Mẹ bầu có được nuôi chó mèo trong nhà không?
Bản tin #HC2333: Những thông tin cần lưu ý khi bạn sở hữu hoặc tiếp xúc với chó mèo.
Bạn thân mến,
Cuối tuần này bạn làm gì? Bạn có dự định ra ngoài chơi không hay chủ yếu ở nhà sau một tuần dài. Dù thai kỳ là khoảng thời gian ưu tiên cho việc nghỉ ngơi nhưng cũng nên ra ngoài vận động mỗi ngày một xíu bạn nhé. Điều này sẽ rất tốt cho việc kiểm soát cân nặng, điều hòa lưu thông máu và cải thiện tâm trạng đấy.
Còn nếu ở nhà, bạn sẽ làm gì? Bạn có thú cưng như chó, mèo để chơi cùng vào thời gian rảnh rỗi không? Nếu có, liệu đã bao giờ bạn tự hỏi việc nuôi chó mèo trong nhà có gây hại gì cho thai kỳ của mình?
Tôi hỏi như vậy vì từng gặp rất nhiều bạn gái yêu chó mèo đến mức thường xuyên ôm ấp chúng, hôn hít và cho chúng lên giường ngủ cùng. Trong số đó, nhiều người chẳng để tâm lắm đến việc điều này có ảnh hưởng đến thai kỳ hay không nhưng một số khác lại mang ngay chó mèo đi gửi ở nhà khác khi biết tin mình có thai.
Ở một tình huống khác, có những bạn không nuôi chó mèo nhưng khi đến gia đình khác chơi thấy các con vật này lại tỏ ra lo sợ. Vậy thực sự, mẹ bầu có được nuôi hay tiếp xúc với chó mèo không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng đọc một số thông tin dưới đây nhé.
1- Những nguy cơ tiềm ẩn từ chó, mèo đến thai kỳ
a- Mèo
Mèo là loài động vật đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền loại kí sinh trùng nguy hiểm với thai kỳ - Toxoplasma. Họ mèo là họ động vật sống duy nhất trở thành vật chủ (mang theo và lan truyền mầm bệnh) của Toxoplasma. Những con mèo thường nhiễm loại kí sinh trùng này thông qua việc ăn thịt sống bị nhiễm bệnh như thịt chuột, thịt chim hay bất cứ thứ gì nhiễm phân của các con mèo khác bị bệnh.
Khi mèo nhiễm Toxoplasma, chúng thường không có triệu chứng gì đặc biệt nên người nuôi khó phát hiện ra. Loại kí sinh trùng này sẽ được đào thải ra ngoài qua phân mèo và có khả năng sống sót trong đó một thời gian dài. Mẹ bầu có thể vô tình nhiễm phải loại kí sinh trùng này khi tiếp xúc với phân mèo qua việc dọn dẹp, đổ phân cho chúng rồi lại đưa tay lên miệng hoặc ăn phải thực phẩm có lẫn đất cát dính phân mèo nhiễm bệnh nhưng chưa rửa sạch.
Trong khi đó, Toxoplasma là một loại kí sinh trùng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Mẹ bầu nhiễm Toxoplasma ngay trước hoặc trong quá trình mang thai có thể truyền bệnh sang cho thai nhi, dẫn đến sảy thai, thai lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm Toxoplasma từ mẹ có thể biểu hiện bệnh ngay khi vừa chào đời: đầu to, nhỏ bất thường, mất thị giác, co giật… Trong một số trường hợp, mẹ và trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh không có triệu chứng gì nhưng bệnh nhiễm trùng Toxoplasma có thể phát triển nghiêm trọng sau này ở trẻ dẫn đến tổn thương mắt (gây mù), khuyết tật não (gây bệnh tâm thần)…
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu từng nhiễm Toxoplasma từ 6 tháng trước khi mang thai, cơ thể phát triển khả năng miễn dịch nên về cơ bản sẽ không thể truyền bệnh cho thai nhi. Để biết mẹ bầu đã từng bị nhiễm loại kí sinh trùng này chưa, bác sĩ thường cho kiểm tra máu. Trong trường hợp mẹ chưa hề bị nhiễm Toxoplasma, việc thử máu sẽ diễn ra thường xuyên để đảm bảo mẹ bầu không bị nhiễm loại kí sinh trùng này trong thai kỳ.
Ngoài mối nguy hiểm lớn nhất là kí sinh trùng Toxoplasma, mẹ bầu có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, virus, giun sán khác có trong nước bọt của mèo nếu hôn chúng hay ăn thực phẩm có lẫn nước bọt và phân mèo. Vì thế, nếu biết mèo bị bệnh, hãy cẩn thận giữ khoảng cách với chúng cho đến khi chúng khỏi bệnh.
b- Chó
Khác với mèo, chó không phải là vật chủ của Toxoplasma nên chúng có thể nhiễm Toxoplasma nhưng không lây truyền chúng. Tuy nhiên, tương tự như mèo, chó cũng có thể mang theo trên cơ thể các loại giun sán, bọ chét, vi khuẩn, virus và các loài kí sinh trùng gây bệnh khác. Các mầm bệnh này có thể truyền sang người khi bạn tiếp xúc với nước bọt của chúng thông qua việc hôn, liếm mặt hay dọn dẹp phân chó, hoặc từ lông chó.
Ngoài những tác động từ việc nhiễm bệnh, những ảnh hưởng không tốt của chó còn đến từ thói quen của chúng. Nhiều con chó có thói quen chạy, kéo bạn đi rất nhanh khi bạn dắt chúng đi dạo, và do đó khiến bạn bị ngã chúi về phía trước. Một số con khác có thói quen nhảy lên bụng của chủ nhân để đùa giỡn tạo ra lực tác động lên tử cung của bạn. Nhiều con lại thích liếm mặt, mũi của bạn nên đấy sẽ không phải ý tưởng hay nếu chúng mang theo mầm bệnh còn bạn đang mang thai.
2- Những điều cần lưu ý nếu bạn muốn tiếp tục nuôi chó mèo trong nhà
Với những nguy cơ ở trên, liệu việc nuôi chó mèo có an toàn đối với mẹ bầu?
Câu trả lời là có bởi thực tế việc nuôi thú cưng trong nhà còn có tác dụng giúp mẹ bầu cải thiện tâm trạng trong thai kỳ. Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn cần lưu ý một số điều như sau:
Hạn chế việc ôm ấp chó mèo, hôn hít chúng hay để chúng liếm lên mặt nhằm tránh lây truyền mầm bệnh có trong nước bọt và lông của chúng. Không cho chúng lại gần giường của bạn để tránh việc chúng trèo lên người bạn lúc đang ngủ.
Có thể cho mèo ăn thức ăn công nghiệp thay vì để chúng bắt chim, chuột và ăn thịt sống;
Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chỗ ăn, ngủ của chó mèo để tránh mầm bệnh tích tụ. Tốt nhất là bạn nên nhờ người thân làm giúp công việc này.
Sau khi tiếp xúc với chó mèo, đặc biệt là sau khi đổ phân và dọn vệ sinh cho chúng, bạn phải rửa tay sạch sẽ trước khi đưa lên mắt, mũi, miệng và chạm vào đồ ăn;
Nếu các loài vật này có thói quen xấu như nhảy lên người bạn, kéo bạn về phía trước, cào, cấu, cắn, liếm bạn thì cần phải sửa cho chúng các thói quen này ngay lập tức;
Thường xuyên cho chó mèo đi khám định kỳ và cập nhật tình trạng vaccine đầy đủ cho chúng. Hãy cố gắng làm điều này trước khi bạn có em bé.
Chó, mèo rất nhạy cảm với sự thay đổi của chủ nhân, nên khi bạn có bầu, chúng có thể cảm nhận được sự thay đổi này, dẫn đến xuất hiện những hành động không bình thường và đòi hỏi bạn chăm sóc chúng nhiều hơn. Vì thế, hãy nhờ người thân làm công việc này để giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Nếu chẳng may bị chó, mèo cắn trong thời gian mang thai, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và theo dõi thêm.
Dù không phải mẹ bầu nào cũng nuôi chó, mèo nhưng trong thời đại ngày nay, tỉ lệ này ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Nếu bạn sở hữu chó, mèo và bạn mang thai, đừng lo lắng quá. Hãy ghi nhớ những điều tôi liệt kê ở trên, bạn có thể tiếp tục nuôi chúng mà không bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng cả.
Chúc bạn một cuối tuần vui vẻ!
-----------
Tài liệu tham khảo:
https://www.winchesterhospital.org/health-library/article?id=156973
https://www.cdc.gov/parasites/toxoplasmosis/toxoplasmosis_catowners.html
https://www.dogstrust.org.uk/dog-advice/life-with-your-dog/at-home/owning-a-dog-when-pregnant
https://www.cdc.gov/parasites/toxoplasmosis/gen_info/pregnant.html
https://www.humanesociety.org/resources/pregnancy-and-toxoplasmosis
https://www.avma.org/resources/pet-owners/petcare/toxoplasmosis
https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/toxoplasmosis
https://dev.marchofdimes.org/pregnancy/pets-and-other-animals-during-pregnancy.aspx
https://www.healthline.com/health/pregnancy/can-dogs-sense-pregnancy