Vitamin D được lấy từ đâu?
Bản tin #HC2343: Các cách bổ sung vitamin D cho bà bầu.
Bạn thân mến,
Mấy hôm nay bạn vẫn khỏe chứ? Thời tiết lại đang nắng nóng hơn rồi. Chúng ta đã bước sang những ngày đầu của tháng tư âm lịch, mùa hè đã đến. Trời nóng khiến mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi nên bạn hãy chú ý chăm sóc bản thân, uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh ra ngoài khi quá nắng nhé.
Trong bản tin hôm thứ 4 vừa rồi, tôi có nói rằng mẹ bầu ăn chay dễ bị thiếu hụt vitamin D. Nhưng thực tế, kể cả mẹ bầu không ăn chay cũng có nguy cơ bị thiếu loại vitamin này. Vậy làm cách nào để bổ sung vitamin D hợp lý? Tôi sẽ cung cấp một số thông tin trong bản tin hôm nay nhé!
Vai trò của vitamin D đối với sức khỏe thai kỳ
Vitamin D là loại vitamin tan trong dầu, được tổng hợp trong da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu cũng như duy trì, điều hòa canxi và phospho, hai khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo xương, răng. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin D còn giảm sự phát triển của tế bào ung thư, giúp kiểm soát nhiễm trùng và giảm viêm. Thông thường, phụ nữ nói chung, bao gồm cả phụ nữ có thai và cho con bú, cần 10-15 microgram (tương ứng với 400-600 đơn vị) vitamin D một ngày.
Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Nếu bạn có nồng độ vitamin D trong máu thấp (thiếu hụt vitamin D), em bé trong bụng cũng có nguy cơ bị thiếu vitamin D. Điều này sẽ khiến em bé sinh ra có khả năng gặp phải một số biến chứng như sự tăng trưởng không bình thường ở xương, phát triển thể chất chậm, còi xương. Trong đó, chứng còi xương có thể khiến bé bị đau xương, khung xương biến dạng, kém phát triển như chân vòng kiềng, cong cột sống.
Yếu tố khiến mẹ bầu có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin D
Các yếu tố gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D bao gồm:
Thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá ít: do sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo che kín cả ngày, ít ra ngoài trời (phần lớn thời gian ở trong nhà), sống ở nơi có ít nắng hay vào mùa đông, thời gian chiếu sáng ban ngày giảm.
Da sẫm màu: những người có da tối màu thường chứa nhiều melanin, một chất hoạt động giống như kem chống nắng tự nhiên, do đó làm giảm quá trình tổng hợp vitamin D trong da.
Béo phì: khiến vitamin được sản xuất ra bị tích trữ trong lớp mỡ của cơ thể (do vitamin D thân dầu), giảm nồng độ vitamin D trong máu.
Sử dụng một số loại thuốc làm giảm hấp thu vitamin D ở ruột như các thuốc corticoid, thuốc hạ cholesterol, thuốc lợi tiểu…
Ăn thuần chay: kiêng toàn bộ các sản phẩm từ động vật bao gồm cả trứng, sữa
Các nguồn bổ sung vitamin D
1- Ánh sáng mặt trời
Bạn thường được khuyên nên ra ngoài phơi nắng để tăng cường hấp thu vitamin D. Điều này liệu có đúng?
Da người sử dụng tia UVB có bước sóng ngắn (290-320 nm) để tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, tia này thường bị ngăn cản bởi kính cửa sổ, quần áo và kem chống nắng. Vì thế, để có được vitamin D từ ánh sáng mặt trời, bạn buộc phải ra ngoài, mặc quần áo hở tay, chân, không bôi kem chống nắng. Trong khi đó, việc tiếp xúc với tia UV trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da. Mẹ bầu cũng là đối tượng có da trở nên nhạy cảm, dễ bị nám, đốm nâu nên được khuyên bôi kem chống nắng có chỉ số SPF30 trở lên mỗi khi ra ngoài. Vậy làm cách nào để mẹ bầu có thể hấp thu được vitamin D từ ánh sáng mặt trời mà không phải lo đến các vấn đề về da?
