Thuốc có phải lúc nào cũng gây hại cho thai kỳ?
Bản tin #HC2344: Phân loại tác động của thuốc đối với phụ nữ có thai.
Xin chào bạn,
Ngày hôm nay của bạn thế nào?
Tôi thì vẫn bận rộn với công việc tư vấn chăm sóc sức khỏe thai kỳ bên cạnh công việc fulltime của một dược sỹ. Gần đây, có lẽ do thời tiết thay đổi thất thường, mọi người dễ mắc bệnh hơn nên tôi hay nhận được các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng thuốc, đặc biệt là với đối tượng mẹ bầu bởi những mối lo ngại về sự ảnh hưởng của thuốc lên thai kỳ.
Theo bạn, việc sử dụng thuốc có phải lúc nào cũng gây hại cho thai kỳ không?
Trong bản tin hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số thông tin về chủ đề này nhé.
Thuốc là gì?
Thuốc là các chế phẩm được sử dụng để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật.
Thuốc được chia làm 2 loại chính:
Thuốc kê đơn: các thuốc cần được kê đơn bởi bác sĩ, nha sĩ hay các chuyên gia sức khỏe được phép kê đơn thuốc.
Thuốc bán tại quầy (thuốc OTC): là các thuốc có thể được mua tại hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tồn tại một thực tế rằng nhiều thuốc thuộc nhóm thuốc kê đơn vẫn được bán tự do tại quầy. Về cơ bản, tôi không khuyến khích bạn mua thuốc như vậy vì với các nhóm thuốc cần kê đơn, các bác sĩ sẽ cần thăm khám để đánh giá chính xác tình trạng bệnh mới đưa ra được loại thuốc phù hợp với thể trạng của bạn.
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng quay lại chủ đề sử dụng thuốc trong thai kỳ nhé.
Thực tế, tình trạng dùng thuốc trong thai kỳ là khá phổ biến. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, có 9 trên 10 phụ nữ sử dụng thuốc trong thai kỳ của họ trong đó 7 trên 10 người sử dụng thuốc thuộc nhóm kê đơn. Nguyên nhân là do một số phụ nữ có vấn đề về sức khỏe từ trước khi mang thai, cần tiếp tục điều trị trong khi một số khác lại gặp phải một số vấn đề khó chịu trong thai kỳ như ốm nghén, ợ nóng, tiểu đường…
Dùng thuốc trong thai kỳ có an toàn không?
Ngày nay, chúng ta biết được rằng thuốc có thể tác động lên thai kỳ thông qua nhiều cách khác nhau.
Đa phần các thuốc đều có khả năng đi qua được nhau thai (nơi vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ mẹ sang con). Các thuốc khi vào máu mẹ có thể đi qua màng nhau thai (dùng để ngăn cách máu mẹ và máu thai nhi), truyền qua dây rốn đến thai nhi, từ đó ảnh hưởng đến em bé trong bụng theo nhiều cách như tác động trực tiếp lên thai nhi, gây tổn thương, dị tật bẩm sinh hoặc tử vong.
Tuy nhiên, ngay cả những loại thuốc không đi qua nhau thai vẫn có thể gây hại cho em bé trong bụng do ảnh hưởng đến tử cung hoặc nhau thai như:
Thay đổi chức năng của nhau thai, làm giảm việc cung cấp oxy và dinh dưỡng cho em bé khiến bé nhẹ cân, kém phát triển;
Khiến các cơ tử cung co bóp mạnh, dẫn đến sảy thai, chuyển dạ và sinh non;
Ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi (ví dụ: thuốc hạ huyết áp làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi).
Mức độ ảnh hưởng của thuốc đến thai kỳ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của thai nhi, loại thuốc, nồng độ và liều lượng của thuốc, các yếu tố liên quan đến người mẹ như khả năng hấp thu thuốc… Có một điều cần lưu ý là ngay cả các thuốc thuộc nhóm OTC, bán tại quầy không cần kê đơn, cũng có thể gây hại cho mẹ bầu và thai nhi.
