Sữa non – Nguồn dưỡng chất tuyệt vời cho trẻ sơ sinh
Bản tin #HC2353: Những điều cần biết về sữa non ở mẹ bầu.
Xin chào bạn,
Hi vọng bạn vẫn khỏe !
Hôm nay, bản tin Her Care đã trở lại sau 2 tuần nghỉ hè. Sự trở lại của bản tin rơi đúng vào tuần lễ thế giới “Nuôi con bằng sữa mẹ” diễn ra từ ngày 01/08-07/08. Vì thế, trong bản tin tuần này, tôi muốn chia sẻ với bạn các thông tin liên quan đến sữa mẹ. Ngoài ra, trong cộng đồng Mom Village, tôi cũng đang khuyến khích các mẹ chia sẻ những kỉ niệm, câu chuyện truyền cảm hứng hoặc kể về những khó khăn trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bạn từng có trải nghiệm nuôi con sữa mẹ hoặc chứng kiến trải nghiệm của người khác, bạn có thể vào làng để kể nhé.
Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu với các kiến thức về sữa non bởi loại sữa này có thể xuất hiện sớm, ngay cả khi bạn mới đang mang thai.
Sữa non là gì?
Sữa non, hay còn gọi là colostrum, là loại sữa mẹ được sản xuất sớm nhất, bắt đầu từ giữa thai kỳ (12-18 tuần) đến vài ngày sau khi trẻ được sinh ra. Nếu bạn từng mang thai trước kia, việc sản xuất sữa non có thể xuất hiện sớm hơn so với lần mang thai đầu tiên.
Sữa non thường đặc, dính, sánh, có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt. Do sữa non được sản xuất sớm nên ngay từ tam cá nguyệt thứ hai, một số mẹ bầu có thể thấy vài giọt sữa chảy ra từ núm vú hoặc sữa bị khô lại bám trên đầu ti hoặc bên trong áo lót. Đây là một hiện tượng bình thường ở phụ nữ mang thai, cho thấy ngực của mẹ đã sẵn sàng để sản xuất và cung cấp sữa cho con ngay khi em bé chào đời. Việc ra sữa non không báo hiệu rằng mẹ bầu sắp sinh.
Trong khi một số mẹ bầu ra sữa non ngay sau tam cá nguyệt thứ nhất thì một số khác lại chỉ thấy sữa non từ tam cá nguyệt thứ ba, hoặc không thấy gì do sữa non thường chỉ chảy ra với một lượng nhỏ (nếu có) khiến mẹ bầu đôi khi không để ý. Việc mẹ bầu ra sữa non trong thai kỳ không đồng nghĩa với việc mẹ sẽ có quá nhiều sữa khi em bé được sinh ra và ngược lại, không chảy sữa trong thời kỳ mang thai không có nghĩa là mẹ sẽ ít sữa cho con bú sau này. Mỗi cơ thể phụ nữ là khác nhau nên mẹ không cần phải quá lo lắng khi thấy hoặc không thấy sữa non ra sớm khi mang bầu.
Lợi ích của sữa non đối với trẻ sơ sinh
Sữa non chứa nhiều protein và ít chất béo hơn sữa mẹ trưởng thành vì trẻ sơ sinh chỉ cần một lượng sữa nhỏ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Sữa được cung cấp với lượng ít giúp trẻ mới sinh ra điều chỉnh chu kỳ bú, nuốt và thở trong khi bú.
Sữa non rất giàu kháng thể IgA (Immunoglobulin A), giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn này khỏi bị nhiễm trùng và từ đó phát triển hệ miễn dịch trong những tháng đầu đời. Ngoài ra, sữa non giúp thiết lập hệ thống vi sinh vật đường ruột cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ tránh khỏi dị ứng, đồng thời khuyến khích bé mở ruột để thải phân su, giảm nguy cơ bị vàng da.
Mẹ bầu có thể vắt sữa non không?
Khi sữa non xuất hiện từ trong thai kỳ với lượng lớn, nhiều mẹ bầu tự hỏi liệu có nên vắt ra trước để dành cho con khi trẻ ra đời. Điều này hoàn toàn có thể vì mang nhiều lợi ích như sau:
Xây dựng nguồn cung cấp sữa non hữu ích trong trường hợp em bé cần bú thêm nhưng bạn không muốn con dùng sữa công thức;
Tích trữ lượng sữa non cần thiết trong trường hợp mẹ sinh đôi, sinh ba, cần được nghỉ ngơi trong những ngày đầu;
Dự trữ sữa non nếu em bé cần được chăm sóc đặc biệt, trẻ sinh non, trẻ có mẹ bị tiểu đường… hoặc có khả năng bị tách khỏi mẹ do mẹ đẻ mổ.
