Toxoplasma là gì mà phải thử máu liên tục khi mang thai?
Bản tin #HC2367: Loại ký sinh trùng mà bạn chỉ được nghe nhiều kể từ ngày có bầu.
Hồi mang thai An, mỗi tháng tôi đều phải đi lấy máu một lần để tầm soát Toxoplasma vì chưa từng bị nhiễm bao giờ. Quả thực, tôi chỉ nghe đến loại ký sinh trùng này kể từ khi mang thai, và chỉ lúc đấy mình mới thực sự quan tâm đến nó. Chế độ ăn uống, vệ sinh của tôi cũng phải điều chỉnh nhiều để tránh mắc loại ký sinh trùng này.
Toxoplasma là gì?
Toxoplasma la loại ký sinh trùng đơn bào có thể gây ra bệnh nhiễm trùng Toxoplasmosis. Vật chủ được biết đến của loài ký sinh trùng này là các thành viên họ mèo. Chúng thường bị nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn các loài gặm nhấm như chuột hoặc các loài chim bị bệnh. Ký sinh trùng sau đó được truyền qua phân mèo.
Với những người có hệ miễn dịch bình thường, việc nhiễm Toxoplasma có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng không có triệu chứng. 10-20% bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính có thể phát triển bệnh hạch cổ hoặc bệnh giống cúm nhưng đa phần các triệu chứng sẽ thường hết trong vòng vài tuần đến vài tháng. Ký sinh trùng vẫn tồn tại trong cơ thể người sau đó nhưng ở trạng thái không hoạt động. Với những người có hệ miễn dịch suy giảm, Toxoplasma có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Để chẩn đoán bệnh Toxoplasmosis, bác sĩ thường cho bệnh nhân thử máu (có thể lặp lại) kết hợp với việc xem xét các triệu chứng của bệnh.
Toxoplasma nguy hiểm thế nào với phụ nữ mang thai?
Mẹ bẫu nhiễm Toxoplasma ngay trước hoặc trong quá trình mang thai có thể truyền bệnh sang cho thai nhi, dẫn đến sảy thai, thai lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm Toxoplasma từ mẹ có thể biểu hiện bệnh ngay khi vừa chào đời: đầu to, nhỏ bất thường, mất thị giác, co giật… Trong một số trường hợp, mẹ và trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh không có triệu chứng gì nhưng bệnh nhiễm trùng Toxoplasma có thể phát triển nghiêm trọng sau này ở trẻ dẫn đến tổn thương mắt (gây mù), khuyết tật não (gây bệnh tâm thần)…
Mẹ bầu từng nhiễm Toxoplasma từ 6 tháng trước khi mang thai, cơ thể phát triển khả năng miễn dịch nên về cơ bản sẽ không thể truyền bệnh cho thai nhi. Để biết mẹ bầu đã từng bị nhiễm loại ký sinh trùng này chưa, bác sĩ thường cho kiểm tra máu. Trong trường hợp mẹ chưa hề bị nhiễm Toxoplasma, việc thử máu nên diễn ra thường xuyên để đảm bảo mẹ bầu không bị nhiễm loại ký sinh trùng này trong thai kỳ.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu nhiễm Toxoplasma
Mẹ bầu có nguy cơ nhiễm Toxoplasma trong các trường hợp sau:
Ăn các loại thịt hoặc hải sản chưa được nấu chín: thịt tái, thịt nguội ướp muối (jambon), hàu sống…;
Tay hoặc dụng cụ ăn uống có nhiễm Toxoplasma từ thịt hoặc hải sản sống nhưng chưa được rửa sạch;
Uống nước bị nhiễm Toxoplasma;
Tiếp xúc với phân mèo hoặc đất có nhiễm Toxoplasma (ví dụ: trong quá trình đổ phân cho mèo, khi làm vườn nhưng tay không rửa sạch);
Ăn rau sống, củ quả sống có dính đất bị nhiễm Toxoplasma;
Nhận máu được truyền từ người bị nhiễm Toxoplasma.
Làm thế nào để giảm nguy cơ nhiễm Toxoplasma?
Để phòng nhiễm Toxoplasma, mẹ bầu chỉ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh và lối sống. Những điều bạn có thể làm bao gồm:
Không ăn thịt và thủy hải sản (bao gồm cả cá) sống dưới bất cứ dạng nào, dù là tái hay được làm thành gỏi, jambon hun khói, ướp muối, thịt gác bếp. Các loại thịt, cá nên được nấu chín đến nhiệt độ an toàn 71°C. Nếu không chắc, bạn có thể mua nhiệt kế dùng trong nấu bếp hoặc chỉ đơn giản là nấu chín kĩ. Cũng không nên nếm thịt chưa chín. Đối với jambon, nếu muốn ăn, nên chọn loại được ghi nhãn “chín” (jambon thường có hai loại là sống và chín).
Với rau củ, quả, bạn nên rửa kĩ dưới vòi nước, có thể rửa bằng giấm hoặc nước muối loãng xong rửa dưới vòi nếu bạn muốn ăn sống loại đó. Cách tốt hơn là nấu chín rau và gọt vỏ hoa quả sau khi rửa.
Không uống sữa hay sử dụng các chế phẩm từ sữa động vật chưa qua tiệt trùng.
Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn (dao, thớt…) bằng xà phòng. Nếu có thể, hãy phân tách dụng cụ dành riêng cho thức ăn sống và thức ăn chín.
Đeo găng tay khi làm vườn để tránh đất cát chui vào các kẽ ngón tay.
Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi nấu ăn, sau khi làm vườn, sau khi đổ phân cho mèo (nếu có), trước khi ăn.
Nếu bạn nuôi mèo, hãy đảm bảo là mèo của bạn cũng được giữ vệ sinh đầy đủ, không cho mèo ăn thịt sống (như chim sống, chuột sống vì các loại đồ ăn này có thể chứa Toxoplasma và khiến mèo của bạn bị nhiễm phải). Ngoài ra, nếu có thể, hãy nhờ thành viên khác trong gia đình đổ phân mèo thay bạn.
Mẹ bầu cần làm gì nếu bị nhiễm Toxoplasma?
Nếu chẳng may bị nhiễm Toxoplasma trong quá trình mang thai, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ. Tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ của bạn mà bác sĩ sẽ cho phác đồ điều trị và loại kháng sinh phù hợp. Lúc này, bạn nên bình tĩnh và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn thân mến, về cơ bản, nếu giữ vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống, nguy cơ nhiễm Toxoplasma trong thai kỳ là rất thấp. Nhưng cũng chính vì điều này, dù có thèm, bạn cũng nên hạn chế ăn các loại thịt, cá sống nhé. Cẩn thận một chút ở khía cạnh này sẽ giúp bạn giảm bớt những lo lắng không đáng có trong thai kỳ.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
------------
Tài liệu tham khảo: