Các biện pháp hỗ trợ sinh thường
Bản tin #HC2373: Forcep, ventouse, rạch chủ động, bạn biết gì về các kỹ thuật này?
“Chị ơi, em muốn đẻ thường nhưng em sợ đến lúc đấy khó đẻ, bác sĩ dùng forcep sẽ nguy hiểm cho con. Hay em xin đẻ mổ chủ động cho yên tâm hả chị?”.
Câu hỏi của khách hàng này cũng từng là một trong những nỗi lo của tôi lúc cận ngày sinh. Tôi cũng tự hỏi rằng nếu bác sĩ đưa ra lựa chọn, mổ cấp cứu hay dùng dụng cụ hỗ trợ, rạch chủ động hay để rách tự nhiên, tôi sẽ chọn gì? Vì lo lắng như vậy, nên tôi đã đi tìm hiểu hết các phương pháp này trước khi viết ra một bản kế hoạch sinh con.
Thông thường, các kĩ thuật hỗ trợ sinh được sử dụng khi cần thiết để hạn chế đẻ mổ cấp cứu. Đa phần, các kĩ thuật này được đánh giá là an toàn dù có tiềm ẩn những rủi ro nhỏ. Trong bản tin này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số thông tin cơ bản liên quan đến từng kĩ thuật.
Các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản
1. Ventouse
Ventouse hay còn được gọi là cốc hút chân không, được dùng để gắn vào đầu em bé và hút ra. Trung bình cứ 100 ca sinh thì có 4 ca sử dụng ventouse để hỗ trợ sinh.
Chiếc cốc ventouse thường vừa vặn với đầu của trẻ. Khi cơn co thắt đến, cùng với cơn rặn của người mẹ, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ đặt chiếc cốc này lên đầu em bé và hút nhẹ nhàng ra bên ngoài.
2. Forcep
Forcep là dụng cụ làm bằng kim loại mềm, có hình dáng giống 2 cái thìa to với đường cong vừa vặn với đầu em bé. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ cẩn thận đặt forcep quanh đầu em bé và kéo nhẹ nhàng ra ngoài khi có cơn co thắt kết hợp với cơn rặn của mẹ.
Trung bình, trong 100 sản phụ thì có 8-12 người được sử dụng kĩ thuật này để hỗ trợ sinh đẻ. Với những ca sinh non trước 36 tuần, forcep thường được khuyến khích hơn ventouse vì mềm hơn nên ít gây tác động lên đầu của trẻ sinh ra trong thời điểm này.
3. Rạch chủ động
Rạch chủ động là việc bác sĩ chủ động tạo ra một vết cắt giữa âm đạo và hậu môn trong quá trình sinh để giúp âm đạo được mở rộng hơn và em bé chui ra ngoài dễ dàng hơn.
Để tiến hành rạch, bác sĩ thường sử dụng thuốc gây tê tại chỗ hoặc tăng cường thuốc gây tê màng cứng ở thời điểm rạch. Thường có hai loại rạch:
Rạch thẳng: vết rạch này thường nhanh lành hơn, ít đau hơn nhưng lại có nguy cơ cao bị rách rộng đến hậu môn.
Rạch chéo: tạo thành góc nên ít có nguy cơ bị rách đến vùng hậu môn, nhưng lại đau hơn và khó lành hơn.
Tỷ lệ rạch chủ động trong hỗ trợ sinh sản thường khá cao, và có sự khác nhau tùy từng quốc gia dựa trên khuyến cáo của cơ quan y tế mỗi nước. Ngày nay, tỷ lệ rạch chủ động có xu hướng giảm khi bác sĩ thấy kĩ thuật này không phải lúc nào cũng thật sự cần thiết nhắm tránh gây đau đớn và nhiễm trùng vết rạch ở sản phụ.