Mẹ bầu có nên uống nước dừa không?
Bản tin #HC2329: Những thông tin thú vị và lời giải cho ngộ nhận về việc uống nước dừa khi mang thai
Bạn thân mến,
Trong quá trình làm khảo sát về nội dung và tương tác với nhiều mẹ đang hoặc từng mang thai về vấn đề ăn uống và ngộ nhận trong thai kỳ, tôi nhận thấy có một loại đồ uống được nhiều mẹ nhắc tên vì khá phổ biến ở Việt Nam là nước dừa. Các mẹ có phản hồi như sau:
Em phải kiêng nước dừa tươi trong 3 tháng đầu dù em là fan của nước dừa vì sau khi uống xong một quả thì đau bụng dữ dội. Bạn em bảo rằng đang bầu mấy tuần, không được uống nước dừa đâu. Nhưng sau 3 tháng thì em uống như điên ý, uống thay ăn.
Mình uống nước dừa bị đầy bụng, nôn lên nôn xuống nên không dám uống nữa.
Em phải kiêng nước dừa, nhưng từ tháng thứ 7 thì bắt đầu uống ạ.
Em phải kiêng nước dừa trước 4 tháng, sau đó em uống dừa bình thường không sao.
Chị kiêng nước dừa vì nghe dân gian nói là gây cơn co.
Tóm lại, đa phần các mẹ đều cho rằng nên kiêng uống nước dừa trong thời gian mang thai vì sợ sảy thai hoặc sinh non, người thì kiêng hoàn toàn, người thì kiêng 3 tháng đầu, người thì đến tháng thứ 7 mới dám uống. Vậy sự thật là gì? Mẹ bầu có uống nước dừa được không và nếu được thì nên uống vào thế nào cho hợp lý?
Thành phần của nước dừa
Nước dừa là phần nước trong suốt bên trong quả dừa chưa chín vì khi chín, phần nước sẽ bị thay thế bởi cùi dừa. Do đó, quả dừa càng non càng nhiều nước.
Nước dừa rất giàu carbohydrates và các chất điện giải như natri, kali, magie, canxi… nên có thể được dùng để điều trị và phòng mất nước trong các trường hợp như tập luyện, tiêu chảy, đặc biệt trong một số tình huống khẩn cấp.
Nước dừa cũng chứa nhiều vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B5, B6, B7 và B9. Các vitamin này tan tốt trong nước và được dùng cho các phản ứng cần thiết của tế bào. Ngoài vitamin nhóm B, nước dừa cũng chứa vitamin C, loại vitamin có tính năng chống oxy hóa quan trọng trong các chế độ ăn.
Nước dừa còn chứa những thành phần khác như đường, chất béo (nhưng không phải chất béo bão hòa), acid amine, các chất hữu cơ và enzyme có lợi cho cơ thể.
Lợi ích của nước dừa đối với thai kỳ
Nước dừa là thứ đồ uống rất ngon nhưng khoa học chưa cho thấy tác dụng kỳ diệu hay ưu việt nào của nước dừa đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc uống nước dừa cũng mang lại một số lợi ích nhất định, đặc biệt là với thai kỳ như sau:
Nhờ vào thành phần điện giải, nước dừa có thể được dùng để bù nước và điện giải cho mẹ bầu bị ốm nghén, nôn quá nhiều trong 3 tháng đầu;
Do có nhiều vitamin B9 hay còn gọi là acid folic, nước dừa góp phần vào việc bổ sung acid folic cho cơ thể, phòng ngừa thiếu máu trong thai kỳ;
Nước dừa có nhiều magie và canxi nên góp phần vào việc bổ sung các chất này cho cơ thể, giúp thai nhi tăng cân, xương phát triển tốt và làm giảm nguy cơ tiền sản giật;
Nước dừa là lựa chọn tốt bên cạnh nước lọc khi được dùng để uống sau thời gian vận động trong thai kỳ, giúp bổ sung nước cho cơ thể;
Việc uống nhiều nước trong đó có nước dừa, nước lọc có thể giúp tăng lượng nước ối. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc dùng nước dừa để điều trị tình trạng thiểu ối ở mẹ.
Ngoài ra, có một số lời đồn cho rằng mẹ bầu uống nhiều nước dừa sẽ đẻ ra con trắng trẻo, nhiều tóc… nhưng các tác dụng như vậy đều chưa được chứng minh. Do đó, bạn cũng không nên thần thánh hóa nước dừa như nhiều người vẫn nói.
Uống nước dừa có hại gì cho mẹ bầu và thai nhi không?
Đa phần mẹ bầu đều lo lắng rằng nước dừa có thể gây sảy thai hoặc sinh non nên chỉ dám uống vào các tháng cuối của thai kỳ để giúp dễ đẻ. Tuy nhiên, đến hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy nước dừa làm tăng khả năng chuyển dạ và khiến việc sinh con trở nên dễ dàng hơn cả.
Các vấn đề như đầy bụng hay buồn nôn mà một số mẹ bầu gặp phải khi uống nước dừa trong ba tháng đầu có thể đến từ những nguyên nhân gây nhiễu khác. Ví dụ mẹ bầu có hệ tiêu hóa bị rối loạn, nhạy cảm, ốm nghén, buồn nôn và nôn nhiều thì nước dừa chỉ là một trong số những đồ ăn khiến mẹ bầu khó hấp thu và gây buồn nôn. Ngoài ra, nếu nước dừa lấy từ quả dừa để lâu, bị chua hỏng hoặc từ quá trình chiết xuất không đảm bảo vệ sinh, mẹ bầu có thể bị đau bụng, đi ngoài khi không may uống phải. Nói chung, chưa thể kết luận nước dừa gây hại cho mẹ bầu được. Chưa kể, nước dừa có thể dùng để bù nước và điện giải trong trường hợp mẹ bầu bị nôn do nghén quá nhiều nên nếu mẹ bầu uống nước dừa mà không thấy khó chịu, buồn nôn gì thì vẫn có thể uống.
Uống nước dừa thế nào cho hợp lý?
Dù nước dừa không được chứng minh là gây sảy thai hay sinh non nhưng vấn đề quan trọng nằm ở cảm giác của bạn. Nếu sau khi uống xong, bạn thấy đầy bụng, buồn nôn thì nên dừng lại nhưng cũng không cần lo lắng quá nhiều. Bạn có thể thử lại vào một lần khác khi tình trạng ốm nghén đã qua đi.
Nước dừa không thay thế được nước lọc nên dù có uống nước dừa, bạn vẫn nên uống thêm nước lọc vì phụ nữ có thai cần uống nhiều nước hơn bình thường.
Khi mua nước dừa, bạn nên chọn các cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh (người bán dừa phải rửa tay sạch sẽ, dao chặt dừa hay các dụng cụ mở quả dừa phải sạch). Nếu mua nước dừa đóng chai, bạn nên chọn loại nguyên chất, không thêm đường và các chất bảo quản.
Nên chọn quả dừa xanh, non vì nước dừa sẽ trong và ngọt. Nước dừa mở ra phải được uống ngay thay vì để lâu. Cách tốt nhất để uống nước dừa là đổ nước từ quả ra cốc để xem nước có trong không trước khi uống, tránh trường hợp uống phải quả dừa bị hỏng, nước đục và chua.
Bản tin này đã cung cấp một vài thông tin về nước dừa. Về cơ bản, nước dừa có nhiều lợi ích cho thai kỳ và chưa được chứng minh là gây hại cho mẹ và bé nên bạn có thể uống nếu thích và không cảm thấy khó chịu sau khi uống. Tuy nhiên, giống như các loại đồ ăn, thức uống khác (trừ nước), bạn nên uống nước dừa với lượng vừa phải và chọn loại tươi ngon, sạch sẽ.
Chúc bạn một thai kỳ khỏe mạnh!
------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/pregnancy/coconut-water-in-pregnancy
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352618118301446
https://medicopublication.com/index.php/ijfmt/article/view/16018
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1261/coconut-water
https://www.manipalhospitals.com/blog/coconut-water-during-pregnancy-myths-and-facts