Tháng trước, trong quá trình làm webinar về “Sinh mổ và phục hồi”, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi của các mẹ bầu hoặc mẹ mới sinh gửi về. Đây cũng là những câu hỏi tôi thường gặp trong quá trình tư vấn sức khỏe cho các mẹ, nên trong bản tin này, tôi sẽ tổng hợp lại để bạn tiện theo dõi nhé.
Mẹ sau sinh mổ cần lưu ý gì để phục hồi thể chất nhanh chóng?
Trả lời:
Để phục hồi thể chất sau sinh mổ, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng thuốc, cách vận động đi lại sau sinh. Bạn đừng ngại ngần nói với bác sĩ những vấn đề mình gặp phải. Ví dụ: sử dụng thuốc giảm đau nhưng vẫn cảm thấy đau quá; hoặc thấy hơi ngứa thì có thể do bạn bị dị ứng với một loại thuốc giảm đau, để bác sĩ có thể nghiên cứu và đổi thuốc cho bạn.
Nếu trong ngày đầu, bạn cảm thấy khó khăn để di chuyển, hãy tìm đến sự giúp đỡ của y tá, người thân trong gia đình để họ dìu bạn đi hoặc giúp bạn chuyển đổi tư thế một cách dễ dàng hơn. Nếu không thể đi lại quá nhiều, bạn có thể sử dụng tất chống co giãn tĩnh mạch, để giảm biến chứng nguy hiểm về cục máu đông sau sinh. Chúng ta không nên đi cầu thang mà nên đi đường bằng phẳng. Nếu ở nhà lầu, phải đi lên đi xuống các tầng thì bạn nên nhờ người thân trong gia đình mang đồ ăn thức uống, vật dụng cần thiết lên trên phòng của bạn và em bé.
Về phần chăm sóc vết thương, bạn cần làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu muốn, bạn có thể tắm nhanh nhưng không ngâm bồn. Các mẹ cần thăm khám để đảm bảo rằng không có vấn đề gì về vết mổ, hay không có biến chứng gì từ việc sinh mổ.
Ngoài những lưu ý trên, bạn cần duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ để cơ thể phục hồi, hạn chế tình trạng táo bón sau sinh mổ.
Mẹ sau sinh mổ thường trải qua những khó khăn về tâm lý. Vậy người mẹ có thể làm gì để cải thiện khía cạnh tinh thần sau trải nghiệm này?
Trả lời:
Nhiều người mẹ ban đầu mong muốn sinh qua âm đạo nhưng cuối cùng phải mổ do cấp cứu hoặc chỉ định y tế thường bị ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần ở thời điểm mới sinh và một thời gian sau. Nhất là khi phải đối diện với những câu hỏi từ mọi người xung quanh, tinh thần của người mẹ có thể càng đi xuống. Có mẹ còn miêu tả quá trình sinh mổ cấp cứu giống như việc “chuẩn bị một chuyến du lịch đến bãi biển xinh đẹp nhưng cuối cùng của lại bị đưa đến Bắc Cực”.
Vì thế, tôi mong bạn hiểu rằng cho dù chuyện gì xảy ra, bạn cũng không hề có lỗi. Mọi quyết định đưa ra để đảm bảo an toàn nhất cho cả bạn và con ở thời điểm ấy.
Thế nên, điều bạn nên làm là chấp nhận, không đổ lỗi cho bản thân, nhìn về phía trước thay vì quay lại quá khứ để hỏi là tại sao khi đó mình không làm như vậy, không đưa ra một quyết định khác hay tại sao chuyện này lại xảy đến với mình?
Thêm vào đó, để vượt qua trải nghiệm không mấy dễ dàng này, bạn có thể trò chuyện với người thân, bạn bè, bác sĩ,... về cảm giác của bạn, nhất là các cảm giác tiêu cực bởi việc nói ra được sẽ giúp giải tỏa nhiều về mặt tâm lý. Bạn cũng có thể tham gia cộng đồng của những người mẹ như cộng đồng Mom Village để giãi bày tâm sự. Cùng với Dương và nhiều mẹ khác, tôi luôn ở đây sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ bạn trên hành trình làm mẹ.
Ngoài ra, bạn cũng cần làm quen dần với cơ thể sau sinh của mình và học cách chấp nhận nó. Dù sinh thường hay sinh mổ, cơ thể sau sinh của người mẹ chắc chắn sẽ khác với cơ thể trước khi sinh. Bạn sẽ cần thời gian để phục hồi, lấy lại sắc hồng của mình bằng cách lên kế hoạch chi tiết và kiên trì thực hiện.
Việc tiêm tủy sống khi mổ có gây nhiều biến chứng, tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sự phục hồi sau sinh không? Có cách nào để hạn chế các vấn đề này?
Trả lời:
Tác động của việc gây tê tủy sống đến mẹ sau sinh thường phụ thuộc hai yếu tố:
Thứ nhất là thuốc. Mỗi cơ thể có phản ứng với các thuốc gây tê, gây mê khác nhau. Thông thường, tác dụng phụ của các loại thuốc này sẽ biến mất sau khoảng 2 ngày và không ảnh hưởng nhiều đến mẹ và bé. Chúng ta cần thảo luận với bác sĩ về vấn đề sức khỏe trước và trong quá trình mang thai để loại bỏ được những tác dụng phụ liên quan đến thuốc gây tê như dị ứng, sốc phản vệ, không đáp ứng thuốc.
Thứ hai là thao tác của bác sĩ trong quá trình chọc tủy sống. Các sai sót có thể dẫn đến biến chứng, tác dụng phụ. Vì thế bạn nên chọn những bệnh viện lớn, uy tín, đảm bảo tay nghề của bác sĩ trong việc gây tê tủy sống và xử lý tình huống cấp cứu.
Sau sinh nếu không có vấn đề gì về sức khỏe, vết mổ thì bao lâu nên đi khám?
Trả lời:
Dù là sinh thường hay sinh mổ thì bạn cũng nên đi khám trong khoảng 1 tháng sau sinh. Nếu có thể, việc đi khám trong vòng từ 7 đến 21 ngày sẽ tốt hơn. Khi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra vết mổ xem có bị sưng tấy, nhiễm trùng không, đã liền chưa, có cắt chỉ không (nếu không phải chỉ tự tiêu). Ngoài vết mổ, bác sĩ sẽ xem tình trạng chung của mẹ như đo huyết áp, kiểm tra cơ thể.
Sau lần đi khám đầu tiên sau sinh, mẹ nên đi khám lại thêm lần nữa trong khoảng từ 6 đến 8 tuần sau sinh để đảm bảo cơ thể đã phục hồi. Lúc này, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc tập luyện phục hồi chức năng, những biện pháp tránh thai và các vấn đề cần lưu ý ở những lần mang thai tiếp theo.
Hệ miễn dịch cho con có bị ảnh hưởng nhiều sau sinh mổ không?
Trả lời:
Khi sinh thường, trẻ thường có hệ miễn dịch tốt vì trong quá trình vượt cạn qua ngả âm đạo, trẻ sẽ tiếp xúc với những vi khuẩn đầu tiên, chính là yếu tố kích hoạt miễn dịch lần đầu cho trẻ. Với những em bé sinh mổ, quá trình này không diễn ra.
Trong thực tế, rất khó có thể khẳng định rằng bé có hệ miễn dịch hơi kém một chút là do quá trình sinh mổ. Hệ miễn dịch phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ dinh dưỡng, ngủ nghỉ, chăm sóc đến việc dùng thuốc cho con trong 3 năm đầu đời, việc con tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn nào trong quá trình trẻ đi học. Thế nên các mẹ đã sinh mổ không cần quá lo lắng.
Sau sinh mổ bao lâu thì có thể tập các bài tập phục hồi?
Trả lời:
Trong vòng 24 giờ sau sinh mổ, bạn nên đi lại nhẹ nhàng, để kích hoạt lại các chức năng ruột, bàng quang, hạn chế nguy cơ cục máu đông,.... Tuy nhiên chúng ta không đi lên đi xuống cầu thang trong vòng 2 tuần đầu.
Để tập luyện lại một bộ môn thể thao, bạn cần đợi cơ thể hồi phục hoàn toàn, vết mổ không có vấn đề gì nên thường là ít nhất 2 tháng sau sinh. Bạn nên có chuyên gia về tập luyện đồng hành trong thời gian đầu. Ngoài các bộ môn như Yoga, Pilates, bạn cũng nên có thêm bài tập cho tầng sinh môn tùy theo mức độ từ nhẹ đến tăng dần, để hạn chế biến chứng do tử cung nặng chèn ép đến các bộ phận cơ thể trong quá trình mang thai.
Sau sinh mổ người mẹ phải làm gì để không bị đau khi đi tiểu?
Trả lời:
Dù sinh mổ hay sinh thường, bạn đều có nguy cơ bị đau khi đi tiểu sau sinh. Điều này xuất phát từ việc bàng quang của mẹ bị ảnh hưởng trong quá trình sinh. Với sinh mổ, tác dụng phụ của thuốc gây tê có thể làm ảnh hưởng các cơ phía dưới, gây ra tình trạng giữ lại nước tiểu trong bàng quang khiến mẹ gặp khó khăn khi đi tiểu trong khoảng 2 ngày đầu sau sinh. Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể khiến chúng ta bị đau khi đi tiểu là tình trạng táo bón sau sinh.
Do đó, bạn nên uống nhiều nước để giúp lưu thông hệ thống tiết niệu, giảm tình trạng táo bón. Bạn cũng nên vận động nhẹ nhàng để các cơ quan chức năng phục hồi. Sau sinh mổ, khi bắt đầu có cảm nhận ở chân, bạn có thể đi lại nhẹ nhàng để kích hoạt lại cơ quan tiết niệu, tiêu hóa để đi tiểu dễ dàng hơn.
Khi đi tiểu, bạn cần chú ý tư thế giúp hạn chế cơn đau là toàn bộ bàn chân phải chạm xuống sàn. Nếu việc này hơi khó khăn khiến bạn bị đau ở vết mổ, bạn có thể lấy một cái ghế thấp rồi đặt chân lên, kê chân để đi tiểu dễ dàng hơn.
Việc bí tiểu thường chỉ diễn ra trong khoảng 2 ngày và cơn đau sẽ giảm dần sau đấy. Nếu mẹ vẫn bị triệu chứng đau buốt trong khoảng thời gian dài thì nên đi khám bởi trong quá trình mang thai, vượt cạn, chăm sóc sau sinh mẹ hoàn toàn có thể bị nhiễm trùng đường tiểu. Nếu thực sự bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê cho bạn những loại thuốc phù hợp với mẹ đang cho con bú.
Trên đây là vài câu hỏi liên quan đến quá trình phục hồi sau sinh mổ. Hy vọng với những câu trả lời của tôi, bạn có thể yên tâm phần nào nếu việc sinh mổ có diễn ra, bạn nhé.