Mẹ bầu uống thuốc ho được không?
Bản tin #HC2374: Cải thiện tình trạng đau họng và ho ở mẹ bầu bằng cách nào?
Giữa tháng 11, tiết trời đã lạnh hơn ở nhiều nơi. Thời tiết này thì ăn ngủ cũng dễ dàng hơn nhưng ngược lại, cũng dễ ốm hơn. Hồi mang bầu An, cũng vào tầm tháng 10, tháng 11, thỉnh thoảng tôi bị ho liên tục. Những cơn ho khiến tôi khó chịu vô cùng, nhất là những cơn ho xuất hiện buổi đêm làm tôi tỉnh giấc. Tôi nghĩ rằng mẹ nhiều mẹ bầu cũng phải đối mặt với tình trạng này mà đôi khi chưa biết làm thế nào, có nên uống thuốc hay không, và nếu có thì uống thuốc gì. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ thêm với bạn về điều này nhé.
Nguyên nhân gây ho cho mẹ bầu
Ho là một trong những triệu chứng của cúm hoặc cảm lạnh, gây ra bởi các loại virus khác nhau, thường gặp nhất vào mùa lạnh. Ngoài ho do cảm lạnh, đôi khi bạn có thể bị ho vì một số nguyên nhân khác như bị mắc COVID-19, ợ nóng gây rát cổ họng (do trào ngược dạ dày), dị ứng. Trong một số trường hợp, bạn có thể bị nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn, ví dụ như ho gà.
Ho có ảnh hường đến quá trình mang thai không?
Nếu ho là triệu chứng của cúm, cảm lạnh thì về cơ bản sẽ không nguy hiểm gì cho thai nhi. Thông thường, các cơn ho có thể tự biến mất sau một đến vài tuần mà không cần điều trị gì đặc biệt. Tuy nhiên, trước khi biến mất, nhiều cơn ho lại khiến bạn rất khó chịu, thậm chí gây mất ngủ hoặc tạo ra những cơ co thắt ở vùng bụng khiến bạn lo lắng.
Nếu ho là do bệnh ho gà, rủi ro thường gặp phải khi em bé vừa chào đời, chưa kịp tiêm vaccine mà lại nhiễm bệnh từ mẹ. Trẻ dưới 2 tháng tuổi mắc ho gà có nguy cơ tử vong cao, đến 70%.
Vì thế, nếu có triệu chứng ho kéo dài, đặc biệt là nếu kèm theo tức ngực, khó thở, mẹ bầu nên đi khám ngay lập tức để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.
Các cách giảm ho dành cho mẹ bầu
Việc cải thiện cơn ho của mẹ bầu thường với mục đích nâng cao chất lượng sống khi mang thai. Bạn có thể áp dụng một số cách sau:
Súc miệng nước muối và rửa mũi thường xuyên để loại bỏ bớt virus ra khỏi mũi họng;
Giữ ẩm cho họng bằng cách uống nước ấm thường xuyên;
Sử dụng một số phương pháp dân gian nhưng được đánh giá là hiệu quả như chanh ngâm/hấp với mật ong, gừng; lê hấp đường phèn; tỏi ngâm mật ong.
Trong trường hợp ho liên tục, khiến bạn không thể ăn hoặc ngủ hoặc kèm theo sốt cao, bạn nên đi khám bác sĩ và hỏi ý kiến về việc dùng thuốc ho.
Nếu phải dùng thuốc thì loại nào phù hợp với thai kỳ?
Nếu muốn uống thuốc ho, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước. Không tự ý mua thuốc ho, nhất là các thuốc ho dạng phối hợp vì có thể chứa thành phần gây hại cho thai nhi. Về cơ bản, bạn cần tránh các loại thuốc có tác dụng kéo dài, tăng cường hoặc chứa cồn trong thành phần hay có thêm tác dụng khác. Sau đây là thông tin về một số loại thuốc ho phổ biến.
Dextromethorphan: là loại thuốc ức chế ho được bán mà không cần đơn. Loại thuốc này dùng cho ho khan và được đánh giá là tương đối an toàn cho thai kỳ khi sử dụng tạm thời trong liều lượng khuyến cáo. Các nghiên cứu về việc sử dụng Dextromethorphan trong thai kỳ đều không tìm thấy mối liên quan giữa loại thuốc này và dị tật thai nhi, kể cả trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, loại thuốc ho này lại không phù hợp để dùng trong trường hợp ho có đờm, hay ngay trước thời điểm sinh con nếu bạn cho bé bú sữa mẹ vì Dextromethorphan chống chỉ định đối với phụ nữ cho con bú.
Codeine: được dùng để giảm đau và ức chế ho. Tuy nhiên, loại thuốc này không phù hợp để dùng trong thai kỳ, trừ khi bác sĩ kê đơn. Nếu bác sĩ kê loại thuốc này cho mẹ bầu có nghĩa là việc sử dụng nó thực sự quan trọng và cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của mẹ bầu.
Guaifenesin: là thuốc có tác dụng long đờm, được dùng để làm loãng và lỏng chất nhầy trong cổ họng và phổi, giúp cho việc ho dễ dàng hơn và loại bỏ được chất nhầy ra khỏi cơ thể. Với các nghiên cứu hiện tại, các chuyên gia chưa thể khẳng định được liệu dùng Guaifenesin có gây ra dị tật bẩm sinh hay các vấn đề khác trong thời kỳ mang thai hay không. Do đó, Guaifenesin chỉ được kê dùng trong thai kỳ khi có lợi ích thật sự vượt trội so với nguy cơ.
Bromhexine: được dùng để làm loãng chất nhầy trong ngực và cổ họng. Thuốc này được sử dụng ở nhiều mẹ bầu những chưa có bằng chứng cho thấy khả năng gậy dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này trong thai kỳ vẫn cần quan sát thêm. Vì thế, Bromhexine được khuyến cáo không dành cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
Siro và viên ngậm ho: có rất nhiều loại siro, viên ngậm ho được bán trên thị trường. Tuy nhiên, tính an toàn của chúng với phụ nữ có thai chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhất là loại chứa thảo dược. Tốt nhất là bạn chỉ nên dùng loại siro hoặc viên ngậm có chứa glycerol (glycerine) hoặc mật ong, chanh.
Bạn thân mến, bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về một số loại thuốc ho phổ biến hay được bán ở hiệu thuốc. Tuy nhiên, vì bạn đang mang thai nên việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng cần có ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ nhé.
Chúc bạn khỏe mạnh trong mùa đông này.
------------
Tài liệu tham khảo:
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/cough-cold-during-pregnancy/
https://unmhealth.org/stories/2022/02/cold-flu-medicine-safe-during-pregnancy.html
https://utswmed.org/medblog/otc-cold-medication-safe-pregnancy/
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15661-whooping-cough-pertussis
https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/whooping-cough-vaccination/
COLD, C. (2006). Pregnancy and OTC cough, cold, and analgesic preparations. US Pharm, 3, 33-47.
https://www.thewomens.org.au/images/uploads/fact-sheets/Medicines-in-pregnancy-171018.pdf
https://www.babycentre.co.uk/a549799/over-the-counter-medicines-in-pregnancy
https://www.medicinesinpregnancy.org/Medicine--pregnancy/Codeine/