4 nỗi sợ lớn ở mẹ bầu
Bản tin #HC2339: Một số thông tin giúp bạn hiểu và đối mặt với những nỗi sợ này khi chúng đến.
Bạn thân mến,
Chúng ta đã bước sang những ngày đầu tiên của tháng 5 hoa phượng đỏ, mùa hè đang đợi ở phía trước. Mấy hôm nay bạn thế nào, kỳ nghỉ lễ đã trôi qua êm đềm như mong đợi của bạn chứ?
Cảm xúc của bạn những ngày này thế nào? Có bao giờ bạn thấy tâm trạng mình trùng xuống khi thai kỳ đang diễn ra yên ả, mọi thứ xung quanh đều tốt đẹp? Nếu bạn từng trải qua những cảm giác như vậy, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng chúng rất bình thường ở phụ nữ có thai.
Thai kỳ là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Dù quãng thời gian này chỉ kéo dài 9 tháng 10 ngày nhưng với nhiều người, đó là những thời khắc không thể nào quên. Dù thai kỳ mang theo những cảm xúc mới mẻ và tích cực khi chờ đón một em bé ra đời, nhưng cũng là một sự kiện gây stress hàng đầu đối với người mẹ mới. Nhiều khủng hoảng về mặt cảm xúc đã được ghi nhận ở mẹ bầu trong đó phổ biến nhất là cảm giác sợ hãi, lo âu, thậm chí trầm cảm. Những cảm giác này có thể nhanh chóng qua đi nhưng với một số mẹ, chúng thường xuyên trở lại, tăng nặng và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ. Vì thế, điều mẹ bầu có thể làm là nhận thức được những cảm xúc tiêu cực này khi chúng diễn ra và học cách quản lý hay đối mặt với chúng.
Nhắc đến nỗi sợ ở mẹ bầu, có 4 nỗi sợ lớn có thể kể đến là nỗi sợ liên quan đến sảy thai và sức khỏe thai nhi, nỗi sợ sinh con, nỗi sợ không quay trở về được với hiện trạng trước khi mang thai và nỗi sợ không làm mẹ tốt. Các nỗi sợ này phổ biến đến nỗi chúng không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, giàu nghèo, văn hóa, dân tộc… Bất kể ai khi bước chân vào hành trình mang thai đều có thể trải qua những nỗi sợ như vậy. Không nhất thiết chỉ những người mẹ sinh con lần đầu, mà cả những mẹ sinh nhiều con đều có thể trải qua những nỗi sợ khác nhau. Đa phần các nỗi sợ đều đến từ trải nghiệm của bản thân người mẹ và tiền sử mang thai hay sinh con trong quá khứ. Bây giờ, chúng ta sẽ lần lượt đi qua 4 nỗi sợ lớn mà mẹ bầu hay gặp phải nhé!
1- Nỗi sợ sảy thai và các vấn đề bất thường liên quan đến sức khỏe thai nhi.
Những nỗi sợ kiểu này thường liên quan đến tình trạng sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng. Nếu bạn đang mang thai 3 tháng đầu, bạn rất dễ có nỗi sợ sảy thai, nhất là nếu bạn từng sảy thai trước đó. Trong giai đoạn này, nếu bị ốm nghén, bạn có thể sợ rằng em bé sẽ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, dẫn đến thấp bé, nhẹ cân.
Ở những giai đoạn sau, nỗi sợ nghiêng về nguy cơ dị tật ở thai nhi hay các biến chứng bất thường khác. Ví dụ, bạn sợ em bé mắc dị tật liên quan đến nhiễm sắc thể (như mắc phải hội chứng Down), dị tật hình thái (bệnh lý tim, thận… bẩm sinh). Nỗi sợ này cũng tăng lên nếu mẹ bầu có bệnh lý thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp, nguy cơ mắc tiền sản giật.
Về cuối giai đoạn mang thai, mẹ sẽ có xu hướng sợ sinh non, con sinh ra gặp vấn đề về sức khỏe. Những nỗi sợ này cũng đi kèm với tình trạng mệt mỏi trong tam cá nguyệt thứ 3 của bạn.
Giải pháp đối mặt nỗi sợ:
Với những nỗi sợ liên quan đến sức khỏe của bản thân và thai nhi, mẹ bầu có thể thực hiện những điều sau:
Trang bị những kiến thức đúng và đủ về sức khỏe thai kỳ. Nếu bạn đang đọc bản tin Her Care nghĩa là bạn đã có ý thức về điều này và đây thực sự là một hành động đúng đắn. Khi có kiến thức rồi, hãy thực hành chúng một cách cẩn thận, những mối lo liên quan đến sảy thai hay sinh non cũng sẽ giảm thiểu đáng kể.
