Các loại nước giải khát cho mẹ bầu trong mùa hè
Bản tin #HC2350: Bạn có thích uống nước mía hay sữa đậu nành không?
Tháng 6 đang dần trôi qua và những ngày tháng 7 đang chờ chúng ta phía trước. Mùa hè quả thực rất nóng khiến mẹ bầu đôi khi chẳng muốn ăn gì mà chỉ muốn uống nước giải nhiệt. Tôi còn nhớ, hồi ở Việt Nam, cứ khi hè đến là chỉ thèm cốc nước mía hay sữa đậu nành mát lạnh. Một cảm giác rất đã khi uống từng ngụm nước vào trong miệng. Thế nhưng, bạn có tự hỏi mẹ bầu uống nước mía và sữa đậu nành được không? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1- Nước mía
Tác dụng của nước mía lên thai kỳ
Nước mía bao gồm 70-75% nước, 10-15% chất xơ và 13-15% đường sucrose. Nước mía chứa nhiều chất chống oxy hóa, một số loại vitamine như B2, B5, B9…, các khoáng chất như kali, canxi, sắt, magie… Nhờ các thành phần này, nước mía mang lại một số lợi ích cho bà bầu:
Cung cấp axit folic, một loại vitamin có tác dụng giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ;
Cung cấp năng lượng cho bà bầu, làm giảm mệt mỏi, ốm nghén trong thai kỳ;
Nhờ các chất chống oxy hóa, nước mía giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho phụ nữ mang thai;
Giảm táo bón ở mẹ bầu, hỗ trợ tiêu hóa của đường ruột;
Có tính lợi tiểu, giảm cảm giác nóng rát do nhiễm trùng tiết niệu có thể gặp phải trong thai kỳ.
Uống nhiều nước mía có được không?
Nước mía được cho là có chỉ số đường huyết thấp hơn so với việc ăn đường trực tiếp nên phụ nữ mang thai vẫn có thể tiêu thụ trong thai kỳ để hưởng các lợi ích sức khỏe từ loại đồ uống này. Tuy nhiên, nếu uống với lượng lớn, nước mía có thể khiến đường huyết tăng cao, do đó mẹ bầu chỉ nên uống với một lượng vừa phải.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên chọn nước mía sạch từ những nơi sản xuất uy tín để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nhiễm khuẩn có thể xuất hiện trong quá trình ép và bảo quản loại đồ uống này.
2- Sữa đậu nành
Lợi ích của đậu nành đối với thai kỳ
Đậu nành (còn được gọi là đậu tương) có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, chất xơ, Omega 3 và các chất chống oxy hóa, ít chất béo bão hòa, không chứa cholesterol và lactose. Vì thế, các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, súp miso của Nhật, một số đồ ăn chay… mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.
Đậu nành cung cấp lượng protein thực vật chất lượng cho mẹ bầu nói chung và mẹ bầu theo đuổi việc ăn chay nói riêng.
Một số sản phẩm đậu nành giàu canxi, giúp đóng góp một phần nhu cầu canxi hàng ngày của mẹ bầu, nhất là trong trường hợp mẹ bị dị ứng sữa bò hay không dung nạp lactose.
Giúp kiểm soát lượng đường huyết và cholesterols ở những mẹ bầu bị tiêu đường thai kỳ.
Việc ăn các sản phẩm làm từ đậu nành như súp miso có thể giúp mẹ bầu cải thiện tâm trạng, chống lại trầm cảm trong quá trình mang thai.
Mẹ bầu có nên tiêu thụ nhiều sản phẩm từ đậu nành trong thai kỳ?
Đậu nành là loại thực phẩm giàu phytoestrogen, một hợp chất được cho là có tác dụng tương đương với hormone sinh dục nữ estrogen. Những tác dụng không mong muốn lên sự phát triển giới tính và khả năng sinh sản của trẻ, đặc biệt là bé trai, khi mẹ bầu tiêu thụ các sản phẩm từ đậu nành vẫn còn gây nhiều tranh cãi, chưa có bằng chứng cụ thể.
Nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định rằng đậu nành khá an toàn cho thai kỳ nếu người mẹ tiêu thụ với một lượng vừa phải. Đa số các cơ quan sức khỏe trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc chưa đưa ra khuyến cáo chính thức về lượng tối đa sản phẩm đậu nành mẹ bầu có thể ăn hay uống trong ngày. Riêng Cơ quan an toàn thực phẩm của Pháp (viết tắt: ANSES) khuyến cáo, trong quá trình mang thai và cho con bú, mẹ nên giới hạn lượng thức ăn, đồ uống từ đậu nành là 1 khẩu phần ăn/ngày, và không nên sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa phytoestrogen. Do đó, dù đậu nành mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, mẹ bầu cũng không nên ăn uống quá nhiều.
Tóm lại, mẹ bầu có thể uống nước mía, sữa đậu nành nhưng chỉ nên tiêu thụ với lượng vừa phải, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng và đa dạng. Với nước mía hay sữa đậu nành, mẹ bầu nên lựa chọn các sản phẩm sạch, được chế biến hợp vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhé.
Chúc bạn những ngày hè vui khỏe!
Nhân dịp bản tin Her Care xuất bản được 50 số, tôi có một món quà tri ân dành cho những độc giả trung thành. Nếu bạn đăng ký trở thành người đọc trả phí của Her Care, từ hôm nay đến hết 07/07/2023, bạn có thể nhận được ưu đãi lên đến 25% cho bản tin trả phí. Vì vậy, hãy nhanh tay đăng ký bạn nhé!
Cảm ơn bạn vì đã đón đọc bản tin của tôi!
Thân mến,
Chi.
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
Agence nationale de sécurité sanitaire de l’alimentation, de l’environnement et du travai (ANSES). (2019, December 23). AVIS de l’Agence nationale de sécurité sanitaire de l’alimentation, de l’environnement et du travail relatif à l’actualisation des repères alimentaires du PNNS pour les femmes enceintes ou allaitante. Retrieved on June 16th, 2022 from https://www.anses.fr/fr/system/files/NUT2017SA0141.pdf
Danahy A. (2020, January 31). Can People with Diabetes Have Sugarcane Juice? Healthline. Retrieved on June 14th, 2022 from https://www.healthline.com/nutrition/sugarcane-juice-diabetes
Department of Health, State Government of Victoria, Australia. (2020, June 23). Soybeans and soy foods. Better Health Channel. Retrieved on June 16th, 2022 from https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/soybeans
Kadam, U., Ghosh, S., De, S., Suprasanna, P., Devasagayam, T., & Bapat, V. (2008). Antioxidant activity in sugarcane juice and its protective role against radiation induced DNA damage. Food Chemistry, 106(3), 1154–1160. https://doi.org/10.1016/j.foodchem.2007.07.066
Kayalvizhi, V., Pushpa, A., Sangeetha, G., & Antony, U. (2016). Effect of pulsed electric field (PEF) treatment on sugarcane juice. Journal of food science and technology, 53(3), 1371–1379. https://doi.org/10.1007/s13197-016-2172-5
Khan, G. N., Ariff, S., Kureishy, S., Sajid, M., Rizvi, A., Garzon, C., Jenkins, M., de Pee, S., Soofi, S. B., & Bhutta, Z. A. (2021). Effectiveness of wheat soya blend supplementation during pregnancy and lactation on pregnancy outcomes and nutritional status of their infants at 6 months of age in Thatta and Sujawal districts of Sindh, Pakistan: a cluster randomized-controlled trial. European journal of nutrition, 60(2), 781–789. https://doi.org/10.1007/s00394-020-02276-3
Marcin, A. (2021, March 30). Is It Safe to Consume Soy Products While Pregnant? Healthline. https://www.healthline.com/health/pregnancy/soy-pregnancy
Messina M. (2021, April 13). Consuming soy during pregnancy may benefit child. Soy Nutrition Institute Global. Retrieved on June 16th, 2022 from https://thesoynutritioninstitute.com/consuming-soy-during-pregnancy-may-benefit-child/
Montgomery K. S. (2003). Soy protein. The Journal of perinatal education, 12(3), 42–45. https://doi.org/10.1624/105812403X106946
Patwal S. (reviewed by Gupta A.). (2022, June 3). Sugarcane Juice During Pregnancy: 9 Health Benefits, And Precautions To Take. Mom Junction. Retrieved on June 14th, 2022 from https://www.momjunction.com/articles/is-sugarcane-juice-safe-during-pregnancy_00348402/
Petre A. (2020, February 25). Is Soy Formula Safe for Your Baby? Healthline. https://www.healthline.com/nutrition/soy-formula
Public Health Nigeria. (2021, February 24). Is Sugarcane good for a Pregnant woman?. Retrieved on June 14th, 2022 from https://www.publichealth.com.ng/is-sugarcane-good-for-a-pregnant-woman/
Singh, A., Lal, U. R., Mukhtar, H. M., Singh, P. S., Shah, G., & Dhawan, R. K. (2015). Phytochemical profile of sugarcane and its potential health aspects. Pharmacognosy reviews, 9(17), 45–54. https://doi.org/10.4103/0973-7847.156340
U.S. Soybean Export Council. (n.d.). Recommended Soy Intakes. USSEC. Retrieved on June 16th, 2022 from https://ussec.org/wp-content/uploads/2015/10/SOY13_9_Recommended-Soy-Intakes.pdf
Vézina C. (2020, September 7). Puis-je consomer du soya pendant ma grossesse?. Dispensaire. Retrieved on June 16th, 2022 from https://www.dispensaire.ca/articles/puis-je-consommer-du-soya-pendant-ma-grossesse/
WebMD (reviewed by Brennan D.). (2020, November 3). Are there health benefits to eating sugarcane?. Retrieved on June 14th, 2022 from https://www.webmd.com/diet/health-benefits-sugarcane#1
Dear chị Chi, em nghe nói uống nước dừa giúp cho các bé da dẻ mịn màng hơn, nhưng một số lại cho rằng nước dừa mang tính hàn không tốt cho thai nhi, em hơi bị phân vân... mong chị Chi có thể recommend một chút ạ, em xin cám ơn chị~