Những thử thách trên hành trình nuôi con sữa mẹ
Bản tin #HC2355: Một số khó khăn cản trở ý định nuôi con bú của mẹ.
Bạn thân mến,
Hôm qua, buổi Livestream với chủ đề Dinh dưỡng khi nuôi con sữa mẹ đã được tôi thực hiện cùng với bạn Huấn luyện viên Dinh dưỡng Diệu Hằng nhằm trả lời một số thắc mắc của các mẹ trong Mom Village. Bạn có thể xem lại được nếu không kịp theo dõi nhé.
Cũng tuần lễ vừa rồi, tôi đã khuyến khích các mẹ trong Mom Village chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm của mình trên hành trình cho con bú. Từ những câu chuyện được kể, tôi nhận ra rằng có rất nhiều thử thách mà một người mẹ có thể gặp phải khi nuôi con sữa mẹ. Dinh dưỡng chỉ là một khía cạnh. Còn nhiều yếu tố khác liên quan đến thể chất và tinh thần cũng trở thành rào cản của việc nuôi con bú bằng sữa mẹ. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ một số khó khăn mà các mẹ có thể gặp phải nhé!
Đau đầu ti
Đây là tình huống mà tôi từng gặp phải khi sinh An một hai ngày. Đầu ngực của tôi lúc đó trở nên cứng và đau. Mỗi lần con bú là đau kinh khủng, nhiều khi tôi cảm giác cơn đau khiến mình tê dại, chẳng còn cảm giác gì.
Việc đau đầu ti thường do em bé mới sinh chưa biết ngậm đúng khớp. Thay vì ngậm toàn bộ phần nhũ hoa thâm, trẻ chỉ mút mát đầu ti bên ngoài. Việc sai khớp ngậm khiến đầu ti có thể bị khô, nứt nẻ hay toét da, chảy máu.
Để hạn chế tình trạng này, mẹ cần tập cho bé ngậm đúng khớp. Tuy nhiên, khi cơn đau đã diễn ra, bạn có thể khắc phục bằng các cách sau:
Dùng dầu thực vật hoặc kem dưỡng ẩm được chứng nhận an toàn cho trẻ sơ sinh để bôi vào đầu ti nhằm giảm tình trạng nứt nẻ;
Nếu bạn bị đau và sử dụng máy hút sữa, hãy thử các cỡ khác nhau của cốc hứng và chọn hút ở mức độ vừa phải để tránh đau ngực;
Nếu quá đau, bạn có thể chườm ấm sau khi hút.
Căng tức sữa
Tình trạng này thường xảy ra vài ngày sau sinh, khi sữa bắt đầu về làm ngực bạn căng cứng như cục đá. Đôi khi, bạn có thể sốt nhẹ. Việc ngực căng cứng cũng khiến em bé khó bú hơn. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, tình trạng này sẽ hết sau khoảng một tuần khi em bé đã làm quen dần với việc bú.
Một số cách bạn có thể làm để cải thiện tình trạng này như:
Cho trẻ bú thường xuyên;
Vắt một ít sữa bằng máy hoặc bằng tay để làm mềm ngực trước khi cho bé bú;
Mát xa ngực, chườm ấm hoặc tắm nước ấm trước khi cho bé bú và chườm mát sau khi cho bú xong.
Quá trình sản xuất sữa chậm
Sữa mẹ thường về trong khoảng 72 giờ sau khi sinh nhưng với một số mẹ, quá trình này diễn ra chậm hơn vì một số nguyên nhân như tác động của hormon, quá trình sinh khó và kéo dài, sinh mổ, tổn thương ngực, dùng thuốc.
Việc sữa về chậm thường khiến người mẹ bị căng thẳng bởi trẻ không có sữa mẹ để bú và bị đói dẫn đến xuống cân. Đây là một trong những lý do khiến người mẹ quyết định cho con uống sữa công thức và dừng bú mẹ vì ở thời điểm mới sinh, cơ thể mệt mỏi kèm theo căng thẳng khiến người mẹ càng trở nên sốt ruột khi con khóc vì đói.
