Thai kỳ - Bước ngoặt trong hành trình sức khỏe của phụ nữ
Bản tin #HC2201: Kể cả khi bạn đang không mang thai hay không có ý định mang thai, đây vẫn là một bản tin dành cho bạn.
Xin chào,
Vậy là chúng ta đã bước sang những ngày đầu tiên của tháng 11, tháng áp chót của năm. Tôi hy vọng bạn luôn cảm thấy khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng cho công việc và cuộc sống.
Hôm nay cũng là ngày bản tin đầu tiên của Her Care được gửi đến bạn, để cùng bạn bước vào hành trình chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Bản tin này nói về một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ - Thai kỳ. Để hiểu tại sao chuỗi bản tin nói về giai đoạn này và những lợi ích bạn có thể nhận được, hãy đọc những nội dung chúng tôi chia sẻ phía dưới nhé!
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tổng tỷ suất sinh của thế giới trong năm 2020 là 2,4 còn tỷ lệ này ở Việt Nam là 2,01. Tổng tỷ suất sinh (TFR) là số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh sản của mình (nếu không có sự kiện gì làm giảm tuổi thọ của cô ấy). Nói dễ hiểu, con số này cho thấy trung bình mỗi phụ nữ ở Việt Nam sinh ra 2 đứa trẻ, hay theo một cách khác, đều trải qua ít nhất một lần mang thai trong cuộc đời. Đây là nguyên nhân khiến thai kỳ luôn là chủ đề được quan tâm của chị em phụ nữ.
Thực tế, mang thai được coi là giai đoạn vô cùng quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ vì hai lý do chính sau đây.
1) Thai kỳ làm thay đổi cơ thể của người phụ nữ.
Trong suốt quá trình mang thai, tác động của sự biến đổi hormone và việc có một (hoặc nhiều) em bé ngày càng lớn lên trong bụng khiến cơ thể bạn có nhiều thay đổi so với trước khi mang bầu, từ cân nặng, ngoại hình, làn da, mái tóc… hay những biến đổi từ các cơ quan bên trong như hệ tiêu hóa, tiết niệu…
Chưa kể việc mang thai và sinh con là một hành trình mang nhiều rủi ro cho sức khỏe người phụ nữ. Dân gian ta vẫn có câu “cửa sinh là cửa tử” để nói về mức độ nguy hiểm khi phụ nữ vượt cạn. Thực tế, rủi ro tồn tại trong toàn bộ thai kỳ cho đến hết thời gian ở cữ. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu dễ mắc một số bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì… và đối mặt với nguy cơ tiền sản giật lúc sinh con. Tại thời điểm sinh và cả sau đó, những nguy cơ về mất máu, nhiễm trùng, băng huyết… ở người mẹ luôn tồn tại.
Cuối cùng, những di chứng từ việc mang bầu và ca sinh nở đối với người phụ nữ như sa nội tạng, són tiểu, đau lưng, giảm trí nhớ… có thể xuất hiện và kéo dài trong suốt nhiều năm về sau. Trong một bài báo của Đại học Y khoa Harvard, tác giả Maureen Salamon viết “Một khi bạn từng sinh con, bạn sẽ mãi ở trong giai đoạn hậu sản” để nói về tác động của thai kỳ lên sức khỏe của người phụ nữ về lâu dài.
2) Thai kỳ làm thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe.
Trước khi bắt đầu tạo ra bản tin này, chúng tôi có làm một khảo sát nhỏ trong đó nhiều bạn chia sẻ rằng mình bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của bản thân khi có ý định mang thai, đang mang thai hay sau khi sinh con. Cũng theo kinh nghiệm của các chuyên gia, thai kỳ thường và nên là cơ hội để theo đuổi những thói quen có lợi cho sức khỏe về lâu dài, vì đây là giai đoạn người phụ nữ có ý thức hơn về vai trò của việc chăm sóc sức khỏe đối với chính bản thân và đứa con trong bụng. Các thói quen này cũng giúp giảm thiểu rủi ro tiền sản và di chứng hậu sản. Sau đây là 6 khía cạnh thường được thay đổi khi bạn biết mình mang thai:
i. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Chắc hẳn bạn từng nghe đến những cụm từ như “Ăn uống lành mạnh” hay “Dinh dưỡng lành mạnh”. Chính xác “lành mạnh” là chế độ ăn uống mà một mẹ bầu nên áp dụng để có đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân và em bé trong suốt thai kỳ. Vậy như thế nào được coi là “lành mạnh”?
Sẽ có một bài viết riêng chi tiết về chủ đề này trong những số tiếp theo nhưng ở bản tin này, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn vài điểm mà phụ nữ có thai thường làm để có một chế độ ăn uống lành mạnh khi biết mình mang thai.
Nghĩ về các bữa ăn: bao nhiêu bữa một ngày, vào thời điểm nào, số lượng thức ăn trong mỗi bữa là bao nhiêu? Có thể bạn sẽ tự hỏi bản thân xem việc thường xuyên bỏ bữa sáng hay ăn uống qua loa vào bữa trưa có tốt cho sức khỏe không? Thực tế, nhiều phụ nữ bắt đầu nghĩ đến điều này và quyết định thay đổi các bữa ăn khi mang thai.
Quan tâm đến chất lượng thực phẩm hàng ngày: Ở đây, chúng tôi không bàn đến “chất lượng” ở khía cạnh nguồn gốc hay giá thành thực phẩm, mà muốn nói đến giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Nếu như trước kia, bạn có thói quen chỉ ăn những gì mình thích như đồ ngọt, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ hay các món nướng ướp đủ phụ gia… thì khi mang thai bạn thường cân nhắc đến lượng dinh dưỡng nên thu nạp hàng ngày để từ đó quyết định ăn gì có lợi cho mẹ và bé.
Chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm: để bảo vệ con yêu khỏi nhiễm các loại vi khuẩn và virus có trong thức ăn.
Uống đủ nước: cũng là thói quen tốt mà bạn sẽ cần duy trì, đặc biệt trong thai kỳ, thay vì chờ đến khi khát mới uống như nhiều người vẫn nghĩ.
ii. Loại bỏ các chất độc hại khỏi bản thân và môi trường
Mang thai là lúc bạn đang mang trong bụng một hoặc nhiều sinh mệnh “yếu đuối” theo đúng nghĩa đen vì thai nhi rất dễ bị tác động bởi các hóa chất độc hại đến từ bên ngoài, vì thế đây chính là lý do để bạn thay đổi một số thói quen nhất định. Nếu trước kia bạn thích uống rượu/bia, hút thuốc, thì thai kỳ là lúc bạn nên từ bỏ. Việc uống nhiều caffeine khi làm việc, dùng thuốc và mỹ phẩm vô tội vạ cũng cần được giảm thiểu khi mang thai. Không chỉ các yếu tố thuộc về cá nhân bạn, những thứ độc hại trong môi trường như khói thuốc, bụi, hóa chất… cũng nên được cân nhắc để loại bỏ dần.
iii. Vận động thường xuyên
Bạn có thể là một người lười vận động hoặc không có thời gian để tập thể dục nhưng lại nhận được lời khuyên là nên “đi bộ nhiều cho dễ đẻ”. Việc đi bộ có giúp sinh con dễ dàng hơn không vẫn là điều đang được các chuyên gia sức khỏe tranh luận, nhưng chắc chắn việc vận động trong thai kỳ luôn được khuyến khích. Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, yoga, bơi, đi bộ… được khuyên cho bà bầu để tăng cường lưu thông máu và giúp kiểm soát cân nặng trong thai kỳ vì việc tăng cân quá mức có thể dẫn đến những tác động không mong muốn cho mẹ bầu và thai nhi. Vì thế, phụ nữ xoay quanh giai đoạn này thường thay đổi thói quen vận động của mình.
iv. Ngủ nghỉ điều độ
Nếu bạn là người ham làm việc hoặc có thường thức khuya thì giai đoạn mang thai chính là lúc bạn nên xem xét lại chế độ nghỉ ngơi và giấc ngủ để đảm bảo cơ thể không bị mệt mỏi trong suốt thai kỳ.
v. Thăm khám y tế thường xuyên
Thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể được hình thành ngay từ khi bạn dự định mang thai đến sau khi sinh con. Thói quen này nên được duy trì đều đặn hàng năm để giúp bạn tầm soát các vấn đề sức khỏe; từ đó phòng bệnh hay chữa bệnh (nếu có) sớm nhất có thể.
vi. Quan tâm đến sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tâm thần là một trong những yếu tố ít được quan tâm trong đời sống hàng ngày của người Việt, đặc biệt là phụ nữ. Chỉ khi gặp một số vấn đề như rối loạn lo âu hay trầm cảm trong giai đoạn mang thai và sau sinh, yếu tố tinh thần mới được chú ý đến.
Tóm lại, thai kỳ là giai đoạn bước ngoặt trong hành trình sức khỏe vì nó tác động đáng kể lên cơ thể người phụ nữ nhưng đồng thời cũng là lúc để thay đổi các thói quen mà bình thường bạn ít để tâm nhưng khi mang bầu hoặc có kế hoạch sinh con, bạn sẽ muốn thực hiện chúng. Thế nhưng, bạn cần biết rằng không chỉ khi có thai, những thói quen này vẫn nên được thực hiện càng sớm càng tốt cho đến tận khi về già vì những lợi ích mang lại cho sức khỏe.
Đây cũng chính là lý do mà tôi bắt đầu chuỗi bản tin với những nội dung liên quan đến thai kỳ vì phần lớn những hướng dẫn chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ có thai cũng có thể được áp dụng ngay cả trong thời điểm trước và sau sinh.
Hãy tiếp tục theo dõi bản tin Her Care để đón nhận những điều bổ ích nhé!
--------
Tài liệu tham khảo:
1. The World Bank. (2020). Fertility rate, total (births per woman). Link: https://data.worldbank.org/indicator/SP.DYN.TFRT.IN
2. Salamon M. (2022, August 1). Pregnancy’s lasting toll. Harvard Health Publishing (Harvard Medical School). Link: https://www.health.harvard.edu/womens-health/pregnancys-lasting-toll
Tôi nghe mẹ tôi bảo hồi đấy gần nhà có nổi cô đam mê chạy bộ và bơi lội tới ngày đi đẻ có vẻ suôn sẻ lắm không bị gò đau nhiều mà lên bàn đẻ là ra luôn.