Di chuyển đường dài khi mang thai
Bản tin #HC2332: Những điều mẹ bầu cần biết khi thực hiện những chuyến đi dài trong thai kỳ của mình.
Bạn thân mến,
Chúng ta đã bước sang những ngày đầu tháng 4 khi những bông loa kèn trắng nở rộ. Cuối tháng này còn có một dịp nghỉ lễ lớn trong năm vào ngày giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5. Bạn có dự định đi nghỉ ở đâu không? Nếu có, hãy đọc nội dung dưới đây để nắm được một số thông tin cần lưu ý liên quan đến việc di chuyển xa nhé!
Vấn đề có thể gặp phải khi di chuyển xa
Trong đa số trường hợp, việc mẹ bầu đi du lịch xa là khá an toàn cho đến gần thời điểm sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề sức khỏe mà bạn nên nắm được nếu đi du lịch trong thai kỳ của mình.
Tình trạng huyết khối tĩnh mạch: cục máu đông được hình thành trong tĩnh mạch, thường ở chân, và di chuyển lên phổi gây tắc phổi. Đây là rủi ro mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải khi di chuyển trên chặng đường kéo dài hơn 4 tiếng liên tục bất kể là ô tô, tàu hỏa, máy bay… Nguy cơ mắc phải tình trạng này tăng lên rất nhiều ở phụ nữ mang thai và sau sinh, đặc biệt nếu bạn hoặc người thân trong gia đình có tiền sử huyết khối tĩnh mạch, hay trong trường hợp bạn mang đa thai.
Mất nước trong quá trình di chuyển: khi bạn phải đi lại vào những ngày có thời tiết nắng nóng, kể cả trên phương tiện có điều hòa, tình trạng mất nước cũng có thể diễn ra bởi trời nóng khiến mẹ bầu dễ toát mồ hôi (do mức năng lượng đốt cháy cao), trong khi nhu cầu bổ sung nước cho cơ thể luôn ở mức cao.
Va chạm: đây là điều mà phần đông mẹ bầu lo ngại khi phải di chuyển bất kể phương tiện gì vì va chạm trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng sảy thai, sinh non, bong nhau thai, chảy máu từ cung…
Mệt mỏi: cảm giác mệt mỏi, uể oải rất thường gặp khi bạn phải di chuyển trong những chuyến đi dài. Đây là một trong những lý do các chuyến đi như vậy không phù hợp với phụ nữ có thai 3 tháng đầu, còn đang bị nghén hay phụ nữ 3 tháng cuối khi cơ thể nặng nề, không được ngủ đủ giấc.
Đi xa vào thời điểm nào là hợp lý và mẹ bầu cần lưu ý những gì?
Theo ý kiến của các chuyên gia, thời điểm lý tưởng nhất để mẹ bầu thực hiện những chuyến đi xa là trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ (từ tuần 14 đến tuần 28). Đây là thời điểm mà tình trạng ốm nghén đã biến mất hoặc được cải thiện, năng lượng của bạn đã trở lại dồi dào, và bạn vẫn chưa cảm thấy nặng nề, gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc ngồi lâu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể đi xa nếu đang ở trong tam cá nguyệt đầu tiên hay cuối cùng. Chỉ là trong trường hợp này, bạn sẽ cần xin lời khuyên của bác sĩ cũng như được xác nhận rằng bạn có thể di chuyển trên những chặng dài.
Nhìn chung, để hạn chế các vấn đề sức khỏe ở trên, mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau trước và trong quá trình di chuyển
Trước quá trình di chuyển:
Bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng thai kỳ của mình xem có nguy cơ gì về sảy thai, sinh non như rủi ro bong nhau thai, cổ tử cung mở sớm hoặc mềm, đe dọa chảy máu âm đạo, tiền sản giật…
Trên thực tế, bác sĩ cũng sẽ khuyên hạn chế di chuyển trong trường hợp bạn có tiền sử sảy thai, mang thai ngoài tử cung, mang đa thai, có vấn đề về tim mạch, có tiền sử huyết khối, bị thiếu máu nghiêm trọng hay mắc các bệnh mãn tính cần được điều trị.
Nếu bạn muốn sử dụng thuốc chống say tàu xe, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xem loại nào phù hợp với phụ nữ mang thai.
Trong quá trình di chuyển:
Mặc quần áo và chọn đôi giày rộng rãi, thoải mái;
Uống nhiều nước và ăn nhẹ nhàng;
Nếu di chuyển trên các phương tiện công cộng có nhiều dãy ghế, ưu tiên chọn hàng ghế ở giữa, ngay cạnh lối đi để bạn có thể dễ dàng rời khỏi chỗ ngồi và đi lại nếu muốn.
Mang theo thuốc của riêng bạn nếu có, kèm theo hồ sơ sức khỏe cá nhân để trong trường hợp có vấn đề, các chuyên gia y tế có thể nhanh chóng nắm được tình trạng của bạn.
Liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cơ quan y tế khẩn cấp để thông báo về tình trạng của bản thân nếu bạn có các dấu hiệu như chảy máu âm đạo, đau lưng và vùng chậu, nôn hoặc tiêu chảy trầm trọng.
Thông tin đáng lưu ý khi di chuyển trên một số phương tiện phổ biến
1- Máy bay
Phụ nữ có thai nên tránh các chuyến bay có độ cao trên 3658 mét. Với những mẹ bầu thuộc nhóm có nguy cơ cao, độ cao tối đa của máy bay không nên quá 2500 mét. Vì thế, bạn sẽ cần liên hệ hãng hàng không để biết được các thông tin này.
Nếu muốn di chuyển bằng máy bay, trước khi mua vé, bạn phải chắc chắn rằng các hãng hàng không cho phép phụ nữ có thai lên máy bay. Vì thế, bạn sẽ cần liên hệ với các hãng bay trước thời điểm khởi hành. Với các hãng nội địa, bạn có thể tham khảo thông tin của một số hãng như sau:
Vietnam Airlines: Phụ nữ mang thai dưới 32 tuần, vận chuyển như hành khách thông thường. Phụ nữ mang thai từ 32 đến 36 tuần cần xác nhận sức khỏe trước chuyến bay bằng mẫu thông tin y tế do hãng cung cấp, ngoài ra cần có 1 mẫu thông tin y tế do bác sĩ ghi. Phụ nữ mang thai trên 36 tuần, hoặc dự kiến sinh trong vòng 07 ngày, hoặc sau sinh 07 ngày, hăng từ chối vận chuyển để đảm bảo sức khỏe cho hành khách.
Vietjet Air: Phụ nữ có thai đến đủ 27 tuần, hãng có quyền yêu cầu hành khách cung cấp giấy tờ khám thai để xác định số tuần thai và ký “Giấy thỏa thuận trách nhiệm”. Phụ nữ có thai từ 27 tuần đến 32 tuần, cần xuất trình được sổ/giấy khám thai. Phụ nữ có thai trên 32 tuần, hãng từ chối vận chuyển.
Bamboo Airways: Phụ nữ mang thai dưới 27 tuần tuổi, được chấp nhận vận chuyển như bình thường, nhưng cần chuẩn bị các giấy tờ sức khỏe trong trường hợp được đề nghị xuất trình. Phụ nữ mang thai từ 28 đến 32 tuần tuổi, được phép vận chuyển với yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết về sổ khám thai định kỳ, giấy xác nhận đủ sức khỏe để bay và đảm bảo tình trạng mẹ & bé bình thường của bác sĩ và ký giấy miễn trừ trách nhiệm. Phụ nữ mang thai từ 32 tuần trở lên hoặc phụ nữ sau sinh trong vòng 07 ngày, hãng từ chối vận chuyển.
Hãy nhớ rằng các thông tin về hãng bay mà tôi nêu ở trên chỉ mang tính chất tham khảo tạm thời, bạn sẽ cần phải cập nhật lại thông qua website hoặc đường dây thông tin của hãng.
Trên chuyến bay, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Mang theo trong hành lý xách tay các loại thuốc và giấy tờ sức khỏe của bạn;
Luôn thắt dây an toàn khi ngồi tại ghế;
Uống nhiều nước và ăn uống nhẹ nhàng;
Thỉnh thoảng đứng lên để vận động nhẹ nhàng, đi lại trên hành lang của máy bay.
2- Ô tô
Nếu bạn thực hiện chuyến đi bằng ô tô, hãy nhớ rằng con đường ngắn nhất thường là lựa chọn tốt nhất vì nó sẽ khiến cho việc di chuyển của bạn ngắn nhất có thể. Trong quá trình di chuyển bằng ô tô, bạn cần lưu ý vài điểm sau:
Luôn thắt dây an toàn, dây dưới luôn ở phía dưới bụng của bạn;
Dừng xe thường xuyên để bạn có thể đi lại, cử động chân thoải mái;
Mặc quần áo với nhiều lớp mỏng để bạn có thể dễ dàng cởi ra hoặc mặc vào trong quá trình di chuyển;
Ăn nhẹ để có thêm năng lượng và uống nhiều nước;
Nếu bạn ngồi ở ghế trước, hãy lùi ghế ra sau nhiều nhất có thể để có thể duỗi chân thoải mái và hạn chế tác động của túi khí lên bụng trong trường hợp nó bị bung ra khi có tai nạn;
Trong trường hợp có va chạm, dù là nhỏ nhất, bạn cũng nên đi khám bác sĩ ngay sau đó.
3- Tàu hỏa
Tàu được coi là một trong những phương tiện an toàn nhất để di chuyển đường dài đối với phụ nữ có thai bởi không có sự chênh lệch về áp suất không khí so với điều kiện bình thường, nguy cơ gặp tai nạn thấp, dễ dàng xử lý trong các tình huống khẩn cấp, mẹ bầu có thể thoải mái đi lại trên tàu. Tương tự như khi đi máy bay và ô tô, bạn sẽ cần mang theo giấy tờ, thuốc thang, đồ ăn và nước uống theo mình khi ngồi trên tàu. Bạn cũng nên chọn chỗ ngồi thuận tiện cho việc đi lại. Khi ngồi tại chỗ, cố gắng tựa lưng vào ghế để ngồi cho thoải mái. Bạn có thể chuẩn bị một gối mềm để đặt dưới lưng nếu muốn.
Bản tin trên đây đã cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về việc di chuyển trên các phương tiện khác nhau khi đi đường xa. Tôi mong rằng các thông tin này sẽ hữu ích cho bạn trong việc chuẩn bị chuyến đi sắp tới của mình.
Chúc bạn có những chuyến đi tốt đẹp và thuận lợi nhé!
--------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.acog.org/womens-health/faqs/travel-during-pregnancy
https://www.acog.org/womens-health/faqs/car-safety-for-pregnant-women-babies-and-children
https://www.webmd.com/baby/taking-to-the-skies-pregnant-and-safe
https://www.nct.org.uk/pregnancy/travelling-when-pregnant/flying-when-pregnant-what-you-need-know
https://travel.gc.ca/travelling/health-safety/travelling-pregnant
https://health.clevelandclinic.org/traveling-while-pregnant/
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-and-travel
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/travel-during-pregnancy/
https://www.narayanahealth.org/blog/travelling-in-pregnancy-dos-and-dont/
https://vinpearl.com/vi/phu-nu-mang-thai-di-may-bay-tat-ca-luu-y-va-quy-dinh-can-biet
https://www.nidirect.gov.uk/articles/travelling-while-pregnant
https://www.indianaperinatal.org/is-train-travel-safe-during-pregnancy.php