Nhiều người mẹ mới không nhận ra hay thừa nhận rằng “Tôi bị trầm cảm”
Bản tin #HC2349: Các cách nhận biết, ngăn ngừa và điều trị căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến ở phụ nữ có thai và sau sinh.
Vào một buổi sáng mùa hè, trong không gian an toàn của Mommy Tea Room, tôi có dịp nói chuyện với một bà mẹ trẻ. Khi tôi cất lời hỏi thăm, em không ngừng nói “xin lỗi” rồi bật khóc, tay liên tục rút những tờ khăn giấy trắng muốt để lau đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt đầy sự mệt mỏi. Em nói rằng em tìm đến quán trà để được lắng nghe, để chia sẻ nhiều hơn về hành trình làm mẹ chỉ vừa mới bắt đầu nhưng em đã bị chẩn đoán là trầm cảm nhẹ sau sinh. Em kể rằng mình đã trải qua một thai kỳ khó khăn, đã khóc rất nhiều để rồi đến lúc con ra đời, em cảm thấy hành trình làm mẹ càng vất vả hơn nhưng không dám chia sẻ cùng ai trong gia đình.
Thực tế, người mẹ tôi vừa gặp không phải là trường hợp duy nhất từng trải qua tình trạng này. Hiện nay, tỷ lệ mắc trầm cảm trong giai đoạn mang thai và sau sinh trở nên ngày càng phổ biến. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, cứ 7 đến 10 phụ nữ mang thai và 5 đến 8 phụ nữ sau sinh thì có một người phát triển các rối loạn trầm cảm, dẫn đến tỷ lệ trung bình mắc trầm cảm tính trong toàn bộ giai đoạn từ mang thai đến sau sinh là 11,5%. Đáng tiếc, con số này đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, những người mẹ mới đôi khi lại không nhận ra hoặc không chấp nhận tình trạng “trầm cảm” của mình. Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, tôi muốn chia sẻ một số thông tin về chủ đề này với hy vọng có thể giúp những người mẹ vượt qua cơn khủng hoảng mang tên “trầm cảm thai kỳ và sau sinh”.
1- Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm thai kỳ và sau sinh
Trầm cảm là một căn bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần, có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa lý, văn hóa, trình độ học vấn, thu nhập. Nhiều người phụ nữ có nguy cơ mắc căn bệnh này trong giai đoạn mang thai hoặc sau khi sinh con vì các nguyên nhân khác nhau:
Cuộc sống căng thẳng: xuất phát từ những đòi hỏi liên quan đến công việc và vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình song song với phát triển bản thân;
Nhu cầu thể chất và cảm xúc tăng lên trong quá trình mang thai, sinh con và chăm sóc em bé: người phụ nữ phải dành nhiều thời gian, sức lực hơn trước khi mang thai, các diễn biến cảm xúc cũng phức tạp hơn;
Sự thay đổi hormone một cách đột biến (tăng 10 lần trong thai kỳ sau đó tụt dốc nhanh chóng khi em bé chào đời) kèm theo những biến đổi về cơ thể và vẻ bề ngoài;
Sự nghi ngờ năng lực làm mẹ đến từ mong muốn của chính bản thân và những người xung quanh: áp lực phải làm một bà mẹ hoàn hảo, một bà mẹ tốt…;
Mất kết nối với người thân trong gia đình, đặc biệt là chồng, trong giai đoạn bầu bí và sau sinh. Đôi khi người mẹ có cảm giác như bị tảng lờ hoặc không được lắng nghe trong các cuộc trò chuyện với người thân, dẫn đến những xung đột và căng thẳng xảy ra.
Tiền sử mắc trầm cảm trong quá khứ hoặc gia đình có người từng mắc căn bệnh này.
Mang thai ngoài ý muốn khi chưa có sự chuẩn bị về thể chất, tinh thần và tài chính;
Từng có tiền sử bị lạm dụng hay có tổn thương sâu sắc trong quá khứ.
2- Nhận biết trầm cảm ở những người mẹ như thế nào?
Trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh không phải lúc nào cũng dễ nhận biết do bị nhầm lẫn với những mệt mỏi, mất ngủ xuất phát từ quá trình mang thai và chăm sóc con, hay với tình trạng tâm lý phổ biến là “baby blues”. Một số phụ nữ chỉ có vài triệu chứng trong khi số khác có nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, các triệu chứng phổ biến của trầm cảm bao gồm:
Tâm trạng buồn bã hoặc trống rỗng dai dẳng, thường xuyên khóc lóc, vật vã;
Hay thấy khó chịu, dễ bị kích động và tức giận;
Thường có cảm giác tội lỗi, thấy bản thân vô giá trị, không có hy vọng, bất lực;
Mất đi hứng thú, niềm vui trong cuộc sống, kể cả với những thứ vốn được coi là sở thích từ trước đến giờ;
Mệt mỏi, giảm năng lượng, không muốn làm bất cứ việc gì;
Cảm thấy bồn chồn, khó ngồi yên, luôn cảm thấy lo lắng, bất an;
Khó tập trung, ghi nhớ hay đưa ra quyết định;
Khó ngủ (kể cả khi trẻ đã ngủ), thức dậy sớm vào buổi sáng rồi ngủ quên trong ngày;
Có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn bất thường dẫn đến tăng hoặc giảm cân đột biến;
Đau đầu, chuột rút, gặp phải các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, đau dạ dày… và các vấn đề này không được cải thiện ngay cả khi được điều trị;
Không có kết nối yêu thương với con hay nghi ngờ về khả năng làm mẹ của bản thân;
Mắc chứng hoang tưởng, nghĩ rằng người khác đang làm hại mình;
Suy nghĩ về cái chết, tự tử, làm hại bản thân hoặc em bé.
Một người mẹ có thể được chẩn đoán mắc trầm cảm nếu có ít nhất 5 dấu hiệu hoặc triệu chứng trở lên và kéo dài hơn 2 tuần. Mức độ và thời gian diễn ra các triệu chứng là yếu tố then chốt giúp phân biệt trầm cảm với tình trạng baby blues vốn chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.
3- Cách phòng và điều trị trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh
Có rất nhiều ngộ nhận liên quan đến trầm cảm thai kỳ và sau sinh. Nhiều người tin rằng tình trạng này chỉ được gây ra bởi sự thay đổi hormon, nhẹ hơn các loại trầm cảm thông thường khác và sẽ sớm hết sau một khoảng thời gian ngắn mà không cần can thiệp gì.
Tuy nhiên, trầm cảm trong giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng, thậm chí lên đến cả năm và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ chuyển sang trầm cảm bình thường hay dẫn đến những hậu quả khôn lường cho cả người mẹ và em bé. Nhưng có một tin vui là trầm cảm thai kỳ và sau sinh có thể phòng ngừa được, cũng có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm.
a- Các cách phòng ngừa
Việc phòng ngừa luôn được khuyến khích bới quá trình điều trị căn bệnh này khi mang thai và sau sinh thường phức tạp hơn các loại trầm cảm khác do có liên quan đến em bé. Có rất nhiều cách bạn có thể làm để ngăn ngừa căn bệnh trầm cảm trong và sau khi mang thai bao gồm:
Duy trì một lối sống lành mạnh, từ ăn uống, sinh hoạt, không sử dụng thuốc lá, rượu hay các chất kích thích khác;
Hãy suy nghĩ thực tế về những kỳ vọng của bạn dành cho bản thân và em bé;
Ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ vì mất ngủ sẽ dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý phức tạp;
Vận động thường xuyên trong và sau thai kỳ để cải thiện tâm trạng;
Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết;
Chia sẻ những lo lắng, cảm xúc với người bạn thấy tin tưởng;
Tham gia lớp học tiền sản hoặc các buổi nói chuyện với những người mẹ để được lắng nghe và nhận sự nâng đỡ, hỗ trợ cần thiết. Bạn có thể tham gia các cộng đồng chất lượng dành cho những người mẹ đang mang thai hoặc mới sinh con (Ví dụ: Mom Village - Nuôi dưỡng người mẹ mới);
Thúc đẩy kết nối trong mối quan hệ với chồng/người yêu thông qua việc trò chuyện, dành thời gian bên nhau để cả hai có sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau.
Như bạn thấy, hai trong những cách phòng ngừa trầm cảm là thúc đẩy mối quan hệ với chồng và chia sẻ những lo lắng, cảm xúc của bản thân thông qua việc giao tiếp trong gia đình. Nhiều bạn nói rằng họ cảm thấy bản thân đang có vấn đề nhưng không biết cách nói chuyện với chồng hay bố mẹ làm sao cho hiệu quả.