Trong trường hợp này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sữa mẹ để được hướng dẫn. Nếu trẻ tiếp tục giảm xuống dưới 10% cân nặng lúc sinh, bạn có thể cân nhắc bổ sung cho trẻ sữa ngoài như sữa công thức, xin sữa từ mẹ khác hoặc từ ngân hàng sữa mẹ.
Sản xuất ít sữa
Thông thường, số lượng sữa tiết ra sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của trẻ. Trẻ bú càng nhiều thì sữa tiết ra càng nhiều. Trên thực tế, điều này không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng. Nhiều trẻ bú ít hơn những trẻ khác trong giai đoạn đầu, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, do chúng nhanh cảm thấy mệt khi bú và cần ngủ nhiều. Khi trẻ bú ít, não sẽ nhận được tín hiệu và giảm bớt việc sản xuất sữa. Do đó, bạn nên gặp chuyên gia sữa mẹ để được tư vấn trong trường hợp này.
Nhiều mẹ sẽ có cảm giác là trẻ vẫn bú thường xuyên nhưng sữa được sản xuất vẫn không đủ. Thực ra, điều này là hoàn toàn có thể bởi quá trình cho con bú không phải lúc nào cũng hoàn hảo với tất cả mọi người. Nếu bé cần ăn thêm nhưng khi bú lại không đủ no, bạn có thể cho trẻ uống thêm sữa mà bạn đã hút ra trước đấy, sữa được cho hoặc sữa công thức. Nuôi con bằng sữa mẹ không có nghĩa là phải cho bú trực tiếp 100% nên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cách thức phù hợp nhất với bản thân mình.
Đầu ti thụt hoặc phẳng
Nhiều mẹ có đầu ti thụt hoặc phẳng khiến bé khó ngậm ti. Tình huống này thường xảy ra trong khoảng thời gian đầu cho con bú, trẻ lúc này còn nhỏ, chưa ngậm núm vú đúng cách nên với những mẹ có đầu ti thụt/phẳng, việc này càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, biết cách ngậm núm vú và bú mạnh hơn, vấn đề này thường sẽ hết.
Ban đầu, bạn có thể sử dụng miếng lót hình núm vú bằng nhựa dẻo và áp vào bầu vú để cho trẻ bú qua đấy. Sau một thời gian sử dụng, đầu ti của bạn có thể được kéo ra ngoài. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng bơm hút sữa (bằng máy hoặc bằng tay) trước khi cho trẻ bú vì bơm hút có thể giúp kéo đầu ti ra. Nếu bạn có khó khăn với đầu ti của mình, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia sữa mẹ.
Phẫu thuật ngực
Vì một số lý do, nhiều mẹ phải phẫu thuật ngực trước khi sinh con. Kích thước của ngực có thể bị nhỏ đi hoặc mở rộng khiến vị trí núm vú thay đổi, lượng sữa sản xuất ra ít hơn. Một số mẹ khác phải phẫu thuật một bên ngực để điều trị ung thư vú. Việc cho con bú vì thế bị ảnh hưởng nhưng không đồng nghĩa với việc không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn hoàn toàn có thể nói chuyện với bác sĩ của bạn hoặc chuyên gia sữa mẹ để tìm ra cách tốt nhất. Có thể, bạn không cho bé bú được 100% nhưng vẫn nuôi con bằng sữa mẹ được một phần.
Tắc tia sữa
Mẹ có thể gặp tình trạng tắc tia sữa trong cả hành trình nuôi con bú. Trong đa số trường hợp, tình trạng này có thể hết sau 1-2 ngày nếu bạn tiếp tục cho con bú bình thường. Ngược lại, nếu sau 1-2 ngày, tình trạng không khá hơn hoặc thậm chí tệ đi, bạn nên gọi điện cho bác sĩ.