Việc vắt sữa non (nếu có) thường diễn ra trong những tuần cuối của thai kỳ (từ 36 tuần trở đi), ngày 2-3 lần và được thực hiện bằng tay thay vì máy vắt sữa. Bạn cần kiên nhẫn khi học cách vắt sữa non bằng tay.
Thế nhưng, bạn cần lưu ý rằng không phải lúc nào bạn cũng có thể vắt sữa non. Việc làm này thường không được khuyến khích nếu bạn có nguy cơ chuyển dạ sớm, có tiền sử đẻ non trước đó, chảy máu trong thời kỳ mang thai, bị chẩn đoán nhau tiền đạo, không thể bảo quản sữa non an toàn và hợp vệ sinh. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ của mình trước khi thực hiện việc vắt sữa non lúc mang thai. Tuy nhiên, nếu bác sĩ cho rằng việc vắt sữa non là an toàn nhưng trong quá trình vắt sữa, bạn cảm thấy có cơn co thắt hoặc chảy máu âm đạo thì nên dừng lại ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ.
Sữa non sau khi vắt ra cũng cần được bảo quản đúng cách, để tủ đông với nhiệt độ -18°C do chưa được dùng ngay, hoặc để ở nhiệt độ 2-4°C trong vòng tối đa 24 giờ trước khi cấp đông. Các túi đựng sữa non nên được dán nhãn đầy đủ, ghi rõ ngày vắt sữa và lượng sữa trong mỗi túi. Sữa non vắt ra có thể bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh đến 3 tháng.
Tôi hi vọng những thông tin trên sẽ mang đến cho bạn những hiểu biết cơ bản liên quan đến sữa non. Sữa non chỉ được sản xuất cho đến khoảng 4 ngày sau sinh, sau đó ngực mẹ sẽ sản xuất sữa chuyển tiếp trong khoảng 2 tuần rồi chuyển sang sữa trưởng thành. Trong bản tin tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ với bạn một số thông tin liên quan đến dinh dưỡng và chế độ ăn của phụ nữ nuôi con bú nên bạn hãy đón đọc nhé.
Chúc bạn nhiều sức khỏe.
----------------
Tài liệu tham khảo:
American Academy of Pediatrics. (2009, November 2). Colostrum: Your Baby’s First Meal. Healthychildren.org. Retrieved June 18, 2022 from https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/Pages/Colostrum-Your-Babys-First-Meal.aspx
American Academy of Pediatrics. (2009, November 2). How Your Body Prepares For Breastfeeding. Healthychildren.org. Retrieved June 18, 2022 from https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/prenatal/delivery-beyond/Pages/How-Your-Body-Prepares-For-Breastfeeding.aspx
American Pregnancy Association. (n.d.). Colostrum – The Superfood for your Newborn. Retrieved June 18, 2022 from https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/breastfeeding/colostrum-is-superfood-for-your-newborn/
Australian Government. (2021, July). Antenatal expression of colostrum. Pregnancy birth & Baby. Retrieved June 18, 2022 from https://www.pregnancybirthbaby.org.au/antenatal-expression-of-colostrum
Bryant J, Thistle J. [2021, October 30]. Anatomy, Colostrum. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 Jan-. Retrieved June 18, 2022 from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513256/
Cleveland Clinic. (2022, February 2). Colostrum. Retrieved June 18, 2022 from https://my.clevelandclinic.org/health/body/22434-colostrum
Doray C. (2017, October). Tout savoir sur le colostrum, le premier lait maternel. Passeport santé. Retrieved June 18, 2022 from https://www.passeportsante.net/fr/grossesse/Fiche.aspx?doc=colostrum-premier-lait-maternel
La leche league international. (2018, January). Colostrum: General. Retrieved June 18, 2022 from https://www.llli.org/breastfeeding-info/colostrum-general/
NHS. (2021, January 26). Leaking from your nipples. Retrieved June 18, 2022 from https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/leaking-nipples/
Powell C. (2020, October 5). The Benefits of Antenatal Colostrum Harvesting. La leche league international. Retrieved June 18, 2022 from https://www.llli.org/the-benefits-of-antenatal-colostrum-harvesting/
University Hospital Southampton. (2022, May). Collecting your colostrum while you are pregnant. Retrieved June 18, 2022 from https://www.uhs.nhs.uk/Media/UHS-website-2019/Patientinformation/Pregnancyandbirth/Collecting-your-colostrum-while-you-are-pregnant.pdf
Wisner W. (reviewed by Wallis M.). (2022, May 10). Does milk leak during Pregnancy, and When might it happen?. Healthline. Retrieved from https://www.healthline.com/health/womens-health/when-does-milk-start-leaking-during-pregnancy