Nhiễm trùng âm đạo khi mang thai
Bản tin #HC2376: Loại nhiễm trùng phổ biến ở mẹ bầu.
Chị ơi, em chán quá. Bác sĩ nói em bị nhiễm trùng âm đạo. Trước đây, em cũng từng bị mà lần này đúng lúc đang mang thai nữa nên em khá lo lắng. Không biết có sao không chị nhỉ?
Nhiễm trùng âm đạo là tình trạng khá phổ biến, chiếm từ 10-30% phụ nữ mang thai. Mẹ bầu bị nhiễm bệnh này liệu có đáng lo không?
Nhiễm trùng âm đạo là gì?
Nhiễm trùng âm đạo là bệnh nhiễm trùng phổ biến ở phụ nữ, được gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm men. Nhiễm khuẩn xảy ra khi mất cân bằng hệ vi khuẩn ở âm đạo, dẫn đến những vi khuẩn khỏe mạnh, vốn chủ yếu sinh ra acid, như lactobacillus bị giảm đi và thay thế bởi các vi khuẩn có hại, sản sinh ra kiềm. Trong khi đó, nhiễm nấm âm đạo gây ra bởi nấm Candida, khiến cho nồng độ acid và nấm men trong âm đạo trở nên mất cân bằng, lượng nấm men phát triển quá mức rất đến các triệu chứng khó chịu.
Nhiễm trùng âm đạo có thể gặp ở cả phụ nữ không có thai và phụ nữ mang thai, nhưng phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc nhiễm trùng âm đạo cao hơn. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng âm đạo như:
Biến đổi hormone: nồng độ estrogen tăng cao làm tăng sản xuất glycogen trong niêm mạc âm đạo, tạo môi trường thuận ợi cho nấm men phá triển.
Hệ thống miễn dịch phải làm việc vất vả hơn để bảo vệ cả mẹ và con, dẫn đến khả năng chống chịu vi khuẩn, nấm men bị ảnh hưởng.
Tăng tiết dịch âm đạo: tạo môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển;
Tiểu đường thai kỳ;
Sử dụng kháng sinh hay thuốc chứa steroid;
Thụt rửa quá mức dẫn đến mất cân bằng acid âm đạo, làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật (gia tăng vi khuẩn có hại và giảm vi khuẩn có lợi).