Thế nhưng, trong một số trường hợp, việc tránh hay ngừng sử dụng thuốc trong thai kỳ có thể gây nguy hiểm hơn cả việc phải dùng chúng bởi nhiều mẹ bầu cần uống thuốc để kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình. Các vấn đề khiến mẹ bầu phải dùng thuốc bao gồm:
Bệnh lý trong thai kỳ như tiểu đường, bệnh nhiễm trùng, cúm, cảm lạnh, bệnh về huyết áp, thiếu máu… Dù là phát sinh trước hay trong quá trình mang thai, các bệnh này đều cần được điều trị để tránh gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Khó chịu xuất hiện khi mang thai do thay đổi hormone và thể chất như buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, ợ hơi, đau đầu, đau bụng, đau lưng… Mẹ bầu có thể cần dùng thuốc trong các trường hợp này để cải thiện chất lượng sống, tránh việc quá mệt mỏi, kiệt sức trong thai kỳ.
Rủi ro thai kỳ như nguy cơ sảy thai, sinh non. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc các loại thuốc giữ thai.
Hỗ trợ quá trình sinh: như oxytocin được tiêm để thúc đẩy quá trình chuyển dạ, tiêm thuốc gây tê màng cứng để giảm đau, sử dụng thuốc cầm máu…
Trong mỗi tình huống, các bác sĩ sẽ đánh giá xem thuốc có an toàn với phụ nữ có thai không và cân nhắc mối quan hệ giữa lợi ích và rủi ro để đưa ra lựa chọn phù hợp cho mẹ bầu.
Phân loại mức độ ảnh hưởng của thuốc đến thai kỳ
Trước năm 2015, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phân loại mức độ ảnh hưởng của thuốc đối với thai kỳ thành 5 nhóm tương ứng với 5 chữ cái A, B, C, D và X. Nhưng hệ thống phân loại này gây khó khăn cho các chuyên gia y tế và cả bệnh nhân, nên hiện tại, FDA chỉ yêu cầu ghi rõ thông tin trong hướng dẫn sử dụng thuốc theo 3 nhóm chính:
Mang thai: Thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai (ví dụ: liều lượng, nguy cơ đối với thai nhi) và thông tin về việc liệu đã có cơ quan đăng ký nào thu thập và duy trì dữ liệu về mức độ ảnh hưởng của thuốc đối với phụ nữ mang thai hay không.
Cho con bú: Thông tin về việc sử dụng thuốc trong khi cho con bú (ví dụ: lượng thuốc trong sữa mẹ, tác dụng có thể xảy ra đối với trẻ bú sữa mẹ)
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ và nam giới: Thông tin về thử thai, tránh thai và vô sinh liên quan đến thuốc.
Việc ghi thông tin như trên khiến bác sĩ, dược sĩ và cả người dùng (ở đây là phụ nữ mang thai) có thể dễ dàng đọc được các khuyến cáo về dùng thuốc cho mẹ bầu.
Tóm lại, điều bạn cần ghi nhớ nhất ở đây là không tự ý sử dụng thuốc khi mang thai mà không hỏi ý kiến bác sĩ kể cả thuốc thuộc nhóm không cần kê đơn. Nếu bạn buộc phải dùng thuốc để giải quyết vấn đề liên quan đến sức khỏe của mình và đã được bác sĩ kê để phù hợp với thai kỳ thì nên tiếp tục sử dụng, không tự ý đổi thuốc hay ngừng thuốc.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và ít phải dùng đến thuốc nhé!
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/pregnancy/meds/treatingfortwo/facts.html
https://www.cdc.gov/pregnancy/meds/treatingfortwo/treatment-guidelines.html
https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/4396-medicine-guidelines-during-pregnancy
https://www.webmd.com/baby/guide/taking-medicine-during-pregnancy
https://www.thewomens.org.au/images/uploads/fact-sheets/Medicines-in-pregnancy-171018.pdf