Giải quyết các cơn đau thường gặp ở mẹ bầu
Bản tin #HC2347: Các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để giải tỏa cơn đau.
Bạn thân mến,
Bạn đang ở giai đoạn nào của thai kỳ rồi ? Liệu bạn có những cơn đau thường xuyên xuất hiện khi mang thai ?
Còn nhớ, hồi mang bầu cô con gái nhỏ cách đây 4 năm, tôi thường phải trải qua nhiều cơn đau khác nhau. Nếu như ở đầu thai kỳ là đau bụng, đau đầu thì về cuối thai kỳ lại là đau lưng. Đôi lúc, tôi cũng cắn răng chịu đựng vì không muốn dùng thuốc, và tôi biết nhiều mẹ cũng trải qua hoàn cảnh tương tự. Thực tế, chúng ta có thể thử nhiều biện pháp khác nhau để giảm đau nhằm cải thiện chất lượng sống. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ cho bạn một số cách nhé.
Đau trong thai kỳ
Các cơn đau trong thai kỳ thường xuất hiện do nhiễm trùng, tổn thương hoặc rối loạn các chức năng gặp phải do sự thay đổi của cơ thể khi mang thai. Đa số các cơn đau là vô hại nhưng việc để chúng kéo dài có thể khiến mẹ bầu rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, thậm chí trầm cảm do chất lượng cuộc sống suy giảm. Chính vì vậy, việc giải quyết các cơn đau này đôi khi là cần thiết.
Cho đến hiện nay, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào trong việc quản lý các cơn đau ở mẹ bầu. Nếu bạn bị đau ở một vùng nào đó, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để hỏi ý kiến. Tuy nhiên, về cơ bản, sẽ có 2 hướng giải quyết là dùng thuốc giảm đau và các biện pháp không dùng thuốc.
Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên bạn thử trước các giải pháp hỗ trợ sinh lý mà không cần dùng đến thuốc. Chỉ khi các biện pháp này không có tác dụng, bạn quá đau hoặc cơn đau dai dẳng, kéo dài, bạn mới nên uống thuốc.
Loại thuốc phổ biến nhất để giảm đau ở mẹ bầu là paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen). Về cơ bản, paracetamol được đánh giá là khá an toàn nếu dùng đúng liều lượng, trong một thời gian ngắn và không quá thường xuyên. Trong khi đó, các thuốc giảm đau chống viêm không chứa steroid như Ibuprofen lại được khuyến cao không nên dùng tùy tiện trong thai kỳ, đặc biệt là sau tuần thứ 28. Các thuốc thuộc nhóm này chỉ được sử dụng nếu không thể tránh khỏi và cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc bạn.
Các biện pháp giải quyết 2 cơn đau phổ biến ở mẹ bầu
Như đã nói ở trên, cơn đau của mẹ bầu có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bài viết này, tôi sẽ tập trung vào việc giải quyết 2 cơn đau liên quan đến sự thay đổi sinh lý, cụ thể là đau đầu và đau lưng.
1- Đau đầu
Đau đầu diễn ra khá phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là tam cá nguyệt thứ nhất. Các cơn đau đầu thường xuất phát từ sự thay đổi hormone, căng thẳng, hay chỉ đơn giản là do bạn cắt giảm lượng caffeine và cơ thể cần thời gian để làm quen với liều lượng mới.
Các cách giúp bạn giải tỏa cơn đau đầu bao gồm :
Ăn uống cân bằng, đầy đủ, không bỏ bữa;
Uống nhiều nước;
Ngủ đủ giấc, tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn vì thiếu ngủ, mệt mỏi cũng có thể khiến bạn bị đau đầu;
Vận động nhẹ nhàng, có thể tập một số bài yoga dành cho bà bầu để tăng cường lưu thông máu;
Chườm khăn ấm lên trán, mát-xa nhẹ nhàng khu vực đầu, cổ, vai, tắm nước ấm trước khi đi ngủ;
Hạn chế một số tác nhân có thể làm gia tăng chứng đau nửa đầu như chocolat, sữa chua, phô mai lâu năm, thịt nguội, mỳ chính, thức ăn có mùi mạnh, ánh sáng gắt, âm thanh lớn, sử dụng màn hình liên tục, làm việc quá nhiều, căng thẳng, stress…
Bạn sẽ cần gọi cho bác sĩ khi có các cơn đau đầu như sau:
Đau khủng khiếp và không có dấu hiệm giảm, bởi các cơn đau như vậy có thể là dấu hiệu của chứng “tiền sản giật”;
Kèm theo sốt, mắt nhìn mờ, mất ngủ, tay chân run rẩy;
Cơn đau xuất hiện sau khi bị ngã hoặc va đầu mạnh vào đâu đó;
Đi kèm với nghẹt mũi, áp lực dưới mắt hoặc đau răng: có thể là dấu hiệu nhiễm trùng xoang.
2- Đau lưng
Đau lưng có lẽ là cơn đau phổ biến nhất xuất hiện ở mẹ bầu, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ ba. Điều này thường do thay đổi hormon khiến các liên kết ở vùng xương chậu trở nên lỏng lẻo trong khi đó, trọng lượng của bạn tăng lên, bụng của bạn cũng to dần. Khi bụng to hơn, trọng tâm của bạn sẽ dịch chuyển về phía trước nên để tránh ngã, bạn sẽ xu hướng ngả người ra sau, làm căng các cơ ở lưng dưới và gây đau lưng. Do đó, bạn có thể phòng và xử lý tình trạng đau lưng bằng một số biện pháp sau :
Đảm bảo giữ tư thế đúng khi mang thai : dựa trên các nguyên tắc như luôn đứng thẳng, ưỡn cao ngực, giữ vai ở phía sau và thả lỏng. Khi đứng, hãy lựa chọn tư thể mở chân rộng để cơ thể được hỗ trợ tốt nhất. Trong trường hợp phải đứng thời gian dài, hãy đặt một chân lên chiếc ghế thấp. Khi ngồi, chọn một chiếc ghễ hỗ trợ lưng của bạn hoặc đặt một chiếc gối nhỏ phía sau.
Đi giầy thấp nhưng không phẳng hoàn toàn, có hỗ trợ vòm tốt. Tránh đi giày cao gót quá 3 cm.
Đeo đai hỗ trợ nâng bụng dành riêng cho mẹ bầu.
Nâng vác đồ vật đúng cách : khi cần lấy một đồ vật dưới sàn, hãy ngồi xổm xuống rồi mới nhấc lên, tuyệt đối không cúi xuống để lấy vật. Hãy biết giới hạn của mình để nếu thấy vật nặng quá thì nhờ người khác khỗ trợ.
Ngủ nghiêng : không nằm ngửa. Bạn có thể sử dụng gối chữ U dành cho bà bầu để kê dưới bụng, kẹp giữa 2 đầu gối và kê sau lưng.
Thử chườm nóng, lạnh và mát xa nhẹ nhàng.
Vận động thể chất thường xuyên để giữ cho lưng được chắc khỏe. Bạn cũng có thể thử các bài tập yoga dành riêng cho mẹ bầu giúp giảm đau lưng.
Bạn sẽ cần gọi ngay cho bác sĩ khi đau lưng kèm theo những vấn đề sau :
Tình trạng đau lưng trở nên trầm trọng hơn, hoặc đau kèm theo sốt ;
Các ngón chân của bạn tê bì, chân trở nên yếu hơn ;
Đau dữ dội ở bắp chân ;
Đau lưng kèm theo cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Chảy máu âm đạo.
Trên đây là một số cách mẹ bầu có thể áp dụng để phòng và giảm đau đầu và đau lưng. Tôi hy vọng những cách này có thể giúp ích cho bạn phần nào để những cơn đau không trở thành nối ám ảnh cho thai kỳ của bạn.
Chúc bạn thật nhiều sức khỏe nhé !
----------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046080
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-concerns/cramping-during-pregnancy/
https://www.health.harvard.edu/blog/is-a-common-pain-reliever-safe-during-pregnancy-202110292627
https://www.medicalnewstoday.com/articles/pain-medication-while-pregnant-list
https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/planning-baby/common-discomforts-pregnancy
https://health.clevelandclinic.org/how-to-deal-with-back-pain-during-pregnancy/
https://www.sps.nhs.uk/articles/pain-treatment-during-pregnancy/