Mẹ bầu nên ăn gì ngày Tết?
Bản tin #HC2316: Một số món ăn Tết bổ dưỡng hay cần lưu ý nếu bạn đang mang thai.
Bạn thân mến,
Bạn sắm Tết thế nào rồi? Bạn chuẩn bị những món gì cho mấy ngày Tết tới đây? Dù bây giờ việc ăn uống trở nên dễ dàng hơn ngày xưa bởi mọi thứ đều có sẵn, đôi khi chỉ cần một cái click chuột hay một tin nhắn là bạn đã có món ăn yêu thích, nhưng Tết vẫn là dịp đặc biệt để chúng ta thưởng thức những món ăn truyền thống cùng gia đình mình.
Năm nay có thể là cái Tết đầu tiên bạn được đón cùng em bé trong bụng nên sẽ có nhiều thứ khác. Kể cả chuyện ăn uống dịp Tết, bạn có tự hỏi rằng mẹ bầu nên hay không nên ăn những món gì để có được thai kỳ khỏe mạnh không? Hay làm sao để sống sót qua mấy ngày Tết mà không tăng cân chóng mặt vì với phụ nữ có thai, việc kiểm soát cân nặng giúp giảm thiểu các rủi ro thai kỳ?
Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ đưa ra cho bạn vài lời khuyên hay lưu ý về việc ăn một số món truyền thống trong dịp lễ Tết nhé.
Các món ăn cần lưu ý
1) Bánh chưng, bánh tét, xôi
Nhắc đến ngày Tết chắc chắn không thể quên món bánh chưng, bánh tét. Dù các loại bánh này được bán quanh năm nhưng khi Tết đến, mọi người thường có xu hướng ăn nhiều hơn để phù hợp với không khí xung quanh hoặc chỉ đơn giản là bánh gói xong phải ăn nhiều mới hết được. Bên cạnh hai loại bánh này, xôi cũng là một món phổ biến trong các mâm cỗ.
Cả bánh chưng, bánh tét và xôi đều khá ngon miệng nhưng mẹ bầu chỉ nên ăn vừa phải. Các món ăn này có thành phần chính là gạo nếp nên rất giàu năng lượng và đường (hàm lượng tinh bột cao). Vì thế, nếu ăn nhiều, mẹ bầu dễ bị tăng cân và đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Bạn cũng chú ý thêm là chỉ ăn bánh chưng bình thường, không ăn bánh chưng rán vì loại bánh này khi rán thường hút nhiều dầu mỡ. Lượng dầu mỡ cao trong bánh chưng rán cũng có thể khiến mẹ bầu tăng cân nhanh chóng.
2) Bánh kẹo, mứt, ô mai
Tết là dịp mà bạn thường rộng tay hơn trong việc mua bánh kẹo, để mời khách và để nhâm nhi trong mấy ngày nghỉ lễ. Mứt tết truyền thống và ô mai cũng được mua nhiều trong giai đoạn này. Tuy nhiên, lượng đường trong các món ăn này thường rất cao, không tốt cho thai kỳ. Với một số món ô mai, ngoài đường ra, chúng còn chứa nhiều muối, không tốt cho mẹ bầu. Vì thế, đây cũng là món ăn cần hạn chế trong dịp xuân sang tết đến này.
3) Các món dưa muối
Dưa muối chua thường được ăn kèm với các món khác trong mâm cỗ tết để chống ngán. Nhưng các món này có nhược điểm là rau sống được muối trong vài ngày. Lượng muối thường cao, quy trình muối cũng có thể kém vệ sinh nên về cơ bản không tốt cho mẹ bầu. Vì thế, bạn có thể thay thế bằng các món salad rau củ, hoặc tự làm dưa góp từ dưa chuột để điều chỉnh lượng muối cho vào và có thể ăn ngay trong ngày.
4) Các món kho
Các món kho như cá kho, bò kho mắm, thịt kho hột vịt (trứng vịt)… đều là những món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết ở cả 3 miền. Nhược điểm của các món này là thịt cá được chế biến trong thời gian khá lâu, có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Thêm vào đó, các món kho thường có lượng muối cao hơn các món ăn khác, vì thế, mẹ bầu cần ăn với lượng vừa phải.
5) Nem rán (Chả giò)
Nem rán (còn được gọi là Chả giò) là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ tết truyền thống. Món ăn này cũng rất ngon khi có đủ thịt, mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, giá hoặc hành tây. Tuy nhiên, khi chế biến, để vỏ giòn, nem thường trải qua công đoạn rán ngập dầu dẫn đến dư thừa lượng chất béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, nếu ăn nhiều nem, mẹ bầu cũng rất dễ bị tăng cân. Mỗi bữa chỉ ăn khoảng 2-3 cái nem là đủ nếu không ăn các món ăn khác.
6) Canh măng
Canh măng là món truyền thống trong mâm cỗ của người miền bắc. Ăn măng giúp tăng lượng chất xơ cho cơ thể. Tuy nhiên, có nghiên cứu chỉ ra rằng mẹ bầu ăn nhiều măng có thể khiến thai nhi bị ngộ độc. Chưa kể, măng khô thường có chất bảo quản để giữ được lâu. Vì vậy, nếu đang mang thai, bạn không nên ăn canh măng. Nếu quá thèm, bạn chỉ nên ăn một vài miếng chứ không nên ăn nhiều để tránh gây hại cho em bé trong bụng.
7) Canh khổ qua
Nếu canh măng là món ăn thường có của người miền bắc thì canh khổ qua lại là món ăn hay xuất hiện trong mâm cỗ của người miền nam. Khổ qua (hay còn gọi là mướp đắng) có tác dụng giải nhiệt, hạ đường huyết nên cũng được dùng như một vị thuốc trong dân gian. Tuy nhiên, từng xuất hiện nghiên cứu cho thấy ăn nhiều khổ qua sẽ có hại cho thai nhi. Vì thế, mẹ bầu nên hạn chế món ăn này.
8) Lạp xưởng
Lạp xưởng là món ăn phổ biến ở trong nam, cũng được ăn nhiều trong dịp Tết. Tuy nhiên, món này thường có mỡ và đường nên nếu mẹ bầu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Chưa kể, một số loại lạp xưởng được chế biến với rượu mai quế lộ trong khi cồn được chứng minh là nguy hiểm cho thai kỳ. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là hạn chế món ăn này dù nó rất ngon miệng.
9) Các món thịt khô
Các món thịt khô như khô bò, khô gà, khô heo, thịt trâu gác bếp thường chứa lượng lớn muối và các loại gia vị khác để tẩm ướp và bảo quản được lâu nên đây được coi là một loại thực phẩm không lành mạnh. Vì vậy, bạn không nên ăn quá nhiều các món này dù chúng rất hợp để ăn vặt trong ngày Tết.
10) Nem chua
Ngày Tết, nhiều gia đình thường đặt nem chua để ăn uống nhâm nhi trước khi ăn các món chính. Tuy nhiên, nem chua về cơ bản là thịt chưa được nấu chín, có thể chứa nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng (giun, sán) nên mẹ bầu cần kiêng tuyệt đối món ăn này.
Các món tốt cho sức khỏe
1) Canh bóng thả
Canh bóng thả là món canh truyền thống trong mâm cỗ của người miền bắc. Món ăn này thường gồm mọc (thịt lợn xay nhuyễn thành giò sống, trộn với mộc nhĩ, nấm hương rồi viên tròn lại), trứng cút và rau củ quả các loại. Nước dùng của món canh thường trong, ngọt vị rau củ và không có mỡ. Điều khiến món ăn này tốt cho sức khỏe là nhờ có lượng rau củ nhiều và đa dạng, lượng đạm vừa phải, ít mỡ.
2) Thịt gà luộc
Trong các loại thực phẩm cung cấp đạm, thịt gà được khuyến khích hơn thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu… Thịt gà còn giàu vitamine và khoáng chất, đặc biệt là vitamine nhóm B (B1, B3, B5, B6, B12), sắt, kẽm, selen, phospho, kali… nên ăn thịt gà giúp duy trì sức đề kháng, tốt cho hệ thần kinh, xương… Thịt gà luộc cũng là món ăn được chế biến theo phương pháp đơn giản nên giúp giữ được nhiều dinh dưỡng, hạn chế các chất béo do dầu mỡ chiên rán. Trong các phần của thịt, phần lườn được đánh giá là tốt hơn cả thì hàm lượng dinh dưỡng cao trong khi lượng cholesterol thấp.
Vì thế, trong dịp Tết, mẹ bầu có thể chọn ăn thịt gà luộc, nhất là lườn gà. Nếu thấy lườn gà hơi khô, bạn có thể xé ra và sử dụng trong một số món ăn khác như phở gà, bún thang, nộm gà xé… để dễ ăn hơn.
