Mẹ bầu ăn chay được không?
Bản tin #HC2342: Những điều bạn cần lưu ý nếu muốn ăn chay trong thai kỳ.
Bạn thân mến,
Trong buổi workshop về “Dinh dưỡng và Vận động trong thai kỳ” được tổ chức vào tháng 4 vừa qua bởi Mom Village – Nuôi dưỡng người mẹ mới, tôi nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc ăn chay của mẹ bầu. Có bạn thắc mắc là mẹ bầu ăn chay được không trong khi bạn khác tâm sự rằng đang ăn chay thì phải ngừng lại khi phát hiện có thai vì sợ dinh dưỡng cung cấp cho em bé không đủ. Vì thế, trong bản tin hôm nay, tôi sẽ đưa cho bạn một số thông tin cần lưu ý nếu bạn muốn ăn chay trong thai kỳ.
Mang thai mà ăn chay có an toàn không?
Trong vài thập kỷ trở lại đây, việc ăn chay ngày càng trở nên phổ biến do mối lo ngại về việc mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư khi ăn quá nhiều thịt. Một số người cũng theo đuổi chế độ ăn này để bảo vệ môi trường và các loài động vật.
Với thai kỳ, trong khi Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ cho rằng chế độ ăn chay an toàn với mọi lứa tuổi và điều kiện thể chất bao gồm trẻ nhỏ, thiếu niên dậy thì, phụ nữ có thai và cho con bú, thì Hội dinh dưỡng Đức không khuyến thích phụ nữ có thai hay đang cho con bú và trẻ nhỏ theo đuổi chế độ ăn này vì lo sợ thiếu hụt dưỡng chất.
Nhìn chung, các chuyên gia dinh dưỡng đều nhận định rằng nếu chế độ ăn chay của bạn được thiết kế nhằm đảm bảo 3 nguyên tắc chính là đa dạng, cân bằng và lành mạnh, bạn vẫn có thể hấp thu đầy đủ các dưỡng chất để nuôi dưỡng thai nhi. Tuy nhiên, việc ăn chay giống như một con dao hai lưỡi. Nếu bạn không biết cách tạo ra một chế độ ăn chay cân bằng và hợp lý, bạn rất dễ bị thiếu hụt một số nhóm chất như đạm, sắt, vitamin D, canxi, i-ốt, omega 3, vitamin B12. Sự thiếu hụt các nhóm chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của em bé trong bụng và gây ra một số biến chứng, phức tạp trong thai kỳ.
Bạn theo đuổi chế độ ăn chay nào?
Để trả lời cho câu hỏi chế độ ăn chay của bạn có ảnh hưởng đến em bé trong bụng không, bạn cần phải xác định rõ mình ăn chay theo trường phái nào bởi trên thế giới, có rất nhiều trường phái ăn chay khác nhau, trong đó phải kể đến 2 nhóm chính:
Nhóm 1 – Kiêng hoàn toàn các chế phẩm có nguồn gốc từ động vật: những người thuộc nhóm này chỉ ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật. Họ loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có dính dáng đến động vật như thịt, sữa, trứng, mật ong.
Nhóm 2 – Kiêng thịt cá: những người ăn chay theo phương pháp này không ăn các món làm từ thịt, cá các loại. Tuy nhiên, họ vẫn tiêu thụ một số sản phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, sữa, mật ong. Trong nhóm này, có 2 nhóm chính nhỏ hơn là kiêng toàn bộ các sản phẩm từ sữa nhưng vẫn ăn trứng và kiêng trứng nhưng vẫn ăn, uống các sản phẩm sữa.
Ngoài 2 nhóm chính kể trên, còn một số trường phái ăn chăn ít khắc nghiệt hơn như kiêng sản phẩm từ thịt nhưng vẫn ăn cá, ăn chay gián đoạn (ăn chay từ 10-15 ngày/tháng), ăn chay phần lớn các ngày nhưng vẫn ăn thịt, cá một đến vài lần/tháng.
Việc biết mình theo đuổi chế độ ăn chay nào sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn một ngày để tìm cách cân bằng, bù đắp lại vào các ngày khác hoặc uống bổ sung thêm vitamin tổng hợp nếu cần.