Nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai?
Bản tin #HC2362: Liệu đây có phải vấn đề nghiêm trọng đối với mẹ bầu?
Nửa đêm ở Việt Nam, lúc bấy giờ tôi vẫn đang làm việc (do lệch múi giờ) thì nhận được tin nhắn dài của cô em thân thiết ở Pháp mới chuyển về Sài Gòn sinh sống. Em gửi cho tôi một tờ xét nghiệm kèm lời nhắn rằng “Em mới đi khám thai tuần thứ 22 và nhận được tờ kết quả này, thấy bác sĩ kết luận là nhiễm trùng đường tiểu. Em lo lắng quá! Ngày xưa mang thai Léonie chẳng làm sao, lần này lại bị dù em sinh hoạt vẫn bình thường, không biết có ảnh hưởng gì đến em bé trong bụng không?”
Nhiễm khuẩn tiết niệu là gì và có biểu hiện ra sao?
Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng hệ thống tiết niệu (cơ quan xử lý nước tiểu), được gây ra bởi vi khuẩn. Dấu hiệu nhiễm khuẩn có thể diễn ra ở nhiều nơi trên hệ thống tiết niệu bao gồm thận, bàng quang, niệu đạo (ống dẫn nước tiểu). Đây là tình trạng nhiễm trùng khá phổ biến trong thai kỳ, chiếm từ 5-10% phụ nữ có thai.
Các triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu bao gồm:
Cảm giác nóng rát khi đi tiểu;
Muốn đi tiểu nhiều hơn bình thường;
Bạn dễ bị són tiểu trước khi đến nhà vệ sinh;
Nước tiểu có màu đục, hơi lẫn máu và có mùi mạnh;
Đau khi quan hệ tình dục;
Đau vùng xương mu (gần bộ phận sinh dục);
Nếu chỗ nhiễm khuẩn ở thận, bạn có thể bị sốt nhẹ, nôn hoặc buồn nôn, đau vùng thắt lưng phía dưới thấp.
Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào bị nhiễm trùng tiết niệu cũng có biểu hiện rõ rệt nên căn bệnh này đôi khi dễ bị bỏ qua. Vì thế, các bác sĩ có xu hướng cho bệnh nhân kiểm tra nước tiểu hàng tháng, vào mỗi lần đi khám để phát hiện sớm tình trạng này.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu?
Thông thường, trong hệ thống tiết niệu không có vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn vào được trong đường tiết niệu, chúng sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu là:
Vi khuẩn từ hệ thống tiêu hóa, thường là từ phân, vô tình nhiễm vào đường tiểu;
Có bệnh lý tiểu đường khiến hệ miễn dịch suy giảm, đường trong nước tiểu có thể khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng;
Cơ sàn chậu yếu khiến bàng quang không rỗng hoàn toàn sau mỗi lần đi tiểu;
Tiền sử nhiễm khuẩn bàng quang, thận trong vòng 12 tháng qua;
Bị sỏi thận;
Mắc bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch;
Quan hệ tình dục quá nhiều (trên 3 lần/tuần) làm tăng nguy cơ vi khuẩn xung quanh âm đạo đi vào hệ thống tiết niệu.
Với phụ nữ có thai, sự thay đổi cơ thể càng làm tăng lên các yếu tố rủi ro bao gồm sự thay đổi hệ miễn dịch, em bé to đè vào bàng quang làm giảm lượng nước tiểu mỗi lần, gây ra hiện tưởng tiểu rắt, són tiểu. Ngoài ra, tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ có thai có thể nghiêm trọng hơn do ống dẫn giữa bàng quang và thận trở nên rộng hơn trong thai kỳ, nên mẹ bầu bị nhiễm khuẩn ở bàng quang làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở thận.
Nhiễm khuẩn tiết niệu ảnh hưởng đến thai kỳ thế nào?
Nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, tiền sản giật, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân. Ngoài ra, nếu bị nhiễm khuẩn tiết niệu nhưng không được phát hiện kịp thời do không xuất hiện triệu chứng, nguy cơ viêm nhiễm ở thận sẽ tăng cao, gây ra tình trạng rất nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu.
Vì thế, dù có triệu chứng hay không, việc phát hiện và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu sớm nhất có thể là điều nên làm.
Cách phòng và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu
Để giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu, cách tốt nhất là bạn nên phòng tránh. Một số cách bạn có thể thực hiện bao gồm:
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc;
Không nhịn tiểu quá lâu, hãy đi tiểu ngay khi bạn có nhu cầu;
Mặc quần coton thoáng khí;
Khi đi vệ sinh, bạn nên lau chùi từ đằng trước ra đằng sau, hoặc lau phía trước và sau riêng rẽ để tránh việc vi khuẩn từ hậu môn lây nhiễm sang đường tiểu. Bạn cũng nên rửa tay sạch sẽ trước khi đi tiểu;
Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục;
Nếu bạn bị nhiễm trùng âm đạo, hãy điều trị ngay lập tức.
Dù đã phòng tránh nhưng vẫn bị nhiễm khuẩn tiết niệu, điều bạn cần làm là điều trị ngay lập tức. Thông thường, bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bạn để điều trị. VÌ bạn đang mang bầu, bác sĩ sẽ tìm loại kháng sinh phù hợp đối với phụ nữ có thai nên bạn cứ yên tâm sử dụng. Tác hại do nhiễm khuẩn tiết niệu thường nghiêm trọng hơn tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh rất nhiều.
Bạn thân mến, tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai dù phổ biến nhưng không quá đáng lo ngại, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách điều chỉnh lối sống của mình. Nếu chẳng may mắc phải, việc điều trị sớm là cần thiết, tránh để lâu việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn.
Chúc bạn có sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ của mình.
------------
Tài liệu tham khảo: