Kế hoạch sinh con
Bản tin #HC2340: Bạn mong muốn điều gì cho khoảnh khắc vượt cạn của mình?
Bạn thân mến,
Mấy hôm nay, thời tiết ở chỗ bạn thế nào, nắng gắt hay mưa rào? Tiết trời tháng 5 năm nay thật lạ, mới tuần trước ở chỗ tôi còn nắng mà tuần này đã mưa cả tuần. Thời tiết thay đổi như vậy, cũng khiến sức khỏe và tâm trạng thay đổi theo, nhất là với bạn nào đang mang thai nữa.
Cuối tuần vừa rồi, vì trời mưa nên tôi không ra ngoài nhiều. Thay vào đó, tôi dành thời gian để đọc sách, xem lại vài trang nhật ký và soạn những giấy tờ hồi mang thai và sinh con. Những giấy tờ này gồm kết quả xét nghiệm máu, hình ảnh siêu âm, hồ sơ đẻ… mà tôi luôn lưu giữ cẩn thận như một cách ghi nhớ về hành trình mang thai của mình. Khi mở tập hồ sơ ra, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là bản “Kế hoạch sinh con” mà tôi viết hồi mang bầu 8 tháng. Đọc lại những dòng chữ viết lúc bấy giờ, tôi lại thấy nghẹn ngào khi nhớ lại hành trình mà mình đã trải qua cách đây 4 năm. Vì thế, tôi muốn chia sẻ cho bạn một số thông tin để bạn có thể viết ra một bản kế hoạch sinh con của chính mình.
Kế hoạch sinh con là gì?
Kế hoạch sinh con là bản tổng hợp những điều mà bạn mong muốn làm được hay nhận được trong quá trình chuyển dạ và vượt cạn, bất cứ điều gì mà bạn cho rằng sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái trong khoảng thời gian đó và an toàn cho con yêu. Thông thường bản kế hoạch sinh được các mẹ bầu viết ra trong khoảng từ 32-36 tuần của thai kỳ. Để viết ra bản kế hoạch này, mẹ bầu sẽ cần tìm hiểu trước các kiến thức liên quan đến việc vượt cạn để đưa ra lựa chọn của mình khi còn sớm bởi ở thời điểm chuyển dạ, các cơn đau sẽ khiến bạn không nghĩ được nhiều điều.
Sau khi hoàn thành, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh phụ trách theo dõi sức khỏe và ca sinh của bạn về kế hoạch này, để họ nắm được mong muốn từ phía bạn. Việc làm này giúp bác sĩ có được ý tưởng, định hướng cụ thể cho quy trình sinh của bạn.
Bạn sẽ viết gì trong bản kế hoạch sinh con của mình?
Để viết ra được bản kế hoạch này, ngoài việc có kiến thức về sinh con, bạn cần lắng nghe tiếng nói bên trong để hiểu xem đâu là mong muốn thực sự của bạn, từ đó trả lời một số câu hỏi sau:
Bạn muốn sinh con ở đâu? Môi trường sinh là một trong những yếu tố được các mẹ quan tâm ngay từ những ngày tháng đầu tiên. Bạn muốn sinh con ở nhà, ở viện công hay viện tư, trong một phòng sinh có những mẹ khác hay ở không gian riêng tư chỉ có bạn? Quyết định này thường bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí vì đương nhiên sinh trong phòng riêng ở viện tư sẽ đắt hơn ở viện công rồi. Nếu bạn có ý định sinh con tại nhà, bạn cần tìm hiểu kĩ xem tình trạng sức khỏe có cho phép không, bạn sẽ cần chuẩn bị những gì để việc sinh con tại nhà diễn ra an toàn, thuận lợi, các biện pháp ứng phó trong trường hợp khẩn cấp khi việc sinh con tại nhà không diễn ra như ý muốn.
Bạn muốn sinh con bằng hình thức nào? Bạn muốn được đẻ thường hay đẻ mổ đặt hẹn trước. Nếu đẻ thường, bạn có lựa chọn hình thức nào đặc biệt không? Gần đây, mình được nghe một người bạn ở Sài Gòn kể về trải nghiệm tuyệt vời của bạn khi sinh con dưới nước. Bạn đã nói rằng đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất mà bạn từng trải qua trong cuộc đời.
Ai là người sẽ ở bên bạn lúc sinh? Việc cho phép người nhà vào phòng sinh là tùy thuộc từng bệnh viện. Nhưng nếu được chọn, bạn muốn người đó là ai: chồng, mẹ đẻ, chị gái hay một cô bạn thân? Đây nên là người bạn tin tưởng và sẽ dành cho bạn nhiều sự động viên, vỗ về trong quá trình vượt cạn đầy khó khăn.
Các biện pháp can thiệp trong quá trình sinh: Bạn có muốn gây tê màng cứng không? Bạn có muốn sử dụng các biện pháp đẩy nhanh quá trình chuyển dạ trong lúc sinh như tiêm oxytocin, chọc ối… không? Bạn muốn bác sĩ rạch tầng sinh môn chủ động khi em bé chui ra hay để rách tự nhiên? Bạn có cho phép bác sĩ dùng các dụng cụ hỗ trợ như kẹp forcep hoặc cốc hút (ventouse) để lôi em bé ra khỏi bụng không?
