Baby blues
Bản tin #HC2327: Hiện tượng tâm lý phổ biến, rất đáng quan tâm ở phụ nữ mang thai và sau sinh.
Bạn thân mến,
Tuần này chúng ta lại gặp nhau vào thứ 7 rồi. Mấy ngày qua của bạn thế nào? Chúng ta đã nói rất nhiều về câu chuyện Well-being thai kỳ, về Mom Village nhưng tôi vẫn muốn dành khoảng thời gian này để chia sẻ với bạn nhiều hơn về khía cạnh tâm lý ở người phụ nữ trong giai đoạn mang thai và sau sinh. Trong bản tin hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một hiện tượng tâm lý vô cùng phổ biến ở phụ nữ mới sinh và ngay cả trong giai đoạn thai kỳ, chính là Baby blues.
Trong một lần nói chuyện với một người mẹ vừa mới sinh con vài ngày và trở về nhà sau mấy hôm nằm viện, bạn có chia sẻ với tôi rằng “Cả ngày hôm nay em đã khóc chị ạ. Chẳng có lý do gì đặc biệt cả, chỉ là em rất muốn khóc. Khi mọi người nói về việc em sinh mổ chưa có sữa và cho con uống sữa ngoài, em thấy mọi thứ thật kinh khủng, như kiểu mình đã làm sai điều gì. Em cảm thấy rất buồn nên nhiều lần cứ vừa ôm cho con bú vừa khóc”. Tôi đã nói với bạn: “Chị nghĩ rằng em đang trải qua baby blues”.
Baby blues là gì?
Baby blues là cảm giác buồn bã, u sầu mà bạn có thể trải qua trong những ngày đầu sau sinh. Đó còn có thể là tâm trạng lên xuống thất thường, nhạy cảm, dễ khóc, dễ bị kích động. Baby blues thường diễn ra khoảng 2-3 ngày sau khi vượt cạn hoặc trong tháng đầu tiên. Tình trạng này thường kéo dài tối đa 2 tuần và sẽ tự hết mà không cần phải điều trị gì đặc biệt. Nếu vấn đề này diễn ra lâu hơn, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để kiểm tra lại và chắc chắn rằng mình không mắc trầm cảm sau sinh.
Baby blues là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến, thường xuất hiện ở 70-85% những người mẹ mới sinh con. Tuy nhiên, gần đây các chuyên gia cũng bắt đầu đề cập đến tình trạng này ở phụ nữ đang mang thai. Baby blues có thể xảy ra ở bất kỳ người mẹ nào, không phân biệt tuổi tác, xuất thân, văn hóa, thu nhập hay trình độ nhận thức. Vì là hiện tượng tâm lý bình thường nên bạn không cần phải cảm thấy mình sai hay xấu hổ khi trải qua tình trạng này.
Nguyên nhân gây ra baby blues
Dù không khẳng định chính xác các nguyên nhân dẫn đến baby blues, nhưng giới chuyên gia vẫn đưa ra một số nhận định:
Tình trạng nội tiết tố thay đổi đột ngột sau sinh như sụt giảm hormone sinh dục nữ và hormone tuyến giáp, tăng tiết prolactine để sản xuất sữa cho em bé khiến cơ thể mẹ lại một lần nữa trải qua sự biến đổi nhằm phục vụ cho quá trình chăm sóc con. Việc thay đổi hormone nay cũng tác động lên tâm lý của những người mẹ mới, khiến mẹ dễ cảm thấy mệt mỏi và trầm cảm;
Trong tháng đầu tiên sau sinh, người mẹ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi về sinh hoạt, bắt đầu làm quen với những điều mới mẻ trong việc chăm sóc con, nhất là khi em bé ở giai đoạn này còn nhỏ, bú nhiều, giấc ngủ ngắn, thường thức dậy ban đêm. Việc không được ngủ trọn vẹn, cho con bú, sinh hoạt lộn xộn khiến người mẹ dễ bị kiệt sức và xuất hiện những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực;
Trách nhiệm to lớn về vai trò làm mẹ cùng với những lo lắng liên quan đến em bé, công việc, cuộc sống cũng khiến người mẹ cảm thấy buồn bã, căng thẳng;
Việc mang thai ngoài ý muốn khi chưa có sự chuẩn bị cũng khiến mẹ dễ rơi vào tình trạng hoang mang, hụt hẫng.
Người mẹ trải qua một thai kỳ hay cuộc vượt cạn khó khăn hoặc từng phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến thai kỳ trước đấy như sảy thai, thai lưu cũng là yếu tố nguy cơ tương đối lớn;
Các vấn đề gia đình, xã hội như mối quan hệ với bố mẹ, chồng, anh chị em, hay sự can thiệp sâu vào việc nuôi dưỡng, chăm sóc em bé, tình hình tài chính, công việc cũng có thể khiến người mẹ trở nên căng thẳng, buồn bã;
Tiền sử các vấn đề về sức khỏe tình thần cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng baby blues.
Các biểu hiện của baby blues là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của baby blues bao gồm:
Tâm trạng thất thường, hay khóc, cảm thấy lo lắng, căng thẳng, dễ cáu kỉnh, tức giận…;
Cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu ngay cả khi em bé đang ngủ;
Cảm thấy không có sự gắn kết của tình mẫu tử, không muốn dành thời gian cho con, bế con;
Gặp khó khăn khi phải đưa ra quyết định, suy nghĩ lẫn lộn, không rõ ràng;
Cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, lạc lõng hay sợ hãi, xấu hổ.
