Tiền sản giật
Bản tin #HC2483: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thai kỳ
Nếu đang hoặc từng mang thai, chắc bạn đã được nghe cảnh báo về tiền sản giật, một trong những biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ. Nhưng bạn có biết cụ thể về bệnh lý này chưa?
1- Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là tình trạng mà huyết áp cao, xuất hiện protein trong nước tiểu, có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan của cơ thể như gan, thận, não, tim... Tiền sản giật cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ sau khi sinh con, thường trong vòng 48 giờ, gọi là tiền sản giật sau sinh.
2- Nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật
Nguyên nhân gây ra tiền sản giật chưa được xác định chắc chắn, có thể liên quan đến nhiều yếu tố. Một số chuyên gia cho rằng vấn đề này bắt đầu từ nhau thai khi mức độ lưu thông máu trong đó không được điều hòa, dẫn đến rối loạn huyết áp cao. Các yếu tố có thể dẫn đến tiền sản giật bao gồm các vấn đề về mạch máu, chế độ ăn uống, gen của người mẹ… Cụ thể hơn, mẹ bầu có nguy cơ cao mắc tiền sản giật ở một số trường hợp sau:
Từng mắc biến chứng ở lần mang thai trước: có thể là tiền sản giật, sinh con nhẹ cân…;
Mẹ hoặc chị gái từng bị tiền sản giật;
Thừa cân, béo phì;
Tuổi cao trên 40;
Mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, các bệnh tự miễn dịch như Lupus;
Mang đa thai;
Có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu;
Được điều trị hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
3- Các triệu chứng của tiền sản giật
Một trong những điều khiến tiền sản giật nguy hiểm là bạn có thể không có triệu chứng gì đáng chú ý, mà chỉ được phát hiện khi đi khám thai định kỳ. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý một số biểu hiện sau:
sưng tay, mặt và chân đột ngột hoặc nhanh chóng (lưu ý là việc bàn chân và mắt cá chân bị phù nhẹ được coi là bình thường);
chóng mặt, khó thở, thậm chí ngất xỉu;
những cơn đau đầu không biến mất bằng thuốc giảm đau đơn giản;
các vấn đề về thị lực như đèn nhấp nháy hoặc đốm trong mắt bạn;
đau dữ dội dưới xương sườn hoặc đau ở vai phải;
chứng ợ nóng không khỏi khi dùng thuốc kháng acid;
không đi tiểu thường xuyên;
buồn nôn và nôn.
Khi đi khám và kiểm tra thể chất, bác sĩ có thể phát hiện một số vấn đề sau:
Huyết áp cao, thường là 140/90 mm Hg hoặc cao hơn;
Protein dư thừa trong nước tiểu (protein niệu) hoặc các vấn đề liên quan đến thận;
Giảm tiểu cầu trong máu;
Men gan tăng báo hiệu gan có vấn đề.
4- Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào?
Tiền sản giật nếu được phát hiện và điều trị, mẹ bầu có thể sinh con khỏe mạnh và hồi phục hoàn toàn. Trong trường hợp ngược lại, mẹ bầu có thể gặp những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như:
Thai nhi chậm tăng trưởng: tiền sản giật khiền các động mạch mang máu đến thai nhi bị ảnh hưởng nên em bé không nhận đủ máu, oxy và các chất dinh dưỡng. Từ đó, trẻ tăng trưởng chậm so với tuổi thai, cân nặng khi sinh thấp.
Sinh non: trẻ được sinh ra trước 37 tuần. Trong một số trường hợp bác sĩ phải chủ động cho trẻ sinh non để bảo vệ tính mạng của cả mẹ và con.
Nhau bong non: tình trạng nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, gây chảy máu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Tan máu, tăng men gan và lượng tiểu cầu thấp (Hội chứng HELLP): hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan của mẹ, đe dọa tính mạng của mẹ cũng như em bé và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe suốt đời cho người mẹ.
Sản giật: xuất hiện các cơn co giật hoặc hôn mê ở mẹ bầu.
Tổn thương các cơ quan khác: như tổn thương gan, thận, phổi, tim, mắt…, có thể gây đột quỵ hoặc chấn thương não. Mức độ tổn thương sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính ở mẹ sau này như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh thận.
5- Cách phòng và điều trị tiền sản giật
Đến thời điểm này, chưa có cách nào được chứng minh hữu hiệu để phòng tiền sản giật hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đưa ra một số gợi ý cho bạn như:
Bổ sung đầy đủ canxi hàng ngày từ tuần thứ 20 của thai kỳ, đảm bảo lượng canxi hấp thu vào cơ thể ít nhất 1000 mg/ngày;
Sử dụng aspirin liều thấp: bạn không nên tự ý sử dụng aspirin khi không có chỉ định của bác sĩ;
Duy trì lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì.
Thăm khám thai định kỳ để phát hiện các dấu hiệu sớm của tiền sản giật.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc tiền sản giật khi đi khám sức khỏe, điều bạn cần làm là tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tùy mức độ của tiền sản giật, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ở trong bệnh viện để theo dõi cả mẹ và con. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê cho bạn các thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc ngăn ngừa động kinh, thuốc corticoid.
Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn chuyển dạ và sinh con sớm trước ngày dự sinh. Thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bạn bao gồm tuổi thai, kích thước em bé, mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật đối với bạn.
Sau khi sinh con xong, bạn vẫn có nguy cơ cao gặp phải biến chứng của tiền sản giật trong vài ngày đầu, vì thế, bạn có thể phải ở lại viện lâu hơn để theo dõi và điều trị. Sau khi sinh xong 6 tuần, bạn cũng cần đi khám lại để đảm bảo huyết áp trở lại bình thường và không còn protein trong nước tiểu.
Bạn thân mến, tiền sản giật tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu bạn thăm khám đầy đủ. Ngoài ra, nếu duy trì lối sống lành mạnh, nguy cơ mắc tiền sản giật của bạn cũng sẽ được giảm đi đáng kể. Vì thế, bạn hãy chủ động chăm sóc sức khỏe thai kỳ và thăm khám thường xuyên nhé.
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ!
------------
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.preeclampsia.org/what-is-preeclampsia
2. https://medlineplus.gov/ency/article/000898.htm
3. https://www.healthdirect.gov.au/pre-eclampsia
4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745
5. https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/preeclampsia