Well-being mẹ bầu và ngôi làng dành cho những người mẹ
Bản tin #HC2326: Một nơi hỗ trợ tinh thần dành cho những phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh con.
Xin chào bạn,
Mở đầu bản tin hôm nay, tôi muốn gửi đến bạn, những người phụ nữ của mình, lời chúc tốt đẹp nhất cho ngày Quốc tế Phụ nữ - mùng 8 tháng 3. Dù bạn đang ở đâu trên hành trình làm mẹ, tôi mong bạn sẽ luôn thấy bình yên và ngập tràn niềm vui để ngày nào trong năm cũng là ngày của bạn nhé.
Trong một ngày đặc biệt như này, tôi thiết nghĩ sẽ chia sẻ với bạn nhiều hơn về khía cạnh well-being trong thai kỳ. Well-being là một cụm từ trở nên phổ biến trong nhiều năm trở lại đây khi nói về sức khỏe tâm thần – một thứ quan trọng không kém và cũng cần được chăm sóc bên cạnh sức khỏe thể chất. Nếu bạn có tinh thần khỏe mạnh (well-being), bạn sẽ dễ dàng vượt qua những thử thách trong thai kỳ và cuộc sống mới sau khi sinh con.
Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Trước đây, khi nói đến sức khỏe tâm thần của người mẹ, các chuyên gia thường tập trung nhiều vào giai đoạn sau sinh khi những lo lắng, trầm cảm của mẹ có thể ảnh hưởng đến hành vi và các vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ khi lớn lên. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy sức khỏe tinh thần của mẹ bầu cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng trong thời gian thai kỳ.
Những người mẹ bị stress nhiều thường có hàm lượng hormone gây stress trong máu cao, khiến thai nhi trong khi tiếp xúc nhiều với loại hormone này thường có hạch hạnh nhân trong não hoạt động ở mức cao. Điều này dẫn đến việc những đứa trẻ có xu hướng bị lo lắng nhiều sau khi chào đời.
Nếu mẹ bầu bị lo lắng và trầm cảm trong thai kỳ có thể làm tăng khả năng trẻ sơ sinh gặp các vấn đề về kiểm soát cảm xúc sau này. Ngoài ra, những đứa trẻ này cũng có nguy cơ bị nhẹ cân khi sinh ra.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, có đến 1/5 phụ nữ mang thai và sau sinh bị ảnh hưởng bởi trầm cảm thai kỳ, trong đó hơn một nửa là không được chẩn đoán và có đến 85% không được điều trị. Điều này làm tăng rủi ro mắc bệnh tim mạch cũng như các vấn đề sức khỏe khác ở cả mẹ và con trong quá trình mang thai, lúc vượt cạn và sau sinh. Đây là một tình trạng đáng báo động và cần được xã hội quan tâm.
Khi nào bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài?
Việc mẹ bầu có những bất an, lo lắng trong thai kỳ là điều hoàn toàn dễ hiểu do những biến đổi diễn ra trong cơ thể cùng với việc phải đối mặt với trách nhiệm mới từ vai trò làm mẹ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn cứ mặc kệ tâm trạng của chính mình. Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh trầm cảm thai kỳ dễ bị bỏ qua là do mẹ bầu không nhận thức được các triệu chứng hay vấn đề của bản thân, chỉ nghĩ là do thiếu ngủ và kiệt sức chứ không trao đổi hay bàn bạc với ai.
Vì thế, trước hết, bạn hãy biết lúc nào mình cần sự giúp đỡ để không rơi vào những trạng thái tinh thần tệ hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe chính mình và em bé trong bụng. Vậy đâu là những dấu hiệu bạn cần lưu ý:
Bạn thường xuyên cảm thấy tồi tệ, buồn bã, lo lắng quá nhiều và kéo dài trên 2 tuần;
Bạn có những suy nghĩ và cảm xúc rất tiêu cực như muốn làm đau bản thân, không muốn sống nữa;
Bạn có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm như mất tập trung, cảm thấy không có hy vọng;
Bạn luôn luôn thấy căng thẳng, hồi hộp vào mọi lúc, mọi nơi;
Bạn có những cơn hoảng loạn hoặc phát triển các hành vi ám ảnh cưỡng chế;
Bạn có tiền sử mắc các bệnh lý về tâm thần trước kia.
Bạn nên làm gì khi thấy mình có trạng thái tinh thần không ổn?
Ngay khi có những biểu hiện như trên, kể cả nhẹ hơn, bạn cũng nên tìm đến người khác để được hỗ trợ. Hãy thừa nhận cảm xúc của mình và thẳng thắn nói cho người khác hiểu. Bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ khi tâm trạng không tốt lúc mang bầu.
Những người có thể hỗ trợ là bác sĩ, nữ hộ sinh, chồng, bố mẹ, bạn bè hay bất cứ ai mà bạn tin tưởng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến những người mẹ khác cũng đang mang thai để cùng nhau trao đổi những vấn đề gặp phải, biết đâu sau đó bạn sẽ nhận ra rằng những điều khiến mình lo lắng, sợ hãi thực ra cũng rất bình thường và phổ biến thì sao.
Bạn hãy nhớ rằng đừng bao giờ để bản thân mắc kẹt một mình trong những tâm trạng tồi tệ. Hãy chia sẻ để được lắng nghe và đồng hành, sẽ luôn có những người sẵn lòng giúp đỡ bạn, chỉ cần bạn cho phép họ làm điều đó, bạn nhé!
Bạn thân mến,
Trong quá trình tư vấn và hỗ trợ những người mẹ đang mang thai và sau sinh, tôi nhận ra rằng những bài viết về sức khỏe đôi khi là không đủ. Tôi luôn trăn trở về những điều tốt đẹp hơn mà mình có thể làm cho những người mẹ, đặc biệt là những người mẹ mới. Thật may mắn khi sau những băn khoăn đó, tôi tìm được một người đồng hành để đi cùng với mình.
, một người bạn cũng có rất nhiều mối bận tâm và suy nghĩ về những người mẹ, chính là người đồng hành mà tôi luôn tìm kiếm bấy lâu. Bản tin (tên cũ là Mommy as Coach) do Dương làm founder và phát triển giống như mảnh ghép còn lại về sức khỏe tinh thần khi đặt bên cạnh Her Care. Bạn có thể dễ dàng đọc bản tin này khi nhấn vào chuyên mục “Mom Village” trên trang chủ của Her Care nhé.Không chỉ có bản tin, Dương và tôi quyết định thành lập một cộng đồng để nuôi dưỡng những người mẹ mới với cái tên Mom Village – Nurturing a new mom. Mom Village hay ngôi làng của những người mẹ là nơi có bầu không khí trong lành, với những tán cây xanh rợp bóng và dòng nước chảy quanh. Ở đây, bạn – một người mẹ mới, sẽ có cơ hội được gặp gỡ những người mẹ khác, để có thể chia sẻ, để được lắng nghe và cùng nắm tay nhau vượt qua những khó khăn vất vả của thai kỳ hay những chông chênh trên hành trình làm mẹ.
Dương và tôi, với tư cách là admin của cộng đồng, sẽ hỗ trợ bạn qua nhiều hình thức khác nhau thông qua các bài viết chuyên môn hay giúp nhận diện cảm xúc, lắng nghe trong well-being room (Mommy Tea room), cùng bạn tâm sự và chia sẻ ẩn danh (Secret Garden)… Vì vậy, đừng ngần ngại đến với Mom Village để được hỗ trợ nhiều hơn, bạn nhé.
Cảm ơn vì đã chọn chúng tôi để đồng hành với bạn trên chặng đường đáng nhớ này!
------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/mental-wellbeing-during-pregnancy
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/Pregnancy-and-your-mental-health
https://www.heart.org/en/news/2022/05/09/what-expectant-moms-need-to-know-about-mental-health-during-and-after-pregnancy
https://med.stanford.edu/womensneuroscience/wellness_clinic/Pregnancy.html#NaN
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5954635/
https://www.webmd.com/baby/does-a-mothers-mental-health-affect-pregnancy