Tìm cho mình một chuyên gia sức khỏe dày dạn kinh nghiệm và sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong suốt thai kỳ như bác sĩ, nữ hộ sinh. Dù tôi không thể thăm khám cho bạn nhưng cũng sẵn lòng đồng hành và hỗ trợ bạn giải đáp các thắc mắc hay lo lắng liên quan đến sức khỏe thai kỳ, nên nếu bạn cần gì ở tôi, đừng ngại liên hệ nhé.
Thăm khám sức khỏe đầy đủ để tầm soát các rủi ro thường gặp trong thai kỳ cũng như các dị tật thường gặp ở thai nhi. Nếu có bất thường, bạn cũng cần bình tĩnh vì với trình độ y học hiện nay, các bác sĩ có đủ khả năng để xử lý nhiều vấn đề sức khỏe hay gặp trong thai kỳ.
2- Nỗi sợ sinh con
Nỗi sợ này khá phổ biến khi mẹ bầu bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, chiếm từ 10-20% tổng số phụ nữ mang thai. Đa phần, nỗi sợ này gắn với những tổn thương tâm lý trong quá khứ, những trải nghiệm sinh trước kia ở người mẹ hoặc đến từ việc không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước trong ca sinh nở, không thể lên kế hoạch được. Nỗi sợ sinh con của mẹ bầu được thể hiện trong những khía cạnh sau:
Sợ không biết rặn đẻ và gây hại cho em bé trong quá trình sinh;
Sợ quá trình chuyển dạ kéo dài, phải đẻ mổ cấp cứu hoặc gặp biến chứng khi sinh như tiền sản giật;
Sợ không thể đối mặt với cơn đau khi chuyển dạ, sinh thường hoặc vết đau sau mổ;
Sợ tác dụng phụ của thuốc gây tê, gây mê được sử dụng trong quá trình sinh nở;
Sợ em bé sinh ra gặp bất thường hay con phải trải qua những vấn đề khó khăn, cần can thiệp y khoa lúc vượt cạn (tác động của thuốc lên thai nhi, sử dụng forcep, ventouse…);
Sợ không đưa ra được quyết định đúng đắn ở thời điểm sinh;
Sợ không kịp đến bệnh viện và đẻ rơi em bé trên đường;
Sợ bị bỏ rơi hoặc cô đơn trong lúc sinh.
Giải pháp đối mặt nỗi sợ:
Với các nỗi sợ liên quan đến việc sinh nở, bạn có thể thử các cách sau:
Tham gia các lớp học tiền sản để nắm bắt được quy trình sinh nở, các vấn đề thường gặp, cách kiểm soát cơn đau khi chuyển dạ, các bài tập thở để lấy lại sự bình tĩnh, các tư thế sinh, cách rặn đẻ…;
Tìm kiếm sự hỗ trợ, đặc biệt là khía cạnh tâm lý từ gia đình, bạn bè, các chuyên gia y tế. Họ là những người có thể đưa cho bạn lời khuyên, lời động viên nhằm giúp bạn vượt qua nỗi sợ.
Nghỉ ngơi đầy đủ, tăng cường vận động thể chất, ra ngoài đi dạo, hít thở không khí cũng làm giảm bớt cảm giác sợ hãi đang bủa vây lấy bạn.
Trò chuyện với những người phụ nữ từng trải qua sinh nở, những người có thể mang lại cho bạn sự vỗ về, động viên chứ không phải đe dọa, kể khổ vì những thông tin tiêu cực có thể khiến nỗi sợ của bạn lớn thêm.
3- Nỗi sợ không thể quay về tình trạng trước khi mang thai
Khi mang bầu, cơ thể của bạn biến đổi rõ rệt, bạn tăng cân nhanh chóng, thân hình trở nên to hơn, da mặt xấu đi, thậm chí có mụn. Bạn trở nên tự ti và sợ rằng mình sẽ không lấy lại được vẻ ngoài trước kia khi còn con gái.
Bên cạnh đó, bạn cũng có những nỗi sợ thầm kín liên quan đến chuyện chăn gối. Bạn sợ rằng chuyện “quan hệ” với chồng sẽ không tạo được cảm hứng như trước vì những cơn đau do vết rách hay rạch ở tầng sinh môn, vì cửa âm đạo mở rộng trong quá trình sinh nở… Vì thế, bạn cũng sợ chồng sẽ bớt yêu mình khi cơ thể bây giờ không còn được như ngày xưa.
Giải pháp đối mặt nỗi sợ:
Với những thay đổi liên quan đến vẻ bề ngoài, đa phần sẽ biến mất sau khi bạn sinh con. Về cân nặng, để hạn chế khó khăn cho vấn đề giảm cân sau sinh, bạn có thể học cách kiểm soát cân nặng từ trong thai kỳ thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và vận động đầy đủ. Sau sinh, bạn cũng có thể thực hiện việc giảm cân từ từ khi ăn uống bình thường, tăng cường tập luyện lúc cơ thể cho phép để lấy lại thân hình săn chắc.
