Tiêu thụ đồ uống khi mang thai
Bản tin #HC2331: Lưu ý về các loại đồ uống phổ biến và lời khuyên về việc tiêu thụ chúng trong thai kỳ của bạn.
Xin chào,
Bạn khỏe không? Chúng ta đang tiến gần đến những ngày cuối cùng của tháng 3 rồi. Hy vọng bạn vẫn cảm thấy khỏe mạnh và không quá mệt mỏi trong quá trình thai nghén của mình.
Trong một số bản tin gần đây, tôi đã nói với bạn nhiều về một chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn có thấy rằng cụm từ được nhắc đến ở đây là “ăn uống” nghĩa là bên cạnh việc ăn gì, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc uống gì. Trong số bản tin này, tôi muốn chia sẻ với bạn những thông tin cụ thể hơn về một số loại đồ uống mà bạn hay gặp trong cuộc sống, để giúp bạn đưa ra được những lựa chọn phù hợp trong thai kỳ của mình. Các loại đồ uống phổ biến bao gồm:
Rượu/bia và các loại đồ uống chứa cồn
Trà/cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine
Nước ngọt
Nước hoa quả
Sữa động vật
Sữa hạt
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những loại đồ uống này trong nội dung dưới đây nhé.
1- Rượu/bia và các loại đồ uống chứa cồn
Ở thời đại ngày nay, việc phụ nữ uống rượu bia không còn là điều gì quá xa lạ. Ngành công nghiệp đồ uống có cồn cũng bắt đầu hướng đến đối tượng chị em phụ nữ khi cho ra mắt nhiều loại rượu, bia phù hợp với khẩu vị của chị em. Các loại đồ uống chứa cồn được phụ nữ ưa chuộng như rượu vang, rượu sữa, rượu lên men từ hoa quả, bia, các loại cocktail… Bản thân tôi sống ở Pháp, xứ sở của rượu vang, cũng có nhiều đam mê với loại đồ uống này. Tuy nhiên, từ khi thả để mang thai, dù rất thích một số loại rượu nhưng tôi cũng buộc phải từ bỏ tạm thời vì những tác hại mà chúng mang lại cho thai nhi.
Các loại đồ uống chứa cồn ảnh hưởng thế nào đến em bé?
Cồn (cụ thể là Ethanol) có khả năng truyền từ máu mẹ sang thai nhi qua nhau thai. Trong khi đó, gan của em bé là một trong những cơ quan cuối cùng phát triển và đến tận những giai đoạn cuối cùng của thai kỳ vẫn chưa được hoàn thiện. Vì thế, trẻ sẽ không có khả năng chuyển hóa cồn và việc tiếp xúc với cồn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Một số tác động có thể xảy ra ngay lập tức trong thai kỳ như sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi, trẻ sinh ra nhẹ cân. Nhưng nhiều rủi ro khác chỉ xuất hiện sau khi trẻ sinh ra. Trẻ có mẹ tiêu thụ đồ uống chứa cồn trong quá trình mang thai có thể mắc “hội chứng rượu bào thai (FASD)” với các vấn đề sau:
Rối loạn khả năng học tập và hành vi;
Có vấn đề về xương khớp, cơ bắp và cơ quan nội tạng;
Gặp vấn đề về kiểm soát cảm xúc và phát triển các kỹ năng xã hội;
Tăng động;
Có vấn đề về giao tiếp như nói, trình bày;
Các vấn đề này có thể xuất hiện khi trẻ còn nhỏ hoặc cả khi trẻ đã trưởng thành bởi ảnh hưởng của cồn lên sự phát triển của trẻ được cho là lâu dài.
Lời khuyên cho nhóm đồ uống này?
Kiêng tuyệt đối! Đây là điều tôi muốn nói với tất cả những mẹ bầu, thậm chí ngay từ khi bạn có ý định thả để mang thai vì trong thực tế, nhiều bạn không biết chính xác thời điểm thụ thai là lúc nào và vô tình uống phải nhưng không biết. Cho đến thời điểm này, các chuyên gia chưa thể xác định được lượng cồn tối thiểu có thể tác động lên thai nhi bởi khả năng chuyển hóa cồn của mỗi mẹ bầu là khác nhau, cũng không thể nói được rằng uống ở thời điểm nào là an toàn. Chính vì thế, các cơ quan y tế trên thế giới đều khuyên phụ nữ có thai cần kiêng tuyệt đối rượu, bia và các đồ uống có cồn khác.
Tôi biết có những niềm tin rằng uống một chút thì không sao, nhưng một chút là bao nhiêu thì khoa học chưa kiểm chứng được. Trong một số hội nhóm mang thai mà tôi lướt qua, nhiều mẹ bầu còn có ngộ nhận là “mẹ uống bia trong ba tháng cuối thai kỳ thì con đẻ ra sẽ trắng trẻo, khỏe mạnh…”. Đây là một trong số những lầm tưởng nguy hiểm nhất nên lời khuyên của tôi dành cho bạn vẫn là “Không nên uống, dù chỉ một chút, dưới bất cứ dạng thức nào, kể cả rượu được thêm trực tiếp vào trong các món tráng miệng (mà không qua quá trình đun nấu cho bay hơi cồn)”.
Còn nếu bạn vô tình mang thai nhưng không biết mà trước đó có uống rượu/bia, bạn cũng chưa cần trầm trọng hóa vấn đề ngay để khiến bản thân căng thẳng, stress, bởi vẫn có khả năng là bạn hay em bé không gặp vấn đề gì. Trong trường hợp này, hãy cho bác sĩ biết để được theo dõi kỹ càng hơn.