Thai kỳ là một sự kiện tâm lý quan trọng
Bản tin #HC2318: Những tác động của thai kỳ đến tâm lý của phụ nữ mang thai.
Xin chào,
Tuần đầu tiên của năm Quý Mão sắp trôi qua, tôi hi vọng bạn đã có thời gian tận hưởng kỳ nghỉ Tết bên gia đình theo cách trọn vẹn nhất.
Tết vừa rồi chắc bạn nhận được nhiều lời hỏi thăm lắm phải không? Vì bạn đang mang bầu mà. Tôi mong rằng bạn sẽ cảm thấy thoải mái với chuyện này. Tuy nhiên, đôi khi bạn lại thấy có chút căng thẳng hay thậm chí lo lắng vì những sự quan tâm đặc biệt. Bạn trở nên nhạy cảm, dễ xúc động hay cáu gắt chỉ vì câu nói của một ai đó liên quan đến chuyện bầu bí của mình. Nhưng bạn có biết những cảm xúc như vậy thực ra rất bình thường trong thai kỳ không?
Bởi mang thai, nhất là lần đầu tiên, đại diện cho một sự kiện tâm lý quan trọng và phức tạp trong cuộc đời người phụ nữ.
Thai kỳ ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của phụ nữ?
Đầu tiên, khi bắt đầu mang thai, cơ thể bạn sẽ gặp nhiều biến đổi về mặt thể chất trong cả 3 kỳ tam cá nguyệt. Những triệu chứng ốm nghén xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất có thể khiến bạn vô cùng khó chịu, trong khi đó việc bụng to lên làm cản trở sinh hoạt hàng ngày hay vấn đề mất ngủ khi mang thai khiến bạn mệt mỏi hơn. Những thay đổi này đa phần sẽ tác động lên tinh thần của mẹ bầu khá nhiều.
Đi kèm với các biến đổi về cơ thể là những nỗi sợ thường trực liên quan đến thai kỳ như sợ sảy thai, sợ sinh non, sợ con bị dị tật hay kém phát triển… Các nỗi sợ này thường khiến mẹ bầu dễ rơi vào trạng thái bất an, lo lắng.
Tiếp đó, bên cạnh các vấn đề liên quan đến thể chất, một trong những thay đổi lớn nhất mà mẹ bầu phải đối mặt khi mang thai là vị trí của mình trong xã hội. Thai kỳ chính là khởi đầu cho hành trình làm mẹ, nên khi mang thai, đa phần phụ nữ sẽ có cảm giác mình đang gánh trên vai một trọng trách mới. Điều này xuất phát từ bản năng làm mẹ trong tiềm thức của người phụ nữ cùng với trách nhiệm của một người mẹ dưới góc nhìn của xã hội.
Vì thế, dù là từ phía bạn hay từ những người ngoài, bạn sẽ luôn có một áp lực vô hình về việc phải làm tốt vai trò của mình, bảo vệ con yêu bằng mọi giá và dành những thứ tốt nhất cho con.
Cuối cùng, giai đoạn mang thai thường kéo theo rất nhiều sự chuẩn bị để đón bé yêu chào đời. Có thể là việc chuyển nhà đến không gian mới rộng hơn, sơn sửa nhà cửa để làm phòng cho bé, mua sắm đồ dùng cho con trước khi vượt cạn… tất cả những việc làm này đều có thể khiến bạn bị stress nhiều hơn khi nghĩ đến.
Những diễn biến cảm xúc, tâm lý mẹ bầu có thể đối mặt
Vì những lý do trên, khi mang thai, bạn có thể gặp phải những thay đổi liên quan đến cảm xúc như sau:
Lo lắng, hồi hộp: bạn thấy mình dễ lo lắng, sợ hãi về đủ thứ từ những việc rất nhỏ như ăn cái này có ảnh hưởng đến thai nhi không, đến những việc lớn hơn như quá trình vượt cạn sẽ diễn ra thế nào. Nhiều người gặp khó khăn trong việc kiểm soát loại cảm xúc này dù biết rằng vấn đề có thể không quá nghiêm trọng. Thực tế, đây đều là những cảm xúc khá bình thường, giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc sinh con và làm mẹ. Tuy nhiên, ở một số người, lo lắng có thể trở nên thái quá và tồi tệ, dẫn đến căng thẳng kéo dài, gây ảnh hưởng đến thai kỳ.
