Sinh non là gì?
Bản tin #HC2375: Những thông tin giúp bạn hiểu hơn về nỗi lo thường trực trong những tháng cuối thai kỳ
Tôi có một người bạn mới sinh con đầu lòng. Hôm tôi vào thăm trong viện, bạn khóc nức nở vì cảm giác tội lỗi khi buộc phải sinh con sớm trước mấy tuần, em bé sinh non đang phải nằm lồng kính. An ủi bạn xong tôi vẫn còn cảm giác khó tả cho đến tận lúc về nhà.
Ngày 17/11 vừa qua cũng là Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non. Vì thế, tôi muốn chia sẻ thêm một số thông tin để các bạn hiểu hơn về câu chuyện “sinh non” ở mẹ bầu.
SINH NON LÀ GÌ?
Đa phần thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần nhưng sẽ có những em bé ra đời sớm hơn hoặc muộn hơn. Em bé chào đời trước 37 tuần được coi là sinh non.
Tùy vào thời điểm ra đời mà em bé sẽ được xếp vào mức độ sinh non khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức độ sinh non của trẻ như sau:
Dưới 28 tuần: cực kỳ non;
Từ 28 đến 32 tuần: rất non;
Từ 32 đến 37 tuần: non vừa phải đến hơi non.
TRẺ SINH NON THƯỜNG GẶP VẤN ĐỀ GÌ ?
Trẻ sinh ra trong khoảng 36-37 tuần trông giống một em bé sinh đủ tháng nhưng nhỏ hơn và nhẹ cân hơn một chút trong khi những đứa trẻ rất non nhìn vô cùng nhỏ và mong manh. Ngoài cân nặng và kích thước, trẻ sinh non còn gặp phải một số vấn đề sức khỏe phức tạp.
Các bộ phận trên cơ thể chưa phát triển đầy đủ
Da: da trẻ thường bóng, mờ, khô hoặc bong tróc, lớp mỡ dưới da chưa phát triển để giữ ấm cơ thể ;
Mắt: mí mắt nhắm chặt, võng mạc chưa phát triển đầy đủ ở những tuần đầu;
Tóc: tóc ít nhưng lại có nhiều lông tơ ;
Bộ phận sinh dục nhỏ và kém phát triển.
Thiếu máu
Em bé không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy trong cơ thể khiến các cơ quan khó hoạt động bình thường.
Vấn đề về hô hấp
Phổi là một trong những cơ quan phát triển cuối cùng ở thai nhi nên trẻ sinh non dễ gặp các vấn đề về hô hấp như hội chứng ngừng thở, suy hô hấp…
Nhiễm trùng
Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng hơn trẻ sinh đủ tháng. Nhiễm trùng ở trẻ sinh non có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.
Vấn đề về tim mạch
Mạch máu của trẻ có thể không đóng đúng cách dẫn đến quá nhiều máu chảy vào phổi, gây ra các vấn đề về tim và hô hấp.
Vàng da sơ sinh
Da và lòng trắng của mắt có màu vàng do sự tích tụ của bilirubin trong máu. Hiện tượng vàng da xảy ra khi gan của trẻ chưa phát triển đầy đủ hoặc hoạt động không tốt.
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN SINH NON
Đa phần nguyên nhân sinh non không được biết rõ. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân dẫn đến rủi ro này như:
Vấn đề với cổ tử cung: tử cung quá yếu nên khó giữ được trọng lượng của em bé và mở sớm;
Tử cung có hình dạng bất thường;
Mang đa thai: mẹ bầu mang đa thai thường sinh con sớm hơn trường hợp mang thai đơn;
Mẹ bầu có bệnh lý (ví dụ: tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng) cần phải được kích thích để đẻ sớm;
Vấn đề nhau thai: suy nhau thai, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược hoặc nhau bong non;
Mẹ bầu có tiền sử chuyển dạ sớm trong thai kỳ trước đó;
Mẹ bầu không tăng đủ cân trong thai kỳ;
Vỡ ối sớm dẫn đến cạn ối, thai nhi dễ bị nhiễm trùng khi ở trong bụng mẹ;
Mẹ bầu hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất gây nghiện.
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ HẠN CHẾ SINH NON ?
Tình trạng sinh non đôi khi không thể ngăn chặn được, nhất là trong những trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một số điều sau để giảm thiểu nguy cơ này:
Khám định kỳ thường xuyên và đầy đủ (1 lần/tháng): để phát hiện các biến chứng tiềm ẩn như tiền sản giật, tiểu đường, nhiễm trùng tiết niệu…;
Ăn uống lành mạnh: đảm bảo mẹ bầu tăng đủ lượng cân cần thiết trong thai kỳ, không quá ít, không quá nhiều. Ăn uống lành mạnh còn đồng nghĩa với việc ăn uống đảm bảo vệ sinh, phòng tránh nhiễm trùng qua con đường thực phẩm;
Duy trì lối sống lành mạnh: không uống rượu, hút thuốc hay sử dụng chất gây nghiện khi mang thai;
Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh để bị căng thẳng quá mức hay mắc trầm cảm thai kỳ;
Vệ sinh răng miệng đầy đủ, đi khám răng trong thai kỳ nhằm tránh nhiễm trùng qua răng miệng;
Tiêm phòng đầy đủ trước và trong thai kỳ để tăng sức đề kháng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm khi mang thai.
TRẺ SINH NON SẼ ĐƯỢC CHĂM SÓC THẾ NÀO ?
Tùy vào thời điểm sinh non và tình trạng lúc chào đời mà trẻ sẽ cần được chăm sóc đặc biệt ở các mức độ khác nhau trong khu vực dành cho trẻ sinh non, được thăm khám và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo trẻ phát triển đầy đủ các cơ quan trên cơ thể.
Trẻ sẽ chỉ được ra viện và về nhà khi đáp ứng được các tiêu chí sau :
Nặng ít nhất 1,8 kg;
Có thể tự giữ ấm cơ thể mà không cần lồng ấp;
Có thể tự bú mẹ hoặc bú bình;
Cân nặng tăng đều đặn;
Trẻ có thể tự thở.
Sau khi rời bệnh viện, trẻ sinh non vẫn sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo trẻ vẫn tăng trưởng, phát triển đầy đủ bao gồm ngôn ngữ, vận động, kĩ năng học tập, phản xạ cơ thể…
Đến thời điểm hiện tại, y học đang rất phát triển nên tỷ lệ sống sót và phát triển bình thường của trẻ sinh non là rất cao, lên đến 90%. Vì thế, nếu bạn có một em bé sinh non, hãy tin tưởng vào con, vào các chuyên gia y tế và vào chính bản thân mình. Bạn cũng không nên đổ lỗi cho chính mình vì chuyện sinh non là ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Hãy cứ yêu thương con và bản thân mình thật nhiều bạn nhé.
------------
Tài liệu tham khảo: