Listeria gây ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Bản tin #HC2368: Những điều cần biết về một trong những loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu
Khi nói đến các mối nguy hại cho thai kỳ, có 2 tác nhân phổ biến gây ra tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm cho mẹ bầu là Toxoplasma và Listeria. Trong bản tin trước, tôi đã chia sẻ cho bạn một số thông tin cần biết về Toxoplasma. Bản tin này sẽ dành để nói về Listeria nhé.
Listeria là gì?
Listeria là loại vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước, một số loài động vật như gia súc, gia cầm, hải sản. Loại vi khuẩn này sau đó bị nhiễm vào thực phẩm theo nhiều con đường khác nhau. Ví dụ, nhiều loài động vật mang vi khuẩn Listeria mà không bị bệnh nên có thể tìm thấy trong thực phẩm làm từ các loài động vật này. Vi khuẩn này cũng xuất hiện nhiều trong môi trường (đất, nước) và sau đó được chuyển vào các cơ sở chế biến thực phẩm thông qua giày dép, thùng carton, xe đẩy, máy móc… Chính vì vậy, vi khuẩn Listeria được tìm thấy nhiều trong thực phẩm đông lạnh, các sản phẩm từ sữa, các loại thịt, cá sống. Loại vi khuẩn này cũng rất dễ phát triển ở trong môi trường tủ lạnh từ số lượng nhỏ ban đầu do chúng có thể tồn tại ở những nơi lạnh và ẩm ướt.
Con người ăn thực phẩm nhiễm Listeria có thể bị nhiễm bệnh Listeriosis, một dạng ngộ độc thực phẩm. Người bị ngộ độc do Listeria gây ra có thể có các triệu chứng nhẹ như cúm (sốt, ớn lạnh, đau cơ, tiêu chảy, đau bụng) hoặc nặng hơn như cứng cổ, nhức đầu, lú lẫn, mất thăng bằng, co giật. Các triệu chứng này không phải lúc nào cũng xuất hiện ngay lập tức mà diễn ra trong khoảng từ 1 tuần đến 2 tháng sau đó do thời gian ủ bệnh khá lâu. Thông thường, người bị nhiễm bệnh có thể tự mình khỏe lại mà không cần can thiệp nào khác nhưng ở một số người có nguy cơ cao, việc điều trị sớm bằng kháng sinh trong vòng 1-2 tuần là cần thiết để tránh dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Listeria nguy hiểm thế nào với phụ nữ mang thai?
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng Listeriosis cao gấp 10 lần so với người bình thường bởi hệ miễn dịch của người mẹ đang phải làm việc quá tải để bảo về cả mẹ và thai nhi. Mẹ bầu bị mắc Listeriosis phải đối mặt với những rủi ro nhất định trong thai kỳ :
Gặp phải tình trạng nôn mửa, tiêu chảy khiến cơ thể mất nhiều nước và điện giải ;
Listeriosis có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non ;
Bệnh Listeriosis có thể truyền từ mẹ sang con gây nguy hiểm cho thai nhi như trẻ bị di tật bẩm sinh, sinh ra nhẹ cân, nhiễm trùng não, thiểu năng trí tuệ, mù lòa, có vấn đề về tim, thận…
Chính vì thế, mẹ bầu bị nhiễm Listeria sẽ cần được điều trị sớm bằng kháng sinh để ngăn ngừa thai nhi bị nghiễm trùng, ngăn ngừa biến chứng ở trẻ sơ sinh.
Làm thế nào để giảm nguy cơ nhiễm Listeria?
Vì những tác hại nguy hiểm của căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Listeria gây nên, cách tốt nhất mẹ bầu nên làm là phòng ngừa, dựa vào những lưu ý như sau :
Nấu ăn là cách dễ nhất để tiêu diệt Listeria, nên sẽ tốt hơn nếu bạn ăn chín. Tránh các loại thực phẩm sống, thậm chí là tái hay hun khói như gỏi cá, sushi, trứng lòng đào… ;
Không dùng sữa và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, kể cả phô mát mềm. Để biết điều này, bạn nên kiểm tra nhãn mác của các loại thực phẩm này xem có dòng chữ « thanh trùng/tiệt trùng » không ;
Ăn các thực phẩm nóng hổi, vừa chế biến xong, còn bốc khói sẽ tốt hơn là các loại thực phẩm để nguội như pate, xúc xích nguội. Không ăn thực phẩm để ở nhiệt độ phòng (tầm 25°C) lâu hơn 2 giờ. Nếu trong phòng quá nóng (trên 30°C), không nên ăn thực phẩm để lâu trong phòng quá 1 giờ.
Rau củ quả cần được rửa sạch dưới vòi nước, có thể rửa thêm với giấm hoặc nước muối loãng nếu bạn muốn ăn sống, và nên gọt vỏ nếu có thể ;
Không ăn thực phẩm để quá lâu trong tủ lạnh. Nếu bạn chưa ăn ngay, hãy nghĩ đến chuyện làm đông lạnh trong vòng 2 giờ các loại thực phẩm dễ hỏng, đã chế biến sẵn. Tủ lạnh cũng nên được vệ sinh thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ sinh sôi của Listeria.
Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn…
Ngoài các yếu tố trên, mẹ bầu cũng cần duy trì cho mình chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để gia tăng đề kháng, chống lại vi khuẩn có hại. Từ đó, các rủi ro nhiễm khuẩn Listeria cũng sẽ rời xa thai kỳ của bạn.
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ.
------------
Tài liệu tham khảo: