Thuốc nguồn gốc thực vật có an toàn với thai kỳ không?
Bản tin #HC2363: Những loại thảo mộc nào mẹ bầu được phép hoặc có thể cân nhắc sử dụng?
Dù là dược sĩ, nhưng tôi ít có thói quen sử dụng thuốc tây. Điều này xuất phát một phần do từ bé đến lớn, mẹ hay cho tôi dùng các thuốc có nguồn gốc thực vật hoặc đông y. Rất hiếm khi tôi dùng kháng sinh để trị ho. Mẹ tôi tin rằng các loại thuốc này lấy từ cây cỏ, giống như mình ăn chúng, về cơ bản là lành tính, không độc hại gì.
Tuy nhiên, điều này có vẻ không còn đúng khi tôi mang thai. Đa phần các loại thuốc đông y, các thuốc thực vật hoặc thực phẩm chức năng từ cây cỏ đều ghi dòng chữ “Không sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú”. Ghi chú này cũng từng khiến tôi băn khoăn không chỉ với thuốc, thực phẩm chức năng mà với cả trà thảo mộc nữa. Vậy lựa chọn nào được đưa ra cho mẹ bầu?
Nếu bạn cũng có thói quen sử dụng các thuốc thảo mộc như vậy, bản tin này sẽ đưa cho bạn một số thông tin về việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thực vật trong thai kỳ.
Thói quen sử dụng thuốc có nguồn gốc thực vật ở phụ nữ mang thai
Các thuốc thực vật hay còn được gọi là thảo dược thường có thành phần chính là các loài cây cỏ với các dạng chế biến khác nhau như bột nghiền nhỏ, dịch chiết xuất với nước hoặc cồn hay các dung môi hữu cơ khác.
Trong nhiều nền văn hóa, mẹ bầu thường sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thực vật để giảm bớt một số vấn đề khó chịu trong thai kỳ và sau sinh như ốm nghén, chống viêm, giảm táo bón, điều trị nhiễm trùng đường tiểu, giúp an thần dễ ngủ. Các thuốc này thường được bán tự do ở hiệu thuốc, thậm chí siêu thị và không cần kê đơn nên nhiều mẹ bầu có xu hướng bỏ qua việc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mua về sử dụng. Thực tế, ở nhiều nước khác nhau, tỉ lệ mẹ bầu sử dụng thuốc thực vật khá cao như 10-73% ở Mỹ, 36% ở Na Uy, 81% ở Nam Ý.
Thuốc thực vật có an toàn cho phụ nữ mang thai không?
Nhìn chung, các chuyên gia sức khỏe thường khuyên mẹ bầu tránh sử dụng thảo dược, trừ khi chúng thật cần thiết. Nguyên nhân là trong thảo dược thường chứa nhiều thành phần khác nhau và khá phức tạp trong khi lại chưa có nhiều nghiên cứu về mức độ an toàn khi dùng cho phụ nữ có thai. Có rất nhiều loại chống chỉ định cho mẹ bầu khi dùng với liều cao hoặc có hàm lượng đậm đặc dù chúng được coi là khá an toàn khi dùng vơi một lượng nhỏ trong món ăn.
Ngoài ra, các thực phẩm chức năng từ thực vật, trà thảo mộc có thể bị nhiễm tạp chất, thuốc trừ sâu, chất bảo quản từ quá trình trồng trọt, chế biến trong khi nhóm sản phẩm này có quy định lỏng lẻo, không được kiểm soát bởi cơ quan dược phẩm cấp cao.
Vì những điều đó, nếu muốn dùng thuốc thực vật, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Luôn hỏi ý kiến của các chuyên gia sức khỏe trước khi mua về dùng, tránh việc tự chẩn đoán và tự điều trị;
Lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu nhằm đảm bảo chất lượng của thuốc, thực phẩm chức năng, trà thảo mộc;
Sử dụng đúng loại (lá, thân, rễ, quả) và đúng cách với liều lượng được hướng dẫn bởi bác sĩ, dược sĩ hoặc được ghi trên bao bì, nhãn mác.