Theo các chuyên gia, để tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời, con người không cần phơi nắng quá lâu. Tùy từng khu vực địa lý và mùa, thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời chỉ cần từ 5-30 phút. Ví dụ, ở những nơi nhiều nắng như Việt Nam, chỉ cần 5-10 phút mỗi ngày, hàng ngày hoặc 15-30 phút/ngày với ít nhất 2 lần/tuần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là đủ. Lưu ý là bạn nên phơi nắng trước 10h sáng, che mặt và đầu, để hở tay, chân, không bôi kem chống nắng trong khoảng thời gian này.
2- Thực phẩm
Khá ít thực phẩm tự nhiên giàu vitamin D. Một số loại thực phẩm giàu vitamine D3 là các loài cá béo, phổ biến nhất là cá hồi, cá trích, dầu gan cá. Một số thực phẩm khác chứa vitamin D là lòng đỏ trứng, sữa, phô mai và gan bò. Một số loại nấm chứa vitamin D2.
Ngoài các nguồn tự nhiên này, một số thực phẩm bán trong siêu thị như sữa, nước cam, các loại hạt, ngũ cốc có thể được tăng cường thêm vitamin D (bạn cần xem nhãn sản phẩm để biết được điều này).
Do đó, bạn có thể lựa chọn bổ sung các loại thực phẩm kể trên để tăng cường lượng vitamin D trong cơ thể.
3- Viên uống bổ sung
Khi việc hấp thu vitamin D từ ánh sáng mặt trời và thức ăn không hiệu quả, mẹ bầu được khuyên bổ sung vitamin D qua đường uống. Bình thường, mẹ bầu được khuyên uống thêm 10-15 microgram (400-600 đơn vị) vitamin D/ngày. Trong một số trường hợp, khi mẹ bầu thử máu và được xác nhận là thiếu vitamin D, bác sĩ có thể kê cho uống 1000-2000 đơn vị vitamin D mỗi ngày.
Bạn có thể uống viên vitamin D riêng rẽ hoặc uống vitamin tổng hợp cho bà bầu có chứa vitamin D bên trong (với hàm lượng được khuyến cáo). Tuy nhiên, việc uống quá 100 microgram (4000 đơn vị) vitamin D một ngày có thể gây hại nên mẹ bầu cần lưu ý khi bổ sung vitamin D từ nhiều nguồn khác nhau (vừa uống vitamin tổng hợp, vừa uống sữa bầu, vừa uống thêm vitamin D riêng rẽ).
Ngoài ra, nếu bạn ăn chay, bạn nên lưu ý tìm viên uống vitamin D có nguồn gốc thực vật. Đa phần, vitamin D3 được lấy từ động vật còn vitamin D2 được lấy từ thực vật. Vitamin D3 được các chuyên gia khuyến khích hơn do gần với dạng tổng hợp tự nhiên trong cơ thể người, nhưng nếu bạn ăn chay, vitamin D2 có thể là lựa chọn phù hợp hơn.
Với các thông tin phía trên, tôi hi vọng bạn có thể tìm cách bổ sung vitamin D cho cơ thể để tránh thiếu hụt trong thai kỳ.
Chúc bạn nhiều sức khỏe nhé!
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.nhs.uk/conditions/vitamins-and-minerals/vitamin-d/
https://www.healthline.com/nutrition/9-foods-high-in-vitamin-d
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/
https://www.webmd.com/vitamins-and-supplements/ss/slideshow-foods-high-in-vitamin-d
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/vitamin-d
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15050-vitamin-d-vitamin-d-deficiency
https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/vitamins-supplements-and-nutrition/
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/vitamin-d-and-pregnancy/
https://www.babycenter.com/pregnancy/diet-and-fitness/vitamin-d-in-your-pregnancy-diet_661
https://www.healthywa.wa.gov.au/Articles/U_Z/Vitamin-D-for-pregnant-women-and-new-mothers
https://vietnamnews.vn/life-style/738246/breaking-the-dogma-vitamin-d.html