Để giúp đỡ những người mẹ đang gặp khó khăn trong việc trao đổi, giao tiếp trong gia đình, Hồng Anh, một coach chuyên nghiệp có chứng chỉ ICF, sắp triển khai khóa học về “Trò chuyện hiệu quả trong gia đình”. Khóa học này giúp bạn kết nối được với những người thân trong gia đình thông qua giao tiếp để từ đó chia sẻ với họ về các vấn đề của bản thân nhằm tìm hướng giải quyết kịp thời trước khi tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
b- Các cách điều trị
Trầm cảm trong và sau thai kỳ không phải là tận thế và hoàn toàn có thể chữa trị được nếu bạn và người thân có sự hợp tác cùng các chuyên gia y tế. Điều đầu tiên bạn có thể làm là thừa nhận các vấn đề mình đang gặp phải. Trong trường hợp bạn được chẩn đoán mắc trầm cảm, dù ở mức độ nào, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý trong việc điều trị. Một số cách phổ biến để điều trị căn bệnh này gồm có:
Liệu pháp nhận thức hành vi: giúp bạn nhận biết được các vấn đề, suy nghĩ, cách cư xử không bình thường để có thể phản ứng lại một số tình huống theo các cách tích cực hơn;
Liệu pháp trò chuyện: bạn sẽ tham gia các buổi nói chuyện với bác sĩ tâm thần học, chuyên gia tâm lý, nhà điều trị để đưa ra định hướng nhằm cải thiện tình trạng trầm cảm từ suy nghĩ, cảm giác và hành động.
Tham gia vào các khóa học hay các nhóm hỗ trợ về sức khỏe tâm thần để lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm, cách vượt qua căn bệnh này.
Thực hiện và duy trì các biện pháp tương tự như phòng ngừa;
Dùng thuốc chống trầm cảm: Để điều trị căn bệnh này, bác sĩ có thể kê các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Việc dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài có thể gây hại cho em bé nên thường các bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố lợi ích và nguy cơ để kê thuốc cho phù hợp. Nếu bác sĩ đã quyết định kê thuốc cho bạn, hãy sử dụng chúng vì việc không điều trị trầm cảm có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm hơn. Ngoài ra, các thuốc chống trầm cảm cần từ 6-8 tuần để phát huy tác dụng và cần thời gian lâu hơn để tránh tái phát. Do đó, điều bạn cần làm là tuân thủ đúng liều lượng được kê.
Bạn thân mến, như đã nói ở trên, trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh không phải là tận cùng của thế giới và những người mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa hoặc vượt qua nếu như được hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành từ những người thân, chuyên gia y tế, hay những người mẹ có kinh nghiệm. Vì thế, khi thấy bản thân có vấn đề, điều bạn cần làm là nói ra cho những người xung quanh biết. Phòng và điều trị trầm cảm là một quá trình cần rất nhiều sự kiên trì, nỗ lực và tình yêu thương của chính bạn dành cho bản thân mình, bạn nhé.
Chúc bạn có sức khỏe tốt với hành trình làm mẹ bình yên!
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
Becker, M. A., Weinberger, T. E., Chandy, A., & Schmukler, S. (2016). Depression During Pregnancy and Postpartum. Current Psychiatry Reports, 18(3). https://doi.org/10.1007/s11920-016-0664-7
Depression During & After Pregnancy: You Are Not Alone. (n.d.). HealthyChildren.org. https://healthychildren.org/English/ages-stages/prenatal/delivery-beyond/Pages/understanding-motherhood-and-mood-baby-blues-and-beyond.aspx
Depression During and After Pregnancy. (2023, May 1). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/reproductivehealth/features/maternal-depression/index.html
Depression during pregnancy: You’re not alone. (2022, January 25). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/depression-during-pregnancy/art-20237875
Kerr, M. (2023, March 23). Perinatal Depression. Healthline. https://www.healthline.com/health/depression/perinatal-depression
Perinatal Depression. (n.d.). National Institute of Mental Health (NIMH). https://www.nimh.nih.gov/health/publications/perinatal-depression
Postpartum depression. (n.d.). March of Dimes. https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/postpartum/postpartum-depression
Postpartum depression | Office on Women’s Health. (n.d.). https://www.womenshealth.gov/mental-health/mental-health-conditions/postpartum-depression
Postpartum depression - Symptoms and causes - Mayo Clinic. (2022, November 24). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/symptoms-causes/syc-20376617
Professional, C. C. M. (n.d.-a). Postpartum Depression. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9312-postpartum-depression
Professional, C. C. M. (n.d.-b). Prenatal Depression. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22984-prenatal-depression
Van Niel, M. S., & Payne, J. L. (2020). Perinatal depression: A review. Cleveland Clinic Journal of Medicine, 87(5), 273–277. https://doi.org/10.3949/ccjm.87a.19054
Website, N. (n.d.). Overview - Postnatal depression. nhs.uk. https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/post-natal-depression/overview