3) Nem cuốn
Nem cuốn là món ăn khá phổ biến ở cả 3 miền, thường được cuốn với rau xà lách, tôm, thịt, trứng, bún… Đây là món ăn có thành phần đa dạng, nhiều rau, đủ cả đạm và tinh bột, các nguyên liệu để cuốn chủ yếu là hấp, luộc hoặc rau sống nên sẽ giữ được giá trị dinh dưỡng của từng thành phần. Chỉ có một lưu ý nhỏ với mẹ bầu khi ăn món cuốn là đảm bảo các loại rau đã được rửa sạch đất cát có lẫn bên trong.
4) Giò chả
Giò chả bao gồm giò lụa, giò bò, chả quế, chả bò… là một món ăn khá phổ biến trong ngày Tết. Để chế biến các món này, thông thường người ta sẽ chọn thịt thăn, loại thịt nạc không có mỡ, rồi đem xay nhuyễn ra sau đó cuộn với lá chuối hoặc cho vào khuôn rồi hấp chín. Do đó, món này thường ít chất béo và giữ được dinh dưỡng của thịt. Tuy nhiên, bạn nên chọn giò chả của những nơi uy tín hoặc tự làm để tránh các chất phụ gia, chất bảo quản thêm vào. Vì là món ăn thuần đạm nên bạn cũng không nên ăn quá nhiều trong một ngày nhé.
5) Các món nộm, rau xào
Rau củ luôn được khuyến khích trong chế độ ăn uống lành mạnh vì chúng chứa nhiều vitamine, khoáng chất, giúp cung cấp lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể. Để có thể ăn nhiều rau cùng một lúc, bạn có thể làm các món salad, nộm hoặc rau củ xào hỗn hợp. Nhưng lưu ý là nên dùng lượng nhỏ dầu thực vật để xào rau thay vì dùng mỡ động vật.
6) Các loại hạt
Các loại hạt như hạt điều, hạt dẻ cười, hạt hạnh nhân… là nguồn cung cấp chất xơ, chất béo không bão hòa đặc biệt là Omega 3, khoáng chất như phospho, sắt, magie, mangan… cho cơ thể nên bạn không nên bỏ qua nhóm thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày. Vào dịp tết, mọi người cũng hay nhâm nhi các loại hạt. Bạn nên lưu ý là ăn với số lượng vừa phải, và nên chọn các loại nguyên bản, không tẩm ướp muối hay các gia vị khác.
Chúng ta đã cùng nhau điểm qua một số món ăn phổ biến trong dịp lễ Tết. Các món cần lưu ý không hẳn có hại nhưng vì đang mang thai nên bạn cần chú ý hơn, thay vì kiêng hoàn toàn, bạn vẫn có thể ăn nhưng với lượng vừa phải dù rất thích. Với các món có lợi cho sức khỏe, bạn có thể ưu tiên hơn các món còn lại nhưng vẫn cần nhớ là không ăn quá độ, ngoại trừ rau xanh luôn được khuyến khích ăn nhiều. Tổng thể các bữa trong dịp Tết vẫn nên hướng theo nguyên tắc ăn uống lành mạnh.
Bản tin này là số cuối cùng trước Tết Nguyên đán Quý Mão. Tôi chúc bạn có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ bên gia đình, người thân và bạn bè. Hẹn gặp lại bạn trong dịp đầu năm!
-----------------
Tài liệu tham khảo:
Kim, B., Lee, H.S., Kim, HJ. et al. Momordica charantia (bitter melon) efficacy and safety on glucose metabolism in Korean prediabetes participants: a 12-week, randomized clinical study. Food Sci Biotechnol (2022). https://doi.org/10.1007/s10068-022-01214-9
Panee J. (2015). Potential Medicinal Application and Toxicity Evaluation of Extracts from Bamboo Plants. Journal of medicinal plant research, 9(23), 681–692. https://doi.org/10.5897/jmpr2014.5657
--------
“Sổ tay mẹ bầu” đã được gửi đến những bạn đăng ký vào thứ 2 vừa rồi. Form đăng ký sẽ vẫn được mở đến hết Tết (29/01) nên nếu bạn muốn nhận ebook thì đừng ngại điền vào form này nhé. Tôi sẽ gửi chúng đến bạn trong một ngày đầu năm mới.