Tâm trạng lên xuống thất thường: đây là vấn đề thường gặp ở mẹ bầu. Mới lúc trước, vẫn còn đang rất vui vẻ, một phút sau bạn đã cảm thấy buồn bã, chán nản, tức giận. Việc lên xuống cảm xúc liên tục trong một thời gian ngắn đôi khi khiến bạn quá tải và bộc phát thành những hành động ngoài kiểm soát của bản thân như bật khóc nức nở, tức giận, cãi nhau với chồng, la hét với con…
Suy giảm trí nhớ: bạn thấy mình dễ quên một thông tin hay một việc cần làm, hoặc đang làm việc này lại bỏ sang việc khác mà không ý thức được. Hiện tượng này thường xuất phát từ việc bạn phải đối mặt với quá nhiều thay đổi, cả thể chất lẫn tinh thần, thường xuyên lo lắng dẫn đến kém tập trung khi làm việc.
Tự ti về vẻ bề ngoài: nhiều phụ nữ bắt đầu có cảm xúc tự ti khi bụng mình to lên, trên cơ thể xuất hiện những vết rạn, mặt có nhiều mụn hay chỉ đơn giản là thấy mình bớt xinh đẹp so với trước kia. Đây có thể là vấn đề nhỏ với nhiều mẹ bầu nhưng với một số khác, cảm giác tự ti này kéo theo những tình huống tồi tệ khác như việc không chấp nhận được bản thân mình, thường xuyên cảm thấy buồn bã, xấu hổ…
Trầm cảm thai kỳ: đặc biệt, khi những cảm xúc, tâm trạng phía trên trở nên trầm trọng hơn mà không được xử lý kịp thời, bạn có nguy cơ mắc phải trầm cảm. Ước tính rằng cứ 10 phụ nữ thì có một người bị trầm cảm trước khi sinh. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý này có thể đến từ việc mẹ bầu từng có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước đó, hoặc đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong công việc, gia đình, các mối quan hệ, hay bạn cảm thấy không nhận được đủ sự chăm sóc, hỗ trợ cần thiết…
Làm sao duy trì được sức khỏe tâm thần tốt trong suốt thai kỳ?
Để có được trạng thái tâm lý ổn định xuyên suốt 9 tháng có thể là điều khó khăn với bạn nhưng vẫn có nhiều cách giúp bạn cải thiện tinh thần của mình trong giai đoạn này như:
Duy trì việc chăm sóc sức khỏe thể chất một cách chủ động như ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, ngủ nghỉ điều độ, thăm khám định kỳ đầy đủ…
Hạn chế thực hiện những thay đổi lớn trong giai đoạn này như chuyển nhà, chuyển việc vì chúng sẽ khiến bạn có thêm nhiều mối bận tậm;
Giảm bớt sự kỳ vọng vào bản thân vì suy nghĩ phải trở thành một người mẹ hoàn hảo có thể khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng nhiều hơn;
Dành thời gian với những người khiến bạn cảm thấy thoải mái, hoặc dành thời gian riêng cho chính bạn để làm những việc mà bạn yêu thích;
Tạo kết nối với những cha mẹ tương lai khác để có thể hỗ trợ lẫn nhau nhưng tuyệt đối không so sánh bản thân với những mẹ bầu khác hay em bé của mình với những em bé khác:
Chấp nhận và tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh như chồng, bạn bè, người thân, bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tinh thần… khi cần thiết.
Bạn thấy đấy, thai kỳ không phải lúc nào cũng tuyệt vời và có thể tận hưởng một cách dễ dàng. Vì vậy, nếu bạn cần một người đồng hành, tôi luôn ở đây để sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ bạn khi cần thiết.
Ngoài ra, nếu cần một người để lắng nghe và giúp đỡ nhiều hơn ở khía cạnh tinh thần, bạn có thể tìm gặp Dương Cao, một coach chuyên hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh về Well-being. Dương cũng có một bản tin chuyên sâu về chủ đề này với cái tên “Mommy As Coach” dành cho những người đang và sắp làm mẹ muốn ứng dụng coaching để chăm sóc, thấu hiểu chính bản thân mình, từ đó cải thiện được cả 3 yếu tố “thân, tâm, trí”. Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin về Dương ở website https://duongcao.vn/ nhé!
Tôi mong rằng bạn sẽ luôn tìm được sự giúp đỡ cần thiết khi mang thai, dù ở khía cạnh thể chất hay tinh thần.
Chúc bạn mọi điều tốt đẹp!
-----------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/mental-wellbeing-during-pregnancy
https://www.psychreg.org/psychological-effects-of-pregnancy/
“Sổ tay mẹ bầu” đã được gửi đến những bạn đăng ký vào thứ 2 tuần trước. Form đăng ký sẽ vẫn được mở đến hết mùng 8 Tết (29/01) nên nếu bạn muốn nhận ebook thì đừng ngại điền vào form này nhé. Tôi sẽ gửi chúng đến bạn trong một ngày đầu tuần sau.