Bạn cần nhớ rằng trên đây là các biểu hiện chung cho phần lớn những người mẹ mới nhưng mỗi mẹ sẽ trải qua những cảm giác khác nhau. Triệu chứng của bạn có thể không giống với của bạn gái, em gái, chị gái hay bất cứ ai khác, cũng sẽ khác nhau trong mỗi lần mang thai và sinh con. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 10-14 ngày và thường tự hết mà không cần can thiệp hay điều trị gì.
Trong một số trường hợp, chúng ta thường khó phân biệt giữa baby blues và trầm cảm, nhưng bạn vẫn có thể tham khảo bảng so sánh sau đây:
Trong số đó, điều khác biệt nhất chính là yếu tố thời gian. Ở baby blues, các biểu hiện thường xuất hiện trong tháng đầu tiên và sẽ tự hết sau tối đa 14 ngày không cần điều trị, bạn sẽ thấy mọi thứ bình thường trở lại mà không có di chứng gì. Ngược lại, trầm cảm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong vòng một năm sau sinh, các triệu chứng sẽ kéo dài lâu hơn và cần được hỗ trợ từ bên ngoài để vượt qua.
Mẹ cần làm gì trong trường hợp trải qua baby blues?
Thông thường, baby blues sẽ tự hết mà không cần phải làm gì cả. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm một số điều sau đây để cảm thấy khá hơn:
Cố gắng nghỉ ngơi và ngủ thật nhiều để cơ thể phục hồi tốt nhất sau sinh. Bạn nên tranh thủ ngủ khi em bé ngủ;
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chồng, bố mẹ, bạn bè và nói với họ chính xác những điều bạn muốn họ làm giúp. Hãy chọn người cho bạn cảm giác thoải mái và an toàn, không can thiệp quá sâu vào cách bạn chăm sóc em bé;
Ăn uống lành mạnh và vận động nhẹ nhàng nếu có thể. Bạn có thể ra ngoài để cho đầu óc thư giãn, thoải mái, không nhất thiết phải ở trong nhà 100% thời gian sau sinh;
Dành thời gian cho bản thân và kết nối với con;
Hạn chế đặt quá nhiều kì vọng vào con hay vai trò làm mẹ của bản thân hoặc đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo;
Trò chuyện với người bạn cảm thấy tin tưởng, nói cho họ về cảm xúc mà bạn đang phải trải qua, hoặc viết ra những điều này dưới dạng nhật ký;
Kết nối với những người mẹ mới khác hoặc những người đã có kinh nghiệm làm mẹ, họ có thể nâng đỡ, hỗ trợ nhiều hơn bạn tưởng. Đây cũng là lý do chính thúc đẩy tôi thành lập cộng đồng Mom Village – Nuôi dưỡng người mẹ mới, để tạo ra không gian an toàn, lành mạnh dành cho mẹ bầu và sau sinh.
Sử dụng các liệu pháp khiến bạn cảm thấy thư giãn hơn như tắm nước ấm, mát xa cơ thể, nghe nhạc…
Ngoài ra, bạn cần ghi nhớ rằng nếu các triệu chứng của bạn nặng hơn, bạn có dấu hiệu của trầm cảm hay thời gian gặp phải baby blues kéo dài hơn 14 ngày, hãy tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia sức khỏe. Đây là điều cần thiết trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến trầm cảm.
Bạn ạ, sinh con là một trong những trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình làm mẹ. Dù trải nghiệm của bạn thế nào thì đó vẫn là một trong những cột mốc đáng ghi nhớ và bạn, với vai trò làm mẹ, xứng đáng được tuyên dương, được ôm ấp, vỗ về. Baby blues có thể chỉ là tình trạng thoáng qua, cũng có thể khiến bạn khổ sở, nhưng chính bạn mới là người biết rõ nhất mình cần được giúp đỡ thế nào. Hãy nhớ rằng cho phép người khác hỗ trợ mình cũng là một cách để yêu thương bản thân nhiều hơn, bạn nhé.
------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/postpartum/baby-blues-after-pregnancy
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/symptoms-causes/syc-20376617
https://www.inspirahealthnetwork.org/news/10-ways-giving-birth-changes-woman-physically-psychologically
https://www.healthline.com/health/baby-blues
https://www.healthywa.wa.gov.au/Articles/A_E/Emotional-health-for-parents-during-pregnancy-and-after-the-birth
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/baby-blues
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/first-year-of-life/baby-blues/
Blues, Baby. "Mood Disorders in Pregnancy." Neurology and Psychiatry of Women: A Guide to Gender-based Issues in Evaluation, Diagnosis, and Treatment (2019): 157.
Starr, Rebecca Fox. Beyond the Baby Blues: Anxiety and Depression During and After Pregnancy. Rowman & Littlefield, 2017.
https://journals.lww.com/epidem/Fulltext/2009/07000/High_Levels_of_Depressive_Symptoms_in_Pregnancy.00020.aspx
https://forwhenhelpline.org.au/parent-resources/what-is-baby-blues/