Mang thai ở độ tuổi nào là phù hợp?
Bản tin #HC2202: Nội dung này có thể đóng góp một phần ý kiến vào quyết định mang thai của bạn.
“Chị ơi, em vừa xin được công việc khá tốt nên muốn phấn đấu một thời gian rồi mới sinh con. Năm nay em 25 tuổi rồi, không biết vài năm nữa mới đẻ thì có ảnh hưởng gì không chị nhỉ?”.
“Bọn em mới cưới nhau xong mà đang xem có nên đẻ luôn không chị ạ. Không biết độ tuổi nào là phù hợp nhất để sinh con nữa?”.
“Tôi muốn có thêm đứa nữa quá mà không biết gần 35 rồi mới đẻ thì có vấn đề gì không?”
Đây là ba trong số những băn khoăn của bạn bè, người thân mà tôi nhận được liên quan đến tuổi tác trong vấn đề mang thai. Nếu như trước kia, ở thời ông bà, bố mẹ chúng ta, việc sinh con sớm khi mới ngoài 20 tuổi là điều phổ biến trong xã hội, thì ở thời đại ngày nay, độ tuổi sinh con lần đầu ở phụ nữ ngày càng tăng lên.
Theo thống kê của liên hợp quốc cho năm 2019, độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con lần đầu ở một số quốc gia phát triển là khá cao như Mỹ: 27,0 tuổi; Pháp: 28,8 tuổi; Phần Lan: 29,4 tuổi; Na Uy: 29,7 tuổi; Đức: 29,8 tuổi; Tây Ban Nha: 31,1 tuổi; Ý: 31,3 tuổi…(1). Ở Việt Nam, chúng tôi chưa tìm thấy số liệu chính xác về độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu nhưng theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam và UNICEF cho giai đoạn 2020-2021, tỷ suất sinh của Việt Nam cao nhất ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi 25-29, tiếp đến là 20-24 và thứ ba là 30-34 (2). Các con số này cho thấy phụ nữ Việt cũng đang có xu hướng sinh con muộn hơn.
Vậy câu hỏi được đặt ra là độ tuổi nào là lý tưởng nhất để sinh con?
Tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng thụ thai
Bé gái có 6-7 triệu trứng ngay từ tuần thai thứ 20 ở trong bụng mẹ. Tại thời điểm sinh ra, các bé có trung bình 2 triệu trứng. Số lượng trứng trong buồng trứng sẽ giảm dần một cách tự nhiên theo thời gian. Đến tuổi dậy thì, các bé gái có từ 300.000-500.000 trứng, con số này giảm xuống 25.000 ở phụ nữ tuổi 37 và chỉ còn khoảng 1000 trứng ở phụ nữ 51 tuổi. Chất lượng trứng cũng sẽ giảm khi phụ nữ nhiều tuổi hơn. (3)
Vì thế, khả năng thụ thai ở phụ nữ cũng sẽ giảm đi khi tuổi tác tăng lên. Phụ nữ trong độ tuổi từ 20-25 có 25-30 % cơ hội mang thai mỗi tháng. Tỷ lệ này thường giảm đi khi phụ nữ bước sang tuổi 30 và giảm nhanh chóng sau 35 tuổi. Ở tuổi 40, cơ hội có thai trong một chu kỳ hàng tháng giảm xuống chỉ còn khoảng 5-10 %. (4,8)
Rủi ro sức khỏe thai kỳ có liên quan đến độ tuổi mang thai
Càng ít tuổi, khả năng thụ thai càng cao nhưng sinh con trước 20 tuổi lại không được khuyến khích. Ở thời điểm này, cơ thể phụ nữ chưa phát triển toàn diện về thể chất và tâm thần, dẫn đến nhiều rủi ro cho sức khỏe của cả mẹ và con. Một số nguy cơ có thể kể đến như thiếu máu, tiền sản giật ở mẹ, hay trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc phải một số tình trạng hiếm gặp lúc chào đời.
Từ 20 đến 30 tuổi, cơ thể phụ nữ đã phát triển đầy đủ để có thể trải qua một thai kỳ thuận lợi. Sau độ tuổi này, việc mang thai bắt đầu gặp nhiều vấn đề hơn khi trứng bắt đầu giảm cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai ngoài 35 tuổi sẽ được xếp vào trường hợp có yếu tố rủi ro cao (nhóm thai phụ cao tuổi), cần được theo dõi y tế chặt chẽ. Một số vấn đề về thai kỳ có thể gặp phải ở mẹ bầu cao tuổi như:
Nguy cơ mắc một số bệnh lý thai kỳ tăng lên, kể cả khi mẹ bầu không có vấn đề về sức khỏe trước đó: tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật…
Các vấn đề liên quan đến nhiễm sắc thể cũng tăng tỷ lệ thuận với tuổi của mẹ. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, trẻ bị hội chứng Down, dị tật thai nhi… Ví dụ: tỷ lệ mắc hội chứng Down ở trẻ là 1/1480 nếu mẹ mang thai ở tuổi 20, 1/940 nếu mẹ ở tuổi 30 và tăng thành 1/85 nếu mẹ mang thai ở tuổi 40. (5)
Dễ kèm theo nhiều vấn đề khác nhau của thai kỳ như mang đa thai (do buồng trứng có xu hướng giải phóng nhiều hơn 1 trứng mỗi tháng), khó sinh, sinh non, đẻ mổ…
Vậy độ tuổi phù hợp nhất để mang thai là bao nhiêu?
Từ những thông tin trên, chúng ta thấy được rằng khoảng thời gian từ 20-30 tuổi là độ tuổi phụ nữ có khả năng thụ thai cao nhất và ít nguy cơ về sức khỏe nhất. Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay, phụ nữ cũng tham gia vào lực lượng lao động của xã hội và phải gánh trên vai nhiều trọng trách, áp lực khiến việc sinh con đôi khi bị trì hoãn đến ngoài 30 tuổi. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ sinh sản và chăm sóc y tế hiện tại cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc giúp việc mang thai của nhóm phụ nữ cao tuổi trở nên dễ dàng hơn.
Do đó, các chuyên gia cũng đồng tình rằng thể chất chỉ là một trong số nhiều yếu tố dẫn đến quyết định mang thai của các cặp vợ chồng. Việc độ tuổi nào được coi là phù hợp nhất để mang thai thực chất còn phụ thuộc vào các yếu tố khác bên cạnh sức khỏe như tài chính, công việc, tâm lý, cảm xúc, người bạn đời phù hợp… vì thế sẽ khác nhau giữa người này với người khác tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình. Quan trọng nhất vẫn là các cặp đôi, đặc biệt là người phụ nữ cảm thấy sẵn sàng cho việc mang thai và làm mẹ.
Cần làm gì nếu muốn có con khi ngoài 35 tuổi?
Dù việc mang thai sau 35 tuổi tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ nhưng trên thực tế, nhiều phụ nữ vẫn có một thai kỳ thuận lợi và sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh. Vì thế, bạn không cần quá lo lắng nếu quyết định hoặc chẳng may có thai khi đã ngoài 35 tuổi. Trong trường hợp này, chúng tôi có vài lời khuyên cho bạn.
Chuẩn bị một kế hoạch tiền thai kỳ thật tốt. Trong hai số bản tin sắp tới, tôi sẽ nói cho bạn biết 8 khía cạnh cần lưu ý trước khi mang thai, vì thế hãy tiếp tục đón đọc nhé.
Hiểu về chu kỳ hàng tháng của bản thân, từ đó lên kế hoạch “thả” để có em bé. Nếu bạn đã ngoài 35 tuổi, bạn nên chuẩn bị trước tâm lý rằng việc “dính bầu” có thể sẽ không diễn ra ngay lập tức hay sau vài tháng đầu tiên, vì thế đừng nên quá căng thẳng. Bạn có thể đi gặp chuyên gia hỗ trợ sinh sản nếu sau 1 năm vẫn chưa có kết quả gì. Trong trường hợp bạn đã ngoài 40 tuổi và muốn có thai, hãy cân nhắc đến việc hỗ trợ sinh sản nếu sau 6 tháng thả nhưng vẫn chưa mang thai.
Một khi mang thai, hãy đảm bảo rằng các khía cạnh chăm sóc thai kỳ của bản thân đều ổn như dinh dưỡng, lối sống, loại bỏ các yếu tố có hại cho thai kỳ, theo dõi y tế chặt chẽ thường xuyên, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi được bác sĩ chỉ định.
Quan trọng không kém, dù ở thời điểm nào, trước, trong hay sau thai kỳ, hãy giữ cho bản thân một tinh thần thoải mái. Trong trường hợp bạn gặp khó khăn, dù ở khía cạnh nào, đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác, đặc biệt là các chuyên gia tư vấn sức khỏe và tâm lý.
Cuối cùng, sau tất cả những thông tin trên, tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bạn rằng việc mang thai ở độ tuổi nào là quyết định của bạn vì cơ thể là của bạn. Kể cả khi bạn muốn có con muộn một chút để chuẩn bị đầy đủ những khía cạnh về tài chính, tâm lý…, bạn vẫn có thể lựa chọn như vậy. Trong đa số các trường hợp, tuổi tác chỉ là một phần. Nếu có một sức khỏe tốt với đầy đủ điều kiện mà bạn mong muốn, bạn lắng nghe và tiếp thu lời khuyên cùng hướng dẫn của các chuyên gia y tế, bạn vẫn có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh bình thường, bạn nhé.
Cảm ơn vì đã theo dõi bản tin này. Tôi ở đây đồng hành và lắng nghe để giúp bạn chăm sóc thai kỳ thật tốt.
Tài liệu tham khảo:
1. UNECE. (2022). Mean age of women at birth of first child. Link: https://w3.unece.org/PXWeb/en/Table?IndicatorCode=34
2. UNICEF & Tổng cục Thống kê. (2022). VIETNAM SDGCW 2020-2021. Link: https://www.unicef.org/vietnam/media/8776/file/Ch%C4%83m%20s%C3%B3c%20tr%C6%B0%E1%BB%9Bc%20sinh.pdf
3. ACOG. (2014). Female Age-Related Fertility Decline. Committee Opinion Number 589. Link : https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/committee-opinion/articles/2014/03/female-age-related-fertility-decline?utm_source=redirect&utm_medium=web&utm_campaign=otn
4. ACOG. (n.d.). Having a Baby After Age 35: How Aging Affects Fertility and Pregnancy. Link: https://www.acog.org/womens-health/faqs/having-a-baby-after-age-35-how-aging-affects-fertility-and-pregnancy
5. Cleveland Clinic. (2022). Advanced Maternal Age. Link: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22438-advanced-maternal-age
6. Mayo Clinic. (2022). Pregnancy after 35: Healthy pregnancies, healthy babies. Link: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/pregnancy/art-20045756
7. Standford Medecin. (n.d.). Risks of Pregnancy Over Age 30. Link: https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=pregnancy-over-age-30-90-P02481
8. BetterHealth Channel. (n.d.). Age and Fertility. Link: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/age-and-fertility