho loại canxi phù hợp. Nếu tự mua, bạn nên lưu ý các điểm sau:
Các loại thực phẩm chức năng chứa canxi sử dụng các loại hợp chất canxi khác nhau như canxi carbonate (40% canxi), canxi citrate (21% canxi), canxi gluconate (9% canxi), canxi lactate (13% canxi). Bạn cần phải xem nhãn kĩ để lựa chọn sản phẩm có lượng canxi phù hợp. Ví dụ canxi carbonate chứa 40% canxi nguyên tố thì 1250 mg canxi carbonate chỉ chứa 500 mg canxi nguyên tố.
Thực phẩm chức năng chứa canxi có thể gây đầy hơi, táo bón, trong đó canxi carbonate gây táo bón nhiều nhất. Nếu bạn dùng và bị táo bón nặng, hãy cân nhắc đổi loại khác.
Thực phẩm chức năng chứa canxi được hấp thu tốt khi dùng với liều lượng nhỏ (từ 500mg trở xuống) vào bữa ăn, do đó, để uống 1000mg canxi/ngày, hãy chia thành 2 hoặc nhiều liều hơn. Canxi citrate hấp thu tốt khi dùng cùng hoặc xa bữa ăn, là dạng được khuyên dùng cho những người có acid dạ dạy thấp (đang dùng thuốc ức chế acid, người già), viêm ruột hoặc rối loạn hấp thu.
Một số loại thực phẩm bổ sung canxi có chứa vitamin D hoặc magie, nên bạn cần lưu ý nếu dùng thêm vitamin D riêng rẽ, tránh việc bổ sung thừa vitamin D.
Canxi có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và tác dụng của các loại thuốc khác. Nên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ nếu đang dùng một loại thuốc nào đó.
Canxi carbonate thường rẻ nhất.
Canxi giảm khả năng hấp thụ của các khoáng chất khác như sắt, kẽm, magie nên nếu bạn sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau, hãy uống vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Nếu bạn bổ sung viên canxi riêng rẽ và vitamin tổng hợp cho mẹ bầu, hãy lưu ý tổng hàm lượng canxi của các chế phẩm này vì trong vitamin cho mẹ bầu có thể chứa một lượng canxi nhất định.
Trên đây là những thông tin cần lưu ý nếu bạn muốn bổ sung canxi trong thai kỳ. Thực tế, nếu bạn có một chế độ ăn cân bằng, đầy đủ, có sử dụng các sản phẩm từ sữa, bạn ít có nguy cơ thiếu canxi. Hồi mang bầu con gái nhỏ, tôi cũng không dùng thêm thực phẩm chức năng chứa canxi, em bé vẫn phát triển tốt, tôi cũng không có nguy cơ bị cao huyết áp hay tiền sản giật nào. Vì thế, tôi mong rằng bạn cũng thấy yên tâm về thai kỳ của mình nếu đã ăn uống lành mạnh. Không phải cứ nhất định uống thực phẩm chức năng chứa canxi thì thai kỳ mới khỏe mạnh, bạn nhé.
Chúc bạn nhiều sức khỏe!
----------------
Tài liệu tham khảo:
Australian National Health and Medical Research Council, Australian Government Department of Health and Ageing, New Zealand Ministry of Health. (2006, updated 2017). Nutrient reference values for Australia and New Zealand including recommended dietary intakes. Version 1.2. Canberra: NHMRC. Retrieved April 27, 2022 from https://www.nhmrc.gov.au/sites/default/files/images/nutrient-refererence-dietary-intakes.pdf
Hofmeyr G, Lawrie TA, Atallah ÁN, Torloni M. (2018, October 2). Calcium supplementation during pregnancy for preventing hypertensive disorders and related problems. Cochrane Database of Systematic Reviews 2018. Issue 10. Art. No.: CD001059. Retrieved April 27, 2022 from https://www.cochrane.org/fr/CD001059/PREG_supplementation-en-calcium-pendant-la-grossesse-pour-prevenir-les-troubles-de-la-tension-arterielle
Hofmeyr G, Manyame S, Medley N, Williams MJ. (2019, September 16). Calcium supplementation commencing before or early in pregnancy, for preventing hypertensive disorders of pregnancy. Cochrane Database of Systematic Reviews 2019. Issue 9. Art. No.: CD011192. Retrieved April 27, 2022 from https://www.cochrane.org/CD011192/PREG_extra-calcium-tablets-pregnancy-or-early-pregnancy-preventing-high-blood-pressure-complications
Kumar, A., & Kaur, S. (2017). Calcium: A Nutrient in Pregnancy. Journal of obstetrics and gynaecology of India, 67(5), 313–318. https://doi.org/10.1007/s13224-017-1007-2
Mayo Clinic. (2022, February 26). Calcium and calcium supplements: Achieving the right balance. Retrieved April 27, 2022 from https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/calcium-supplements/art-20047097
National Library of Medicine (NLM), United States. (n.d.). Pregnancy and Nutrition. MedlinePlus. Retrieved April 27, 2022 from https://medlineplus.gov/pregnancyandnutrition.html
World Health Organization (WHO). (2013). Guideline: calcium supplementation in pregnant women. World Health Organization. Retrieved April 27, 2022 from https://apps.who.int/iris/handle/10665/85120