Các hoạt động ở thời điểm em bé được sinh ra: Ai là người cắt dây rốn cho em bé? Bạn có muốn da tiếp da với con ngay lập tức không hay để chồng làm việc đó? Bạn có muốn con được mang đi tắm luôn không hay để sau? Bạn muốn cho con bú mẹ hay sữa công thức? Ở một số bệnh viện, nếu bạn không nói gì, điều dưỡng có thể mang em bé đi, tắm rửa sạch sẽ và cho bé bú sữa công thức luôn trong khi điều bạn muốn là được ôm con vào lòng, cho con da kề da và bú những giọt sữa đầu tiên chảy ra từ ngực mẹ.
Ngoài một số gợi ý của tôi ở trên, bạn có thể nghĩ ra một số điều khác nữa muốn thực hiện trong quá trình sinh. Hãy cứ ghi lại mong muốn của bạn và thảo luận với chồng hay bất cứ người thân nào mà bạn tin tưởng. Người được bạn chọn ở bên trong quá trình sinh cũng nên được biết về bản kế hoạch này để có thể nói với bác sĩ trong trường hợp bạn quá đau và không nói được rõ ràng.
Tuy nhiên, khi lập ra bản kế hoạch sinh này, bạn cần nhớ rằng những điều được ghi ra chỉ là mong muốn của bạn. Sẽ luôn có những điều không dự đoán được, nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn như tình trạng sức khỏe của thai nhi và chính bạn ở thời điểm sinh. Do đó, bạn cần hiểu được rằng bản kế hoạch mà bạn viết ra có thể bị thay đổi hoặc không thực hiện được ở phút chót và bạn cần chấp nhận sự thay đổi đó cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này sẽ giúp bạn đỡ cảm thấy hụt hẫng khi chẳng may mong muốn của mình không đạt được.
Vậy là, với gợi ý của tôi, bạn có thể đã hoàn thành xong bản kế hoạch sinh của mình hoặc bắt đầu nghĩ về nó. Sau khi xong bản kế hoạch sinh, bạn cũng nên nghĩ đến bức tranh làm mẹ mà mình sẽ có sau đó bởi hành trình làm mẹ gian nan chỉ thực sự diễn ra sau thời điểm vượt cạn. Nếu bạn còn chưa biết làm cách nào để vẽ ra bức tranh làm mẹ của mình, hãy tham dự buổi workshop offline “Khám phá người mẹ bạn muốn trở thành” do Mom Village – Nuôi dưỡng người mẹ mới tổ chức vào thứ 7 tới đây (ngày 13/5) nhân dịp ngày của mẹ.
Khi tham gia workshop này, bạn sẽ thu về được những điều sau:
Tìm thấy được giá trị của bản thân;
Nhìn ra hình ảnh người mẹ mà bạn hướng tới;
Nhận ra và biết cách tận dụng được các sức mạnh và nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài để cân bằng được vai trò làm mẹ của mình.
Ngoài những giá trị chính như trên, bạn còn có cơ hội nhận được một số thứ sau đây từ chương trình:
Tham gia vào hoạt động kết nối offline được dẫn dắt bởi các host chuyên nghiệp trong một không gian xanh và yên bình, gắn với thiên nhiên;
Được hướng dẫn để tự tay làm đồ blessing - sản phẩm lưu niệm giúp bạn ghi nhớ hành trình mang thai;
Nhận được phần quà đặc biệt vào cuối chương trình khi ra về;
1 voucher trị giá 500,000 VNĐ cho khóa tập Yoga bầu/Yoga sau sinh từ HLV Yoga Tulasi Hoài Trang (có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Yoga cho mẹ bầu và sau sinh);
Suất đọc bản tin trả phí "Her Care" về Sức khỏe thai kỳ của tôi trong vòng 1 tháng;
Cơ hội nhận được 1 phiên coach hoặc tư vấn sức khỏe miễn phí kéo dài 40 phút từ 1 trong 2 founder của Mom Village sau khi kết thúc workshop.
Tôi mong rằng bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ buổi workshop này.
Chúc bạn mọi điều tốt lành!
Hẹn sớm gặp bạn nhé!
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://bmcpregnancychildbirth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12884-022-05199-5
https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/preparing-for-the-birth/how-to-make-a-birth-plan/
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/servicesandsupport/developing-a-birth-plan
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/birth-plan/
https://healthy.kaiserpermanente.org/content/dam/kporg/maternity/pdf/birth-plan-2.pdf
https://www.acog.org/womens-health/health-tools/sample-birth-plan
https://www.babycenter.com/pregnancy/your-body/calculators-birthplan_10328792
https://www.sutterhealth.org/pdf/services/pregnancy-childbirth/smcs-birth-preferences-2017.pdf