Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì khi đi du lịch?
Bản tin #HC2337: Những điều cần lưu ý để có kỳ nghỉ vui vẻ và an toàn khi bạn mang thai.
Bạn thân mến,
Chỉ còn vài ngày nữa là kì nghỉ lễ kéo dài 5 ngày sẽ bắt đầu. Bạn có dự định đi du lịch hay về quê không? Bình thường, vào những dịp thế này, chắc hẳn bạn sẽ vô cùng thích thú khi được nghỉ ngơi để đi chơi xa, thay đổi không khí. Nhưng khi mang thai, có thể bạn sẽ lo lắng một chút vì không biết mình có nên đi hay không và nếu có thì cần chuẩn bị những gì.
Trong bản tin cách đây ba tuần, tôi đã chia sẻ với bạn một số điều cần lưu ý với mẹ bầu khi di chuyển đường xa. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ nói cho bạn một số thông tin đáng quan tâm ở các khía cạnh khác nữa nhé.
Tình trạng sức khỏe hiện tại
Thông thường, thời gian lý tưởng nhất để đi du lịch là trong tam cá nguyệt thứ hai khi bạn đã qua giai đoạn ốm nghén mệt mỏi đầu thai kỳ và cơ thể chưa đến mức quá nặng nề ở ba tháng cuối. Nguy cơ sảy thai ở giai đoạn này cũng giảm nhiều nên bạn có thể yên tâm hơn khi đi du lịch.
Tuy nhiên, trước chuyến đi, bạn sẽ cần nói chuyện với bác sĩ sản khoa phụ trách theo dõi mình để chắc chắn rằng thai kỳ của bạn an toàn, đủ điều kiện để di chuyển đường dài. Du lịch không phải là một điều cấm kỵ đối với mẹ bầu nhưng không được khuyến khích nếu bạn có những rủi ro hay vấn đề phức tạp trong thai kỳ. Trước khi lên kế hoạch đi chơi, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình trong các trường hợp sau:
Tiền sử sảy thai;
Tiền sử mang thai ngoài tử cung;
Tiền sử chuyển dạ sớm, sinh non, rỉ ối;
Có bất thường về nhau thai hoặc tiền sử bong bánh nhau;
Cổ tử cung yếu, mở sớm;
Dọa sảy thai hoặc chảy máu âm đạo trong thai kỳ hiện tại;
Mang đa thai;
Tiền sử nhiễm độc máu, huyết áp cao, tiểu đường trong bất cứ lần mang thai nào;
Khó mang thai hoặc có nguy cơ vô sinh;
Mang thai lần đầu khi ngoài 35 tuổi;
Có vấn đề về van tim;
Tiền sử hoặc có nguy cơ cao bị tiền sản giật;
Tiền sử huyết khối (cục máu đông);
Thiếu máu nặng;
Các vấn để mãn tính cần được điều trị.
Ngoài ra, nếu đi du lịch nước ngoài hoặc đến nơi có nguy cơ dịch bệnh, bạn cũng cần kiểm tra tình trạng vaccine hiện tại xem có cần tiêm phòng bổ sung không.
Những thông tin cần biết về điểm đến
Sức khỏe của bạn có thể đủ điều kiện an toàn để đi du lịch trong thai kỳ. Tuy nhiên, điểm đến du lịch của bạn có thể không phù hợp với mẹ bầu hoặc nếu muốn đi sẽ cần được trang bị thật tốt. Do đó, bạn sẽ cần quan tâm xem:
Nơi đến có độ cao bao nhiêu vì thường ở trên cao như vùng núi (trên 3000 mét), không khí sẽ loãng hơn bình thường, nồng độ oxy thấp hơn trong khi mẹ bầu luôn cần được đảm bảo nguồn oxy để nuôi dưỡng thai nhi.
Nơi đến có dịch bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả, tiêu chảy... hay không?
Thức ăn của điểm đến có dễ ăn không, có vấn đề gì liên quan đến nguồn thực phẩm, nước uống không?
Nơi bạn đến có bệnh dịch đặc biệt cần phải tiêm vaccine, đặc biệt là vaccine chứa virus sống, không?
Xung quanh nơi bạn đến có bệnh viện hay trạm y tế gần đấy không? Nếu bạn đang ở gần những tháng cuối của thai kỳ, hãy chắc rằng bệnh viện ở khu vực đó có thể xử lý được những ca đẻ phức tạp.
Chuẩn bị hành lý cho chuyến đi
Để có một chuyến du lịch tốt đẹp, thông thường bạn sẽ có danh sách đồ đạc của riêng mình, tùy theo thói quen, nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, khi mang thai, bạn có thể cần bổ sung thêm một số thứ vào trong hành lý cá nhân như:
Hồ sơ sức khỏe thai kỳ để trong trường hợp có vấn đề, cần trợ giúp của các chuyên gia y tế hay đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ nắm được tiền sử và tình trạng sức khỏe của bạn một cách nhanh chóng. Bạn cũng cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế các loại (nếu có) để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Các loại thuốc, vitamine đã được bác sĩ kê cho bạn dùng trong thai kỳ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hỏi bác sĩ về một số loại thuốc như thuốc nhuận tràng hoặc cầm tiêu chảy, dung dịch bù nước, thuốc giảm đau.
Kem bôi chống muỗi, côn trùng, kem chống nắng, thuốc chống say tàu xe phù hợp cho phụ nữ có thai.
Quần áo, giày dép rộng rãi, thoải mái phù hợp với việc di chuyển đường dài.
Đồ ăn, thức uống để dùng trong chuyến đi do mẹ bầu nhanh đói, dễ bị tụt đường huyết, mệt mỏi, cần uống nhiều nước. Nên ưu tiên các đồ ăn nhẹ, dễ ăn trên đường, không sợ hỏng khi để ngoài trời.
Lưu ý trong chuyến đi
Trong chuyến du lịch, điều mà mẹ bầu cần quan tâm là an toàn thực phẩm và những biểu hiện cần chú ý để đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Về đồ ăn thức uống, bạn nên ghi nhớ một số điều sau:
Chỉ uống nước đóng chai hoặc nước mới đun sôi xong. Không nên thêm đá vào đồ uống vì nguồn nước làm đá có thể không sạch;
Chọn nhà hàng, quán ăn sạch sẽ, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm càng tốt;
Tránh ăn hoa quả chưa gọt vỏ và rau sống nếu bạn không phải là người tự chuẩn bị vì chúng có thể chưa được rửa sạch. Tốt nhất là bạn ăn rau chín và tự gọt vỏ hoa quả;
Hạn chế ăn tiệc buffet nhiều người vì đồ ăn ở đây thường được nhiều người chạm vào. Nếu ăn, hãy chọn những món nóng sốt hoặc có thể bỏ lớp vỏ phía ngoài;
Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
Bên cạnh đó, bạn sẽ cần đi gặp bác sĩ nếu rơi vào các tình huống sau:
Có va chạm mạnh xảy ra trong quá trình đi lại;
Nôn mửa hoặc tiêu chảy dẫn đến mất nước;
Chảy máu âm đạo;
Đau dữ dội vùng bụng dưới hoặc có cơn co thắt;
Vỡ ối;
Sốt cao.
Ngoài các điều trên, bạn cũng nên nhớ rằng du lịch trong thai kỳ là một chuyến đi để bạn thư giãn và nghỉ ngơi, vẫn nên vận động đều đặn nhưng không phải với cường độ cao khiến bạn mệt mỏi như đi bộ quá nhiều. Bạn cũng hạn chế đến những nơi quá đông đúc, có tình trạng chen lấn xô đẩy. Mẹ bầu cũng không nên đi xông hơi, tắm nước nóng vì các hoạt động này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể gây hại cho em bé trong bụng.
Tôi hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi chơi trong kỳ nghỉ sắp tới. Bạn cũng không cần lo lắng quá nhiều dẫn đến việc hoãn toàn bộ các chuyến đi và chỉ ở nhà khi mang thai. Thực tế, hồi mang bầu con gái nhỏ, trong tam cá nguyệt thứ hai, tôi cũng từng đi du lịch vài lần sau khi đã chuẩn bị mọi thứ kĩ càng. Các chuyến đi này giúp tôi cải thiện khá nhiều về tinh thần trong thời gian thai kỳ mệt mỏi, đầy nỗi lo, trước khi bước vào giai đoạn chuẩn bị cho quá trình vượt cạn và ở cữ sau sinh.
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.acog.org/womens-health/faqs/travel-during-pregnancy
https://www.acog.org/womens-health/faqs/car-safety-for-pregnant-women-babies-and-children
https://www.webmd.com/baby/taking-to-the-skies-pregnant-and-safe
https://www.nct.org.uk/pregnancy/travelling-when-pregnant/flying-when-pregnant-what-you-need-know
https://travel.gc.ca/travelling/health-safety/travelling-pregnant
https://health.clevelandclinic.org/traveling-while-pregnant/
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-and-travel
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/travel-during-pregnancy/
https://www.narayanahealth.org/blog/travelling-in-pregnancy-dos-and-dont/
https://vinpearl.com/vi/phu-nu-mang-thai-di-may-bay-tat-ca-luu-y-va-quy-dinh-can-biet
https://www.nidirect.gov.uk/articles/travelling-while-pregnant
https://www.indianaperinatal.org/is-train-travel-safe-during-pregnancy.php