Trong khoảng thời gian đó, bạn có thể thử một số mẹo sau để cải thiện tình hình:
Tắm nước ấm hoặc chườm ấm ở chỗ cục sữa tắc;
Cho trẻ bú với bên ngực bị tắc trước, càng lâu càng tốt;
Mát xa chỗ cục tắc trong lúc trẻ bú;
Sử dụng máy hút sữa để hút kiệt sữa ra sau khi trẻ bú xong;
Sử dụng máy mát xa hoặc đầu bàn chải đánh răng bằng điện để mát xa vùng ngực bị tắc tia sữa;
Thử tư thế bú khác để xem có giúp loại bỏ chỗ tắc dễ dàng hơn không.
Viêm tuyến vú
Nếu tình trạng tắc tia sữa không được giải quyết, bạn có thể bị viêm tuyến vú với những biểu hiện giống như cúm (sốt, đau người, mệt mỏi). Ngực của bạn cũng có một số biểu hiện như đau, nóng khi chạm vào, sưng đỏ. Trong trường hợp này, bạn hãy gọi cho bác sĩ. Bạn có thể được kê kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn. Tình trạng có thể được cải thiện sau 1-2 ngày.
Trong khoảng thời gian đó, bạn nên tiếp tục áp dụng các cách như khi bị tắc tia sữa. Bạn có thể tiếp tục cho con bú, hút sữa bình thường để giải phóng cục sữa tắc ở ngực. Hãy nhớ rằng chỉ có các mô vú bị viêm nhiễm, không phải là sữa nên em bé có thể dùng sữa mẹ được mà không lo bị nhiễm khuẩn. Việc làm này sẽ giúp bạn duy trì được lượng sữa bởi nếu bạn không cho con bú hay hút sữa, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu lên não, làm lượng sữa sản xuất ra bị giảm.
Nuôi con sinh đôi
Việc nuôi con sinh đôi có thể sẽ khiến mẹ gặp khó khăn khi cả hai bé đói và đòi bú cùng một lúc. Một số mẹ có thể cảm giác lượng sữa tiết ra không đủ so với sức ăn của các bé. Ngoài ra, các bé sinh đôi thường có xu hướng bị đẻ non, nên khi mới chào đời có thể cần được chăm sóc đặc biệt, bị tách khỏi mẹ hoặc gặp khó khăn trong việc bú trực tiếp do quá bé, lực bú yếu.
Với trường hợp này, nếu việc cho các bé bú trực tiếp gặp khó khăn, các chuyên gia có thể khuyến khích mẹ hút sữa ra và cho bé bú bình. Như vậy, người trong gia đình cũng có thể hỗ trợ vì việc chăm hai bé cùng lúc có thể khiến mẹ bị kiệt sức. Nếu mẹ không đủ sữa cho các bé, việc bổ sung sữa công thức hoặc đi xin sữa từ mẹ khác có thể là những gợi ý phù hợp.
Bạn thân mến, trên đây chỉ là vài trong số rất nhiều những khó khăn mà một người mẹ có thể gặp phải trên hành trình nuôi con sữa mẹ. Bài viết này cũng đã khép lại chuỗi bài viết hưởng ứng Tuần lễ Thế giới “Nuôi con sữa mẹ” của Her Care. Tôi sẽ quay lại chủ đề này vào những lần khác. Bây giờ, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các mẹ rằng dù các mẹ lựa chọn nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, cho bú trực tiếp hay hút ra hoặc chỉ cho con uống sữa công thức hoặc kết hợp cả hai thì đó đều là lựa chọn của riêng bạn. Không có lựa chọn nào là tốt nhất cho tất cả mọi người, chỉ có lựa chọn phù hợp nhất cho từng hoàn cảnh, từng giai đoạn mà bạn làm mẹ, bạn là người hiểu rõ nhất mong muốn của bản thân và con là gì.
Tôi mong bạn luôn cảm thấy an yên trên hành trình nuôi con của mình.
Chúc bạn khỏe mạnh!