Liên quan những biến đổi về tầng sinh môn, bạn có thể tham khảo và tập luyện các bài tập phục hồi cơ sàn chậu như kegel. Các bài tập này sẽ giúp bạn lấy lại cảm giác ở các cơ gần tầng sinh môn, giúp thu hẹp cửa âm đạo. Ngoài ra, trong thời gian đầu, nếu có khó khăn trong vấn đề “quan hệ”, bạn cũng nên nói chuyện với chồng để người đó hiểu rằng bạn cần thời gian phục hồi.
4- Nỗi sợ làm mẹ không đủ giỏi
Trở thành một người mẹ tốt là mong muốn của tất cả những người mẹ mới nhưng thế nào là “tốt” lại rất khác nhau giữa những người mẹ. Bạn sẽ có xu hướng kỳ vọng rất nhiều vào bản thân và em bé trong bụng. Bạn mong con ra đời khỏe mạnh, phát triển tốt như nhiều em bé khác. Bạn mong con ngoan ngoãn còn mình sẽ trở thành một bà mẹ hiền dịu…
Tuy nhiên, bạn cũng biết rằng đời không phải lúc nào cũng đẹp như mơ, nhất là sau khi chứng kiến bạn bè, người thân chăm sóc và nuôi dưỡng đứa con của họ. Đôi lúc, bạn sẽ có cảm giác so sánh, sợ mình không làm mẹ giỏi như một ai đó hoặc sợ mình trở thành một bà mẹ đáng sợ như một người mẹ mà bạn từng thấy.
Một điều khác liên quan đến nỗi sợ này là làm sao để trở thành một người mẹ tốt mà không đánh mất bản thân mình. Bạn sợ rằng đến một thời điểm nào đấy không như ý, bạn sẽ phải chọn lựa giữa việc ở nhà trông con và phát triển sự nghiệp, phát triển bản thân mình.
Vì những điều như vậy mà càng gần đến ngày sinh, ở thời điểm chuyển tiếp, khi vai trò làm mẹ trở nên rõ rệt, bạn càng thấy lo sợ.
Giải pháp đối mặt nỗi sợ:
Khám phá bản thân mình và vẽ ra một bức tranh làm mẹ mà bạn muốn trở thành với đủ mọi màu sắc ở cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Việc có một hình dung về chính mình trong tương lai có thể giúp bạn thấy bớt sợ hãi hơn một bức tranh làm mẹ mù mờ.
Kết nối với những bà mẹ xung quanh mình để nhận được sự an ủi, động viên, hỗ trợ và lắng nghe những câu chuyện tích cực từ phía họ. Nhưng dù thế nào, bạn cũng cần hiểu rằng mỗi một bà mẹ mỗi khác, mỗi một em bé một vẻ, không ai giống ai nên bạn chỉ nên lắng nghe để tham khảo, không phải để máy móc áp dụng theo.
Tìm kiếm sức mạnh nội tại và các nguồn hỗ trợ bên ngoài để chuẩn bị cho quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ phía trước.
Hiểu được những tâm tư, nỗi sợ này của mẹ bầu, cộng đồng Mom Village – Nuôi dưỡng người mẹ mới mà tôi là đồng sáng lập quyết định tổ chức một sự kiện offline với cái tên "Mom Circle: Khám phá người mẹ bạn muốn trở thành". Mục đích của buổi workshop này là giúp những mẹ bầu "chuyển tiếp sang vài trò làm mẹ một cách vững vàng và bình an", đồng thời gửi lời chúc tốt lành tới các mẹ cho toàn bộ giai đoạn mang thai, vượt cạn và sau sinh.
Sự kiện offline sẽ được diễn ra vào ngày 13/05 trong không gian xanh mát của Interconnection Mỹ Đình (Hà Nội) nhằm giúp bạn kết nối với thiên nhiên và kết nối với chính mình một cách dễ dàng hơn. Tôi tin rằng khi đến với sự kiện này, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời và ấm áp. Thông tin chi tiết và cách đăng ký sự kiện được tìm thấy trong form này nhé!
Cảm ơn bạn vì đã đọc hết bài viết dài này.
Chúc bạn mọi điều tốt đẹp!
Mong sớm được tiếp đón bạn ở sự kiện offline ngày 13/05 nhé.
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://naitreetgrandir.com/fr/grossesse/sante-bien-etre/anxiety-pregnancy/
https://www.parents.com/pregnancy/complications/health-and-safety-issues/top-pregnancy-fears/
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1871519215003571
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1871519217307060
https://bmcpregnancychildbirth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12884-019-2241-7
https://www.nct.org.uk/pregnancy/how-you-might-be-feeling/fear-childbirth-and-tokophobia
https://www.health.harvard.edu/blog/how-can-you-manage-anxiety-during-pregnancy-202106252512