Điều gì đang chờ đợi bạn sau sinh?
Bản tin #HC2477: Chắc hẳn bạn đang có chút hồi hộp, lo lắng vì những thay đổi phía trước.
Năm mới vừa sang, chắc hẳn bạn đang rất háo hức về những điều sẽ xảy ra trong một năm tới. Còn với hành trình sau sinh thì sao, cảm xúc của bạn bây giờ thế nào? Bạn có biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước?
Thực tế, mỗi người mẹ sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác nhau sau khi sinh con, tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, điều kiện cá nhân. Tuy nhiên, sẽ luôn có những điểm chung mà gần như người mẹ sau sinh nào cũng gặp phải.
1- Khía cạnh sinh lý
Sau thai kỳ, người mẹ lại một lần nữa đối mặt với những biến đổi lớn trên cơ thể. Ngay lập tức, sau khi sinh con, tử cung bắt đầu co lại, giảm thể tích. Tử cung sẽ giảm đường kính khoảng 1 cm mỗi ngày và sau mười ngày, sẽ không thể sờ thấy được nữa. Việc co thắt tử cung sẽ giúp các mạch máu co lại, giúp giảm chảy máu. Sản dịch sẽ rất nhiều trong 2-3 ngày đầu, sau đó giảm dần với lượng máu ra giống như trong kỳ kinh nguyệt. Thông thường, sản dịch sẽ hết sau khoảng 3-4 tuần. Với những phụ nữ đã từng sinh con, các cơn co thắt thường đau hơn, với lượng máu chảy nhiều hơn. Ở những phụ nữ cho con bú, các cơn co thắt cũng rõ ràng hơn mỗi khi mẹ cho bé bú, nên có thể sẽ cần dùng thêm thuốc giảm đau. Nếu bị rách hay rạch tầng sinh môn, mẹ cũng sẽ cảm thấy đau và khó đại tiểu tiện trong vài ngày, thậm chí vài tuần sau sinh. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ quay trở lại sau 4-6 tuần nếu mẹ không cho con bú, hoặc nhiều tháng sau nếu mẹ cho bé bú sữa. Có một số trường hợp, kinh nguyệt chỉ trở lại bình thường khi mẹ cai sữa cho bé.
Tại thời điểm sinh con, sau khi nhau thai được đẩy ra ngoài, não sẽ kích thích cơ thể tiết ra prolactine, hormone phụ trách việc sản xuất sữa trong cơ thể mẹ. Sau 2-3 ngày, sữa bắt đầu về, mẹ sẽ thấy ngực mình sưng lên và căng cứng. Với những mẹ đẻ mổ, sữa có thể về chậm hơn một ngày. Nếu mẹ tiếp tục cho trẻ bú, sữa sẽ được sản xuất ra liên tục. Ngược lại, nếu mẹ quyết định không cho trẻ bú sữa, sau một thời gian, có thể sẽ ngừng sản xuất sữa.
Sau khi sinh, hệ thống tiết niệu của mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu mẹ sinh con qua đường âm đạo, đầu của trẻ sẽ tác động nhiều lực lên bàng quang, ống dẫn nước tiểu cũng như các cơ kiểm soát việc tiểu tiện. Điều này sẽ khiến mẹ cảm thấy đau hay rát khi đi tiểu trong những ngày đầu sau ca sinh nở. Bên cạnh đó, các cơ xương chậu cũng chịu tác động từ trọng lượng của thai nhi trong thời gian dài khiến mẹ có thể gặp vấn đề tiểu tiện không tự chủ, hay còn gọi là són tiểu.
Cơ quan tiêu hóa cũng chịu ảnh hưởng từ quá trình vượt cạn. Vài ngày sau sinh, nhu động ruột thường giảm do các cơ bụng bị kéo dãn trong thời gian dài, hoặc dưới tác động của thuốc giảm đau hay từ ca sinh mổ, hay do dạ dày bị rỗng trong suốt quá trình sinh con. Vì thế, phụ nữ sau sinh có thể bị táo bón, đầy hơi trướng khí trong ruột, khiến tình trạng đại tiện trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, việc chảy máu âm đạo cùng với việc đau do các vết rách/rạch khiến nhiều mẹ sợ đi đại tiện trong những ngày đầu tiên. Ngoài ra, tương tự như tình trạng tiểu không tự chủ, phụ nữ sau sinh cũng có thể gặp phải tình trạng són phân.
2- Khía cạnh tâm lý
Diễn biến cảm xúc và tinh thần của phụ nữ sau sinh cũng cần được quan tâm bên cạnh yếu tố thể chất. Buồn bã và choáng ngợp là những cảm xúc thường xuất hiện ở mẹ vài ngày sau khi trải qua quá trình vượt cạn. Đây là những cảm xúc hết sức bình thường, được gây ra bởi sự thay đổi hormone sau sinh. 8 trên 10 phụ nữ mới sinh trải qua những cảm xúc này. Nhiều phụ nữ cảm thấy lo lắng, buồn bã, thất vọng. Thông thường, những cảm xúc này sẽ biến mất sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, ở một số người, những cảm xúc này lại không hề mất đi mà tăng lên, dẫn đến hội chứng “Trầm cảm sau sinh”. Hội chứng này thường chỉ kéo dài trong 1-3 tuần, nhưng ở một số người, có thể diễn ra trong vòng 1 năm sau sinh.
3- Khía cạnh xã hội
Sau khi sinh, người mẹ thường chịu nhiều tác động từ những người xung quanh. Việc cân bằng giữa nhu cầu của bản thân và em bé là một thử thách với người mẹ. Đôi khi, thử thách này trở nên khó khăn hơn bởi những áp lực đến từ sự trông đợi, kỳ vọng của gia đình và bạn bè đối với vai trò của người mẹ trong việc chăm sóc con.
Những quan niệm xưa cũ liên quan đến việc ở cữ bao gồm ăn uống, kiêng khem khiến mẹ cảm thấy không thoải mái. Quá nhiều người đến thăm nom, hỏi han cũng khiến bạn và em bé không có thời gian nghỉ ngơi.
Đôi khi, việc cho con bú diễn ra không được suôn sẻ, như ý khiến người mẹ nhận về vô số những chê trách, chỉ trích từ những người xung quanh. Em bé không hợp tác với mẹ, thường cáu gắt, khó chịu, khóc nhiều cũng sẽ khiến mẹ mệt mỏi cả thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng những điều bạn phải đối mặt phía trên, dù là thể chất, tâm thần hay tác động từ xã hội chỉ là những sắc màu trầm lắng của giai đoạn sau sinh. Sẽ luôn có những sắc màu tươi sáng khi bạn được ôm ấp con và nhìn thấy con lớn lên từng ngày. Vì thế, đừng lo lắng quá nhiều, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua và bạn sẽ ổn thôi. Hãy cứ yên tâm nhé!
------------
Tài liệu tham khảo:
American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG). (2021). Your Pregnancy and Childbirth: Month to Month (Seventh ed.). ACOG.
Biswas, C. (2017). L’encyclopédie Larousse de la grossesse. Larousse.
College National des Gynécologues et Obstétriciens Français (CNGOF), Evrard, N., & Hédon, B. (2020). Le grand livre de ma grossesse - Édition 2021–2022. EYROLLES.
NHS. (n.d.). Your post-pregnancy body. nhs.uk. https://www.nhs.uk/conditions/baby/support-and-services/your-post-pregnancy-body/