Hỏi – Đáp số 1: Chuyện ăn uống trong thai kỳ
Bản tin #HC2330: 10 câu hỏi thường gặp kèm câu trả lời xoay quanh chuyện ăn uống của mẹ bầu.
Bạn thân mến,
Ngày thứ 7 của bạn trôi qua thế nào? Cuối tuần là khoảng thời gian để bạn nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn nên hãy cố gắng tận hưởng nhé.
Bản tin hôm nay là số mở đầu cho chuyên mục Hỏi – Đáp thai kỳ mà tôi sẽ thực hiện ít nhất 1 lần/tháng. Trong bài Hỏi – Đáp số 1 này, chúng ta sẽ cùng trao đổi nhiều hơn về câu chuyện ăn uống và dinh dưỡng của mẹ bầu trong 9 tháng 10 ngày nhé. Dưới đây là 10 câu hỏi phổ biến nhất liên quan đến việc ăn uống của phụ nữ khi mang thai:
Mẹ bầu có nên ăn cho hai người không?
Ăn uống lành mạnh trong thai kỳ là như thế nào?
Mẹ bầu nên kiêng ăn những gì?
Mẹ bầu mệt mỏi, cần ăn gì để có nhiều năng lượng?
Mẹ bầu thèm ăn liên tục thì phải làm thế nào?
Thèm ăn đồ ngọt là đang mang bầu bé gái phải không?
Mẹ bầu có nhất thiết phải ăn trứng ngỗng không?
Mẹ bầu ăn măng được không?
Mẹ bầu ăn dứa được không?
Mẹ bầu ăn chay có thể tiếp tục duy trì chế độ này trong thai kỳ được không?
Tôi sẽ trả lời lần lượt cho bạn từng câu nhé!
1- Mẹ bầu có nên ăn cho hai người không?
Nhiều người cho rằng phụ nữ có thai cần ăn lượng gấp đôi vì phải ăn cho cả mẹ và con. Thực tế không phải như vậy. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng của phụ nữ có thai chỉ tăng thêm khoảng 15 % so với trước khi mang bầu, nghĩa là thêm tầm 200 kcalo/ngày trong tam cá nguyệt thứ nhất và 300 kcalo/ngày trong hai tam cá nguyệt sau. Để dễ hình dung, 200 kcalo tương ứng với một cốc sữa 333 ml, hoặc ba quả trứng gà, hoặc một bát cơm trắng. Do đó, mẹ bầu không cần phải ăn nhiều gấp đôi so với trước khi mang thai.
Nếu nhận được lời khuyên của chuyên gia về “ăn cho hai người”, bạn cần hiểu là nên cải thiện chế độ ăn về mặt chất lượng hơn là số lượng. Trong khi nhu cầu về năng lượng không tăng quá nhiều thì nhu cầu về vitamine và khoáng chất lại tăng cao trong thai kỳ, đặc biệt là với acid folic (vitamine B9), sắt, canxi, vitamine D, I-ốt… Hãy nghĩ đến việc duy trì chế độ ăn lành mạnh trong suốt thai kỳ để đảm bảo cân đối về mặt năng lượng và dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm khác nhau bao gồm: tinh bột, đạm, rau củ, trái cây, sữa và chất béo.
2- Ăn uống lành mạnh trong thai kỳ là như thế nào?
Chế độ ăn uống lành mạnh được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính là đa dạng, cân bằng và gần với tự nhiên.
Đa dạng: bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau, không loại trừ nhóm nào, dưới các hình thức chế biến khác nhau, có sự thay đổi theo từng bữa ăn, từ ngày này sang ngày khác, mùa này sang mùa khác.
Cân bằng: ăn đủ loại thực phẩm với số lượng được khuyến khích riêng cho từng nhóm, không nên tập trung vào một nhóm hay một món ăn đặc biệt để tránh việc dư thừa hay thiếu hụt một hay nhiều chất nào đó.
Gần với tự nhiên: các loại thực phẩm tươi, mới thay vì thực phẩm chế biến sẵn chứa chất phụ gia, chất bảo quản; ưu tiên các loại rau củ, trái cây, thịt được nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ, hạn chế phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng.
Ngoài việc lựa chọn thực phẩm, ăn uống lành mạnh còn liên quan nhiều đến thói quen ăn của mẹ bầu. Trong đó, bạn nên ăn 3 bữa chính/ngày, kèm theo 2-3 bữa phụ nhẹ nhàng để giúp cơ thể có đủ năng lượng nhưng không quá no. Bạn không nên ăn uống qua loa hay bỏ bữa để tránh trường hợp hạ đường huyết không mong muốn, thiếu chất dẫn đến mệt mỏi. Bạn cũng nên ăn chín uống sôi, tránh xa thực phẩm bẩn, kém chất lượng, nhiều chất phụ gia, bảo quản… Các bạn có thể đọc lại bản tin ”Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh để có sức khỏe bền vững” để nắm được các thông tin chi tiết, đầy